Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần

Chợ lá dong nửa thế kỷ ở TPHCM
Chợ lá dong nửa thế kỷ ở TPHCM
TP - Ở TPHCM có những phiên chợ độc đáo mà mỗi năm chỉ họp có một lần vào dịp Tết.  

Chợ lá… thong dong

Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, đoạn đường dài nửa cây số, từ ngã ba đường Ông Tạ đến ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) lại phủ một màu xanh mướt mắt từ các loại lá dong, lá chuối. Đoạn đường “xanh xanh” ấy được người dân gọi bằng cái tên dân dã là chợ lá. Lý do là nơi đây bán toàn các loại lá dong, lá chuối, dây lạt gói bánh chưng, bánh tét. Chợ chỉ họp mỗi năm một lần nhưng đã trở thành nét đặc trưng của người Sài thành.

Gọi là “chợ” cho oai chứ ở đây không có quầy sạp, phân lô, chẳng ban quản lý… nhưng hoạt động kinh doanh rất trật tự. Ai đến trước xí chỗ trước, người tới sau lấp vào chỗ còn lại. Và cứ thế chuyện bán mua diễn ra vỏn vẹn khoảng một tuần. Ở đây, hàng nào cũng như nhau, chẳng có chuyện nói thách, kỳ kèo. Đến chợ, khách hàng dừng lại, ngó nghiêng, hỏi giá là mua chứ không phải kiểu “hỏi rồi bỏ đi”. Người bán cũng vậy, chân chất, mộc mạc nói thiệt bán hàng chứ không tâng bốc hay “ghim hàng, đẩy giá”.

Ông Đinh Quang Hải (62 tuổi) gần nửa đời người gắn bó với phiên chợ cho hay: “Tôi mới xuống hàng được 3 bữa nay. Mấy năm gần đây khách hàng đi chợ mua lá không còn nhiều vì siêu thị, cửa hàng tiện ích đều bán sẵn các loại bánh chưng, bánh tét với giá rất rẻ. Tết này còn thêm chuyện thịt heo tăng giá, chẳng biết có ai còn gói bánh không”.

Cẩn thận chọn từng bó lá dong, bà Thanh (70 tuổi, ngụ Q.3) cho biết, bà phải đi chợ sớm để chọn được những chiếc lá ưng ý nhất. “Không phải lá dong nào cũng gói bánh được ngon và cho màu sắc đẹp. Vì vậy, tôi phải chọn kỹ ở từng gian hàng và chỉ mua của một số người bán quen. Năm nay, tôi mua nhiều hơn mọi năm để tập cho lớp cháu ở nhà cũng biết gói bánh, dù không thuần thục nhưng nét đẹp ngày tết của ông bà thì lớp trẻ cũng phải am hiểu đôi chút” - bà Thanh vui vẻ nói.

Theo lời người bán, lá có nguồn gốc từ Bà Điểm (H.Hóc Môn), Phương Lâm, Gia Kiệm (tỉnh Đồng Nai)… Nếu như những ngày 20 đến 23 tháng chạp, người mua lá đa phần là mua sỉ thì từ 25 đến 27 tháng chạp, khu bán lá lại nhộn nhịp người mua lẻ, mua lá về gói bánh cho gia đình để có không khí ngày xuân. Giá cả phân từng loại: 70.000-80.000 đồng/bó; lá dài 40cm, 35.000 đồng/bó; lá nhỏ nhất 30cm có giá 20.000 đồng/bó; lá lót 15.000 đồng/bó… Trừ chi phí ăn uống, nhân công thì mỗi phiên chợ (khoảng mươi ngày) các tiểu thương múa bán lá cũng kiếm lãi được dăm ba triệu đồng vui Tết.

Vợ chồng bà Bé Hai, “chủ vựa” với hơn 40 năm theo nghề cho biết, ngày thường bà bán tôm cá ở Đồng Nai, nhưng tết lại theo xe lên TPHCM bán lá. “Có năm tiền bán lá được mùa nên đủ sắm tết, nhưng có năm chẳng lời được bao nhiêu do mùa lá xấu, chủ yếu lấy công làm lời. Vậy nhưng cận tết là nôn nao và chưa bao giờ có ý định nghỉ bán mùa tết nào. Tết mà, nhà nào cũng có cặp bánh chưng, đòn bánh tét dù chay hay mặn. Bởi đó là truyền thống!”, bà Bé Hai nói.

Chợ hoa “trên bến dưới thuyền”

Nhắc đến chợ hoa ở Sài Gòn, người ta không thể bỏ qua chợ hoa xuân “trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông (Q.8). Thời điểm này, thuyền hoa từ các tỉnh miền Tây đổ về, xếp ken kín một khúc sông.

