Người than vãn, người khen hay
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hệ thống loa phường có mật độ dày đặc nhất ở các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân… Trong đó, những khu tập thể cũ, khu phố cổ có mật độ loa khá dày: Tập thể Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng); Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình)… Nhiều cột loa có tới 3, 4 loa lớn nhỏ. Một số phường đưa cả những việc ma chay, hiếu hỉ lên loa. Anh Nguyễn Văn Đức, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho biết, ngoài những tin tiêm phòng, lễ ra quân… loa phường còn làm luôn nhiệm vụ “báo hiếu, báo hỉ”, thời gian, địa chỉ chi tiết... Cùng với đó, việc phát loa quá sớm với công suất lớn khiến cuộc sống gia đình anh bị ảnh hưởng ít nhiều.
Đồng tình với anh Đức, anh Nguyễn Quốc Minh (phố Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, loa phường rất hiệu quả trong quá khứ vì điều kiện thiếu thốn thông tin ở thời điểm đó. Nhưng hiện nay, giữa thời buổi công nghệ thông tin phát triển, loa phường không còn phát huy tác dụng, thậm chí mang tới cảm giác phiền toái, gây ồn ào.
Tuy vậy, vẫn có người dân muốn giữ lại loa phường, chủ yếu là người lớn tuổi. Bà Đình (phường Thành Công, Ba Đình, nói, nhờ “cái loa hết thời” mà bà biết được lịch phát lương, thông tin tiêm chủng, ra quân của phường. Nhiều khi chính những người lớn tuổi lại nắm bắt được thông tin địa phương trước để nhắc nhở cho con cháu trong nhà. Tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, nhiều người tỏ ra bất ngờ về thông tin bỏ loa phát thanh xã. Bà Bình (một người dân xóm 1, xã Kim Lan) nói: Ở đây, người dân chủ yếu làm nghề gốm, cả ngày quần quật trong xưởng ít có thời gian xem tivi, báo đài. “Nên có đài phát thanh là tin tức gì cũng được cập nhật hết, từ thời sự trong nước đến Tổng thống Obama tận bên Mỹ, tiện lợi lắm”, bà Bình hào hứng.
Loa phường nên chuyển dần sang loa xã
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, loa phường đã từng là một nét văn hóa, đóng góp rất nhiều cho Hà Nội trong những ngày mới tiếp quản Thủ đô. Mọi thông tin về tem phiếu, tem gạo, tháng này mua gì… đều được cập nhật trên loa phường. Thêm vào đó, những bài hát hào hùng thời chống Mỹ, mọi tầng lớp được nghe, học theo, hát được đều nhờ có loa phường. “Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, đúng như Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung nói, loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử”, ông Tiến nói. Cuộc sống đô thị vốn đã ồn ào, tấp nập, không thể chịu thêm ô nhiễm âm thanh từ hệ thống loa phường nữa. Bên cạnh đó, người dân đã có rất nhiều thông tin từ các phương tiện thông tin khác…
Ông Huỳnh Xuân Thủy, phụ trách mảng văn hóa thông tin phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm cho rằng: Cá nhân ông thấy bỏ loa phường là rất hợp lý. Ngay cả nhiều vị tổ trưởng dân phố cũng chẳng bao giờ nghe loa phường. Còn những gia đình ở gần nơi lắp loa thì ngày nào cũng bức xúc vì âm lượng loa quá lớn. Theo vị này, mỗi năm ngân sách phường dành 50 triệu đồng để bảo dưỡng, duy trì hoạt động của hệ thống loa. Như vậy nếu nhân lên với 18 phường trên địa bàn, mỗi năm quận Hoàn Kiếm chi đến 900 triệu đồng cho hệ thống loa. Đó là chưa kể còn tiền lương cho trưởng đài và phát thanh viên. “Nhưng chưa chắc số tiền này đã có hiệu quả”, vị này nói. Theo đó, trưởng đài hiện nay chỉ được ký hợp đồng 3 tháng/lần với hệ số 1.0 (tương đương hơn 1 triệu đồng). “Rất khó tìm được người có trình độ, tâm huyết để làm phát thanh địa phương, nên việc nói ngọng, nói sai ở các phường vẫn xảy ra phổ biến”, vị này nói.
Bà Cao Thị Thu Hà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hoàn Kiếm cho biết, đúng là có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến chuyện giữ hay bỏ loa phường. Tuy nhiên, hiện nay loa phường vẫn phát huy tác dụng trong tuyên truyền các chủ trương, chương trình của quận hay của thành phố. Nếu thay loa phường bằng hệ thống wifi thì vẫn có nhiều đối tượng chưa tiếp cận được với thông tin do hạn chế về công nghệ.
Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan, huyện Gia Lâm cho rằng, chỉ nên bỏ hệ thống loa ở các quận nội đô. Ở các huyện, loa phát thanh có vai trò quan trọng. Không gian rộng, chủ yếu là làng nghề nên loa phát thanh là kênh thông tin hiệu quả. Hàng ngày ngoài phát sóng các hoạt động của xã, trạm truyền thanh xã còn tiếp âm đài huyện và kênh VOV quốc gia. “Ở xã Kim Lan có 8 thôn, 18 điểm có cột loa, nhưng chỉ cần 1 cột loa hỏng là người dân đã có ý kiến sửa ngay”, bà Hoài nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Hà Nội, Sở đang tiến hành kiểm tra số lượng loa trên địa bàn. Trên cơ sở số liệu thống kê, Sở sẽ kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu bỏ loa phường hay không. Ông Khánh nêu quan điểm, sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra, ví dụ như ở các quận cũ nội đô, có thể giảm số lượng loa phường hoặc thay bằng hệ thống loa không dây, điều tiết âm lượng nội bộ, tránh ảnh hưởng đến các hộ gia đình.
Ông Huỳnh Xuân Thủy, công chức Văn hóa xã hội, phường Hàng bài cho rằng: Không cần loa phường vẫn có thể tuyên truyền tốt các chương trình, kế hoạch của phường tới từng hộ dân. Đây chính là lúc phát huy vai trò mạng lưới cơ sở, của các Hội, đoàn thể... “Các vị nhận lương của nhà nước, các vị phải có trách nhiệm hoàn thành công việc của mình”, ông nói.