Ông Nguyễn Trọng Phúc.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho biết: Đây là quyết định nhằm cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, động viên nhân dân cùng tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần vào việc giám sát cán bộ, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên làm công tác lãnh đạo, quản lý và ngăn chặn những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.
Ông đánh giá thế nào về Quyết định 99 của Ban Bí thư yêu cầu công khai nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ để nhân dân biết, giám sát?
Nhưng đây mới chỉ là bộ khung thôi, phải đưa về từng tổ chức Đảng ở địa phương, cơ sở cụ thể hóa, hướng dẫn để giúp người dân theo dõi và giám sát. Nếu có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện thì tôi tin rằng vai trò giám sát, tinh thần làm chủ của nhân dân được khơi dậy. Ông Nguyễn Trọng Phúc
Lâu nay vẫn có chủ trương động viên nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên. Nói chung, người dân rất quan tâm, nhưng mà thiếu thông tin. Họ chỉ biết một cách chung chung về cán bộ. Ngay cả cấp xã, phường gần gũi nhất cũng không nắm được bao nhiêu. Cấp huyện, cấp tỉnh, cấp T.Ư, cán bộ có năng lực, trình độ ra sao, phong cách, tư cách đạo đức thế nào... người ta cũng không nắm được. Cán bộ, đảng viên có vi phạm kỷ luật, pháp luật hay không, chỉ khi đưa lên, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng người dân mới biết, còn không thì không biết. Hay là tài sản như thế nào, công khai, minh bạch ra sao người dân cũng không thể biết được. Mà không chỉ người dân, ngay cả trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức nhiều khi cũng không quan tâm hoặc quan tâm thì cũng không có nguồn thông tin nào để biết. Thế nên, quy định mới của Ban Bí thư là bước tiến quan trọng để tăng cường dân chủ hóa trong Đảng, đồng thời cũng tăng cường dân chủ, minh bạch trong đời sống xã hội.
Nhưng đây mới chỉ là bộ khung thôi, phải đưa về từng tổ chức Đảng ở địa phương, cơ sở cụ thể hóa, hướng dẫn để giúp người dân theo dõi và giám sát. Nếu có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, các cấp, các ngành, các địa phương nghiêm chỉnh thực hiện thì tôi tin rằng vai trò giám sát, tinh thần làm chủ của nhân dân được khơi dậy. Người dân coi việc của Đảng như việc của mình, việc của Đảng cũng là việc của dân và việc của dân cũng là việc của Đảng. Khi đã nhận thức đầy đủ thì sẽ tự giác tham gia, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và cũng là bước tiến Đảng thực sự tin tưởng vào nhân dân vì vấn đề của Đảng đưa ra trước dân để dân giám sát.
Có một điểm mới trong Quyết định 99 là thêm hình thức công khai thông tin như về tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo lên phương tiện thông tin đại chúng. Theo ông, tác dụng của việc này là gì?
Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì quần chúng nhân dân có cơ sở để giám sát. Tất nhiên cũng phải nhấn mạnh, người dân có quyền được thông tin nhưng phải đúng luật. Cần cung cấp những thông tin cần thiