Giải quyết oan sai ở Thủ Thiêm: Nhiều câu hỏi của dân đang 'treo'

TP - Ngày 7/11, tiếp 50 hộ dân thuộc hai phường Bình An, Bình Khánh bị giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết lãnh đạo thành phố sẽ “thực tâm” giải quyết oan sai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi người dân nêu ra chưa có câu trả lời.

Cùng dự buổi tiếp dân hôm qua có ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ.

Kê sai đơn thuốc

Mở đầu buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến phản đối, cho rằng người dân đang khiếu nại về bồi thường giải tỏa, cụ thể là nhà đất bị cưỡng chế giải tỏa nằm trong phạm vi 5 khu phố thuộc ba phường ngoài ranh dự án khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm chứ không phải khu 4,3 ha, đến nay cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa có kết luận và chưa có quyết định giải quyết khiếu nại.

Giải quyết oan sai ở Thủ Thiêm: Nhiều câu hỏi của dân đang 'treo' ảnh 1 Ngôi nhà còn sót lại sau giải tỏa ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trong khi đó, văn bản số 1483 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 7/9 chỉ là thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung khiếu nại, không có giá trị pháp lý để áp dụng đối với khiếu nại của người dân. Ngoài ra, nội dung giấy mời của UBND TPHCM thể hiện các hộ dân được mời nằm ngoài ranh khu 4,3 ha nhưng trong phạm vi quy hoạch dự án khiến người dân bức xúc.

Trước tình huống này, ông Nguyễn Hồng Điệp nói UBND TPHCM gặp gỡ để lắng nghe ý kiến người dân, bàn cách thực hiện kết luận kiểm tra, không phải gặp dân để giải quyết khiếu nại tố cáo.

Ông Cao Thanh Ca (khu phố 1, phường Bình An) bày tỏ: Thông báo của TTCP giống như bác sỹ kê đơn thuốc sai. Người dân rất thất vọng. Chính quyền gặp dân thì áp dụng các chính sách rất đầy đủ nhưng giải quyết khiếu nại thì vòng vo, né tránh, vì vậy khiếu nại đã kéo dài hơn 20 năm. Bây giờ giải quyết dứt điểm luôn, đừng dây dưa nữa. Người dân đã khổ sở, mệt mỏi lắm rồi. Nếu không thực tâm giải quyết, người dân dễ hiểu nhầm là còn tàn dư của nhóm lợi ích.

“Dự án không có quyết định thu hồi đất mà đi thu hồi, cưỡng chế là phạm tội hình sự. Nếu vì quốc phòng an ninh thì người dân đồng tình, còn đằng này chính quyền lấy đất giao cho các đại gia thì chúng tôi không chấp nhận. Bây giờ “đè” mấy ông ở UBND phường, UBND quận để kiểm điểm. Họ chỉ thừa hành, có tội gì đâu? Chính quyền phải giải quyết vụ việc có tâm, có tầm”, ông Ca nói.

Phải thực tâm giải quyết khiếu nại

Bà Nguyễn Thị Hà (khu phố 1, phường Bình An) nói: Nếu chính quyền thành phố muốn giải quyết khiếu nại thật lòng thì kiên nhẫn lắng nghe và làm rõ: Căn cứ vào bản đồ nào xác định ranh 4,3 ha, ranh khu đô thị Thủ Thiêm? Thông báo của TTCP xác định khu 4,3 ha ngoài ranh, trong khi toàn bộ khiếu nại của dân nêu rõ 5 khu phố thuộc 4 phường nằm ngoài ranh và chưa có quyết định giải quyết khiếu nại. Phải làm rõ việc này thì mới bàn đến chính sách.

Giải quyết oan sai ở Thủ Thiêm: Nhiều câu hỏi của dân đang 'treo' ảnh 2 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

“Đập phá nhà, cưỡng chiếm đất, ai chịu trách nhiệm? Ai cho phép dùng hơi cay, hóa chất phun vào nhà dân để cưỡng chế, đập phá nhà? Những hành vi sai phạm, những tổn thất tinh thần người dân chịu đựng 20 năm qua ai chịu trách nhiệm bồi hoàn và 160 ha đất tái định cư đã giao cho ai… Phải làm rõ sự thật các sai phạm thì mới tính đến việc ngồi lại bàn việc bồi thường với người dân”, bà Hà nói.

“Với tư cách Chủ tịch

   UBND thành phố, tôi không xuất phát từ lợi ích của người dân thì xuất phát từ cái gì? Tôi không quan tâm chuyện đó thì tôi không còn tư cách để lãnh đạo thành phố. Trước khi có chính sách, tôi muốn lắng nghe ý kiến bà con xem như vậy đã được chưa, thỏa đáng chưa... Chúng tôi rất cầu thị”.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Ông Lữ Đình Minh (B5/1 Lương Định Của, phường Bình An) nói: Quan trọng là lãnh đạo hiện nay có thực tâm giải quyết hay không vì vụ việc đã kéo dài 20 năm. Dân gửi đơn từ địa phương đến trung ương, kiện ra tòa thì chưa có vụ nào thắng, giống như “con kiến kiện củ khoai”.

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, người dân ở 5 khu phố đều cho rằng nhà của mình không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm theo quyết định 367. Tuy nhiên, việc này không chỉ căn cứ theo bản đồ mà còn phải căn cứ vào các tài liệu, hồ sơ khác.

“Cho đến bây giờ vẫn chưa thể công bố 4,3ha là cắm mốc chỗ nào. Ý kiến của các bác ở đây hôm nay chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo TTCP để xác định có phải cả 5 khu phố đều ở ngoài ranh để có biện pháp”, ông Điệp nói.

Phát biểu tại buổi tiếp dân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: “Nếu bà con hỏi tôi có thật tâm giải quyết vấn đề Thủ Thiêm hay không, xin thưa là nếu không thật tâm, tôi không dành nhiều thời gian để lắng nghe cặn kẽ tất cả kiến nghị của bà con. Sắp tới, tôi sẽ tiếp người dân 3 phường còn lại nữa, đó là các phường: Thủ Thiêm, An Khánh và An Lợi Đông để lắng nghe thêm”.

Theo ông Phong, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, TPHCM đã đề ra kế hoạch thực hiện và các phần việc đang được tập trung, khẩn trương thực hiện và cũng sẽ sớm công khai cho người dân biết. Đối với vấn đề phát sinh mới, đó là một số khu phố thuộc các phường Bình Khánh, An Khánh và Bình An mà người dân cho là nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm, với tư cách là người đứng đầu TPHCM về mặt chính quyền, ông Phong nói sẽ lắng nghe và  phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành Trung ương rà soát, kiểm tra và trả lời cụ thể cho người dân.

Liên quan đến 160 ha tái định cư và các dự án ảnh hưởng đến việc tái định cư này, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TPHCM đang phối hợp với tổ công tác của Chính phủ làm rõ. “Cái nào sai phải sửa, liên quan trách nhiệm cá nhân tổ chức nào là phải xử lý nghiêm khắc”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.