Đồ ăn, mỹ phẩm thủ công bán qua mạng: Thả nổi, hậu quả khôn lường

Thực phẩm thủ công cho ngày Tết cũng nhan nhản bán online.
Thực phẩm thủ công cho ngày Tết cũng nhan nhản bán online.
TP - Sau 1 tuần hôn mê sau khi uống trà sữa, hôm 25/1, bé gái 14 tuổi ở Khánh Hòa đã tử vong. Đó như là lời báo động cho mối nguy khó lường của những loại thức uống đang hút giới trẻ. Nhiều loại thực phẩm, thức uống, kể cả hóa mỹ phẩm đang được bán tràn lan trên mạng, ship hàng tận tay, người sử dụng cũng không thể biết nguồn gốc chất lượng ra sao. 

Bán hàng online đang là một công việc kiếm ra tiền, nhà nhà bán online, người người bán online. Hình thức bán online rất phổ biến nhưng vẫn chưa được giám sát quản lý, bán hàng theo kiểu tự phát, không thuế, không đăng ký kinh doanh, không thương hiệu... Mặt hàng online đang được nhiều người lựa chọn bán nhất hiện nay là đồ ăn, mỹ phẩm, quần áo, giày dép…

Có hai hình thức bán online, đó là người bán mua hàng của các nhãn hàng có thương hiệu để bán lại, hoặc tự làm thủ công tại nhà một số mặt hàng để bán. Lướt một vòng qua facebook, rất dễ thấy các bài đăng bán hàng với tất cả mặt hàng thịnh hành như son tự làm, mặt nạ trà xanh tự làm, bánh kẹo, khô gà, mực rim, chân gà, chà bông, chả cá, tai heo, trà sữa,… cũng đều tự làm. Các mặt hàng đều không có bất kỳ một thông tin sản phẩm nào như thành phần, phụ gia thực phẩm được rao bán một cách công khai bằng cách trực tiếp (livestream) hay gián tiếp (qua hình ảnh).

Khách hàng hướng đến của loại hình bán hàng này thường là các bạn trẻ, các gia đình trẻ vì sự tiện dụng được ship hàng đến tận tay. Lợi dụng thói quen thường xuyên sử dụng mạng xã hội của các bạn trẻ và tâm lý thích mua đồ nhanh tiện lợi, những người bán hàng đã tìm mọi cách tung ra các hình ảnh son phấn, đồ ăn thức uống bắt mắt, phát trực tiếp công đoạn chế biến để kích thích mọi người. Tuy nhiên, những cái chúng ta nhìn thấy chỉ là hình ảnh gián tiếp chứ không có bất kỳ kiểm chứng an toàn, vệ sinh thực phẩm nào.

Minh Trang, sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, cho biết: “Mình rất thích mua đồ ăn vặt qua mạng vì khỏi phải đi ra ngoài và món ăn rất đa dạng, hình ảnh up lên thì rất bắt mắt, thu hút thì mình mua thôi. Thật ra cũng không quan tâm nhiều tới kiểm chứng hay an toàn gì đâu. Nhưng một lần mình mua chân gà của một chị kia ăn xong bị đau bụng mấy ngày liền từ đó không dám mua đồ ăn qua mạng nữa, ớn tới giờ luôn. Bạn mình có nhiều đứa mua đồ vặt qua mạng, ăn bị đau bụng hay nôn mửa ngộ độc nhưng tụi nó thường ngại không nói hoặc triệu chứng nhẹ chưa nguy hiểm tính mạng nên thôi”.

Nhìn gương mặt sưng đỏ lên vì dị ứng mỹ phẩm của bạn Diệu Thu (sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi) trên facebook cá nhân, mọi người không khỏi xót xa. Thu tâm sự “thấy trên mạng cũng hay hay, quảng cáo bột nghệ trà xanh tự làm, up hình lên công đoạn làm nhìn cũng sạch sẽ nên mình mua thôi… Bây giờ thì chịu, mình lỡ dại mua hàng mà không kiểm chứng thành phần, tem mác, chất lượng nên mới ra nông nỗi này”.

Cận Tết, tình trạng buôn bán đồ ăn, mỹ phẩm thủ công qua mạng càng diễn ra rầm rộ hơn, người bán người mua tấp nập hơn cả chợ. Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong các mặt hàng ăn uống, son phấn được bán qua mạng thì vấn đề về thuế và đăng ký kinh doanh rất cần được quan tâm. Chưa thấy cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý cũng như chứng nhận về các mặt hàng thủ công tự làm được bán qua mạng, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm.

Gần đây nhất là công bố 11/1/2017 của Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành mạng xã hội facebook về vấn đề các cá nhân, doanh nghiệp đã biến mạng xã hội facebook nói chung và hình thức livestream nói riêng để buôn bán công khai. Ông chủ của facebook khẳng định, ứng dụng phát trực tiếp (livestream) làm ra là để kết nối mọi người lại với nhau chứ không phải để buôn bán hay quảng bá sản phẩm. Và sắp tới đây Facebook sẽ xem xét điều chỉnh lại hình thức này cho phù hợp với ý nghĩa mà họ muốn truyền tải. Trong một tương lai xa có thể những điều chỉnh của facebook sẽ làm hình thức bán hàng online sẽ bị hạn chế và không còn phổ biến nữa.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng nhìn nhận việc kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát thực phẩm qua mạng rất khó quản lý, và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nào. “Những cơ sở có đăng ký kinh doanh, có giấy chứng nhận, cam kết đảm bảo ATTP… với chính quyền, được địa phương kiểm tra quản lý chặt chẽ thì an tâm về sản phẩm của họ khi bán qua mạng. Còn hình thức tự phát, làm chui, sản xuất thực phẩm theo tính chất gia đình sau đó rao bán trên mạng, trao hàng tận tay thì rất khó kiểm soát, kiểm tra nguồn gốc lẫn chất lượng thực phẩm”, ông Tiến nói.

Ông Tiến khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua những nguồn thực phẩm mập mờ, thiếu an toàn. Khi chọn mua phải tìm hiểu cơ sở sản xuất có đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận ATTP, sản phẩm phải có nhãn mác, bao bì, hạn sử dụng… đầy đủ.

MỚI - NÓNG