Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội, nói rằng, nếu Cục CSGT và Bộ Công an cho chủ trương để các Phòng CSGT địa phương lựa chọn ra các kho số đẹp để đấu giá, thì việc này hoàn toàn thực hiện được. Lãnh đạo một số Phòng CSGT tại các tỉnh, thành phố khác cũng cho rằng, đấu giá biển số là việc cần thiết và hoàn toàn khả thi. “Đây là việc làm vừa minh bạch, văn minh vừa tạo nguồn thu cho Nhà nước và xóa dư luận không tốt về việc có thể “xin - cho” trong việc cấp biển số xe trong lực lượng CSGT”, đại diện lãnh đạo Phòng CSGT - Công an tỉnh Thanh Hóa nói.
Thí điểm đấu giá, thu về hàng tỷ đồng
Cùng với việc cấp biển số theo quy định, để đáp ứng nhu cầu của người dân về việc muốn chọn biển số theo ngày tháng năm sinh, số tuổi, ngày kỷ niệm, số phong thủy..., năm 1993, Cục CSGT xây dựng đề án đấu giá biển số xe. Theo đó, trên hệ thống dữ liệu cấp biển số của CSGT sẽ phân loại biển số dạng tứ quý, số đẹp theo phong thủy hoặc năm sinh… để đấu giá. Với các dãy số theo sở thích, người dân có nhu cầu được lựa chọn và chỉ phải đóng một khoản tiền theo quy định. Nếu nhiều người cùng thích một dãy số thì biển số sẽ được đấu giá trên hệ thống điện tử, ai trả giá cao nhất, người đó được sở hữu.
Sau khi đề án được Chính phủ chấp thuận về chủ trương và giao cho các bộ, ngành liên quan ra văn bản hướng dẫn thực hiện, Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An… đã tiên phong triển khai, thu được hàng tỷ đồng từ việc đấu giá biển số ô tô đẹp. Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp “tuýt còi” nên phải dừng lại.
Đại diện Cục CSGT cho biết, từ năm 2010, Bộ Công an tiếp tục sửa đổi đề án và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, các nội dung trong đề án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương và giao các bộ liên quan nghiên cứu triển khai. Riêng Bộ Công an và Bộ Tài chính được yêu cầu xây dựng dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, đến nay đề án vẫn nằm yên vì thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện.
3 vướng mắc chính
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 30/6, đại diện Bộ Tư Pháp cho biết, việc thực hiện đề án đấu giá biển số xe đang vướng ba nội dung cơ bản. Thứ nhất, việc đấu giá biển số xe chưa được quy định trong Luật Đấu giá tài sản. Thứ hai, quyền sở hữu biển số xe sau khi người dân trúng quyền sở hữu sẽ được xử lý thế nào khi mua bán hoặc chuyển nhượng xe cho người khác. Thứ ba, kinh phí thu được từ việc đấu giá biển số xe được phân bổ ra sao.
Mới đây, đại diện liên ngành Công an - Giao thông vận tải - Tài chính cho biết, Bộ Công an và Bộ GTVT đang xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về cấp biển số xe thông qua đấu giá. Dự thảo luật nếu được Quốc hội thông qua thì việc đấu giá biển số xe dự kiến được thực hiện từ năm 2021.
Về quyền sử dụng, sở hữu biển số xe sau khi đấu giá, đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng, sau đấu giá, biển số này sẽ là sở hữu cá nhân của người trúng đấu giá. Tuy nhiên, ông Bình lưu ý, biển số sẽ chịu sự quản lý nhà nước, đấu giá xong, người dân không được mang đi bán, chuyển nhượng kiếm lời mà phải sử dụng đúng tên và đúng chiếc xe đã làm thủ tục gắn biển số.
Về việc sử dụng và phân bổ số tiền thu được từ đấu giá biển số, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề xuất, 30-50% số tiền đấu giá được sẽ để lại cho lực lượng CSGT mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện phục vụ công việc, còn lại bổ sung vào Quỹ Vì người nghèo Trung ương.
Tại buổi họp mới đây về xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rằng, đề án đấu giá biển số xe là vấn đề rất quan trọng, cần triển khai sớm. Theo ông Dũng, Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) để đông đảo người dân biết, tham gia.