Dưới cái nắng hanh hao ở Sài Gòn, những chậu hoa đủ sắc màu càng thêm rực rỡ, soi mình trong dòng nước trong veo chẳng khác chốn tiên bồng. Nhưng hoa càng đẹp, càng sặc sỡ bao nhiêu thì người chăm hoa càng khô cằn, đen nhẻm bấy nhiêu. Anh Đỗ Văn Hà (40 tuổi, quê Bến Tre) từ ngày còn bé tẹo đã theo cha đi bán hoa. Còn giờ anh bán hoa cùng vợ con. “Trên ghe có nhiều loại lắm, nào giấy, mồng gà, tắc kiểng... Tui tự trồng rồi bỏ cho mối, dư bao nhiêu mới “giong” ghe lên thành phố bán lẻ. Giá cả như mọi năm thôi, tầm 100.000, 200.000 đồng là có chậu bông đem về chơi Tết rồi”, anh Hà nói.

Dòng sông hoa tấp nập nhất thường diễn ra từ 23 Tết trở đi, sau khi người ta tiễn ông táo về trời cũng là lúc ghe, thuyền buôn hoa nhổ neo. Ngay sát cầu Chà Và, một ghe chở mai tết vừa bỏ neo. Cô chủ tên Hoa mới ngoài 30 tuổi vui vẻ kể, ghe nhổ neo tại Chợ Lách (Bến Tre) lúc 18 giờ hôm qua. Qua sông Cổ Chiên, vượt sông Tiền vào kênh Nước Mặn đến sông Cần Giuộc rồi mới tới Sài Gòn lúc 9 giờ sáng nay. Loay hoay mãi mới tìm được chỗ.

“Tết này tui đưa ra chợ khoảng 300 chậu mai kiểng. Tuy cây nhỏ nhưng chúng tôi đã dành 3 năm để chiết cành, ghép nhánh, chăm sóc cắt tỉa, tạo dáng cho ra hình hài rồi mới bán. Trồng kiểng vất vả ở chỗ tất cả đều làm thủ công, một nắng hai sương nhưng ai cũng yêu nghề nên giữ rồi lưu truyền qua hết thế hệ này tới thế hệ khác”, cô Hoa tâm sự.

Toát mồ hôi gánh từng chậu kiểng qua chiếc ván nhỏ xíu, đem lên bờ cho khách “xem mắt”, anh Võ Trần Châu (37 tuổi) đến từ “thủ phủ” hoa Đồng Tháp bộc bạch, gia đình có 5 anh em trai, mỗi người mỗi nghề nhưng đến Tết đều rủ nhau mua hoa, thuê ghe lên Sài Gòn bán dạo. Anh Châu nói: “Bán buôn lúc lời lúc lỗ, như giao thừa năm 2019, tụi tui còn gần trăm chậu vạn thọ chưa bán được. Thế là đành nán lại mấy ngày, bán cho hết mới về. Thấy những gia đình khác chở con cái đi ngắm pháo bông, đi chơi Tết mình cũng nhớ gia đình lắm. Nhưng nghề là nghiệp, khó bỏ lắm”.

Năm nay thời tiết thuận lợi cho hoa tết, không ít nhà vườn được mùa hoa thì lại lo chuyện mất giá. Thương lái buôn hoa cũng không ngoại lệ. Chợ hoa trên bến dưới thuyền mấy năm nay gần đây không khởi sắc lắm. Có thể vì thời tiết khiến hoa mất mùa. Cũng có thể vì tiết kiệm, người chơi hoa tết có giảm đi. Nhưng dù sao đi nữa, những người “làm cả năm sống nhờ mấy ngày Tết” cũng đọng lại một chút buồn khi năm hết Tết đến mà hoa vẫn chưa bán hết.

Ðến chợ… cho chữ

Sài Gòn nhiều chợ, nhưng chợ cho chữ ở Phố ông đồ mỗi năm họp một lần, là điểm “check-in” quen thuộc của giới trẻ khi Tết đến xuân về.

Áo the, guốc mộc, vấn tóc như những cô gái xứ kinh Bắc ngày xưa, “cô đồ” Đỗ Thị Thanh Tâm (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) cầm chiếc bút lông to bản, chấm mực tàu rồi “múa” từng con chữ trên tờ giấy lụa đỏ khiến nhiều du khách tấm tắc. Không chỉ cho chữ, Tâm còn vẽ mai đào, những chú chuột ngộ nghĩnh theo yêu cầu của khách. Sau đó, cô phủ kim tuyến khiến tác phẩm thêm lung linh.

Tâm kể, 3 năm nay cô đều ra Phố ông đồ cho chữ, chỉ một số viết theo yêu cầu mới tính phí, còn lại đa số đều biếu, tặng. Những mảnh giấy đỏ với những lời chúc may mắn, sức khỏe, an khang thịnh vượng… khách chọn tùy ý, để vào ví mong hanh thông suốt năm.

Những phiên chợ “mỗi năm một lần” ấy mở suốt đêm ngày, kéo dài khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên đán. Phiên chợ đã trở thành nét đẹp đặc trưng của TPHCM, mà nếu thiếu sẽ khiến biết bao người ngẩn ngơ, tiếc nuối.

MỚI - NÓNG