Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 12/13 tỉnh thành miền Tây. Ảnh: CK
Ngày 26/6, báo cáo từ Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết trên địa bàn vừa phát sinh thêm dịch tả lợn châu Phi tại 21 hộ chăn nuôi thuộc 16 phường, xã của 6 quận, huyện gồm Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.
Tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 307 hộ chăn nuôi thuộc 47 xã, phường của tất cả 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố, với tổng số lợn tiêu hủy hơn 8.200 con. Thành phố đã lập 23 chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ; tiêu độc chống dịch khẩn cấp; tuyên truyền vận động người dân vệ sinh khử trùng, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học…
Tại Đồng Tháp, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 827 hộ chăn nuôi ở 69 xã của 11/12 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, với số lượng tổng đàn trên 13.100 con, tổng khối lượng lợn tiêu hủy gần 990.000kg. Hiện ngành nông nghiệp tiếp tục xuất 15.000 lít Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch.
Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thiết kế chuồng trại không đảm bảo và người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Thêm vào đó, thời tiết mưa nhiều làm cho số lượng lợn mắc bệnh tăng nhanh. Dự kiến trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục xuất hiện với mức độ bình quân 2 - 3 ổ dịch/ngày.
Khuyến cáo người dân không tái đàn
Huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc là những địa phương có số lượng lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy nhiều tại Đồng Tháp nhưng không đủ lực lượng để tổ chức tiêu hủy kịp thời. Các địa điểm tiêu hủy đang đứng trước nguy cơ quá tải, kèm theo thời tiết mưa bão, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – ông Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu các địa phương và người dân phải tập trung công tác bảo vệ, phòng bệnh cho số lượng lợn khoẻ mạnh còn lại, đặc biệt là nơi có tổng đàn lớn; cập nhật kế hoạch hành động phòng, chống dịch bệnh ở từng thời điểm; động viên, khen thưởng kịp thời đối với lực lượng làm tốt công tác phòng, chống dịch; nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại; khuyến cáo người dân không tái đàn khi chưa công bố hết dịch…
Còn tại An Giang, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 8/11 huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tiểu ban và Tổ giúp việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh do ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo ngành chức năng triển khai ngay chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định của Chính phủ; không được tự ý tái đàn, chờ qua đợt dịch và có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Long An là tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gần đây nhất ở vùng ĐBSCL, với ổ dịch phát hiện đầu tiên tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa vào ngày 15/6. Đây cũng là một trong những tỉnh tiếp nhận số lượng lợn rất lớn từ khắp các tỉnh đưa về đây để giết mổ, cung cấp sản phẩm cho thị trường TP.HCM và trong tỉnh, trung bình 3.500 - 4.000 con lợn sống mỗi ngày. Thời gian qua, nhiều phương tiện vận chuyển lợn sống đi qua và nhập vào địa bàn tỉnh cố tình trốn, vượt các chốt kiểm dịch tạm thời, rất khó kiểm soát.
Như vậy, đến nay tại vùng ĐBSCL đã có 12/13 tỉnh, thành phố (trừ Bến Tre) xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.