Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) cho biết cứ giáp Tết cổ truyền những năm trước, bà cùng một số người dân ở Thủ Thiêm lại đi Hà Nội kêu cứu. Năm nay bà con cũng dự định ra Thủ đô nhưng nghe Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM tổ chức đối thoại với người dân trước Tết nên bà con quyết định ở lại chờ đối thoại.
Đất bỏ hoang, dân lang thang
Bà Tám nhớ lại: Nhà đất của tôi được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận, đến lúc cưỡng chế tháo dỡ thì không có quyết định thu hồi đất. Tôi thắc mắc đập nhà tôi có đúng pháp luật hay không thì chủ tịch phường hồi ấy tuyên bố “tôi chính là pháp luật”. Tôi bị cưỡng chế tổng cộng… 9 lần. Lần đầu là đập nhà. Tôi dựng lều lên ở thì tiếp tục bị dỡ lều, dỡ cột,.. Người dân khiếu kiện không yêu cầu làm rõ pháp lý của khu 4,3 ha. Yêu cầu của người dân là muốn xác định 5 khu phố thuộc 3 phường trong ranh hay ngoài ranh. Mà, muốn làm rõ thì phải có bản đồ gốc. Nếu bản đồ quy hoạch bị thất lạc thì làm sao xác định nhà đất trong ranh hay ngoài ranh?
“Không chứng minh được thì phải trả lại đất cho người dân để sớm ổn định cuộc sống. Bà con sống lang thang ngoài đường, đất đai bị thu hồi thì bỏ hoang. Tết sắp đến rồi. Nếu địa phương làm sai thì trả lại đất cho chúng tôi dựng tạm căn lều để có chỗ thờ cúng”, bà Tám nói.
Cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An) òa khóc: Đại biểu Hiếu từng làm Bí thư quận 2; đại biểu Hà từng giữ chức phó chủ tịch UBND quận chắc biết trường hợp của tôi. Căn nhà của tôi hơn 180 m2 thuộc khu cư xá, gia đình có hộ khẩu thường trú. Đang yên lành thì năm 2009 bị cưỡng chế, cả gia đình bị đẩy ra đường. Con tôi mới 7 tuổi, phải xin ngủ nhờ hàng xóm sau đó mới thuê được nhà trọ.
“Thẻ cử tri của tôi ghi rõ địa chỉ. Tôi còn có hợp đồng thuê căn hộ. Vậy mà khi thu hồi, chính quyền nói nhà tôi và ba tôi là một và không chấp nhận lập hồ sơ bồi thường cũng không bố trí tạm cư. Họ còn khuyên tôi đi kiện… ba tôi để đòi tiền bồi thường. Đến năm 2013, thấy tôi khiếu kiện nhiều nơi họ mới đồng ý bố trí tạm cư nhưng vẫn không chịu lập hồ sơ bồi thường. Trong khi đó một lãnh đạo phường An Khánh nhà chưa đến 100 m2 được lập đến 5 hồ sơ để được hưởng 5 suất tái định cư”, bà Loan cho hay.
Cử tri Trần Kim Long (63 tuổi, phường Bình An) cho hay là cán bộ ngành đường sắt với vị trí trưởng tàu, thâm niên công tác hơn 30 năm. Gia đình ông Long được UBND quận 2 bán hóa giá căn nhà trong cư xá và được cấp sổ hồng. Thế nhưng, khi UBND quận thu hồi, ông Long không được bồi thường. “Tôi khiếu nại hơn 13 năm, đến lúc Thủ tướng chỉ đạo thì quận mới tiếp xúc nhưng không giải quyết bồi thường, không bố trí tạm cư”, ông Long nói.
Chờ đến bao giờ?
Trả lời các cử tri, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết cho biết trong quá trình xem xét các nội dung khiếu nại của người dân về dự án khu ĐTM Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ xác định cơ sở pháp lý của khu 4,3 ha trước, sau đó sẽ tiếp tục xem xét 5 khu phố thuộc 3 phường. “Trách nhiệm của quận hiện nay là giải quyết chính sách cho người dân khu 4,3 ha. Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý, quận sẽ làm hạ tầng rồi bàn giao nền đất cho dân”, ông Khiết nói.
Về trường hợp của cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan, ông Khiết nói bà Loan đã gửi hồ sơ cho ông Phan Nguyễn Như Khuê (đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM) và đã nhận căn hộ tạm cư. UBND quận sẽ tiếp tục yêu cầu Ban Bồi thường giải tỏa quận 2 xem xét chính sách bồi thường cho bà Loan.
Tiếp nhận đơn của ông Trần Kim Long, thay mặt tổ đại biểu HĐND TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cam kết sẽ yêu cầu quận 2 trả lời.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, cơ sở pháp lý để xác định ranh quy hoạch của dự án, vấn đề khiếu nại của người dân liên quan đến 5 khu phố thuộc 3 phường trong hay ngoài ranh quy hoạch, vấn đề xử lý khu tái định cư 160 ha, công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cán bộ sau sai phạm… là những vấn đề lớn đang được các bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nói: “Hôm qua họp báo, UBND TPHCM thông tin là sắp tới sẽ cùng Thanh tra Chính phủ đối thoại với người dân về ranh dự án. Về 160 ha đất tái định cư, Thanh tra Chính phủ đang làm rõ và có thể sẽ thông tin bước đầu trong cuộc đối thoại với người dân sắp tới. Về chính sách bồi thường bổ sung cho người dân khu 4,3ha, TPHCM đang trong quy trình giải quyết. Các kiến nghị của người dân, các đại biểu sẽ lắng nghe, tổng hợp và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ông Hiếu đề nghị người dân tiếp tục kiên nhẫn chờ các cơ quan bộ ngành Trung ương đối thoại và giải quyết. “Tôi biết thành phố đã trả lời, đã giải quyết nhưng bà con không đồng ý. Những trường hợp cụ thể chúng tôi ghi nhận và yêu cầu cơ quan có liên quan giải quyết trên cơ sở đúng pháp luật, công bằng”, ông Hiếu hứa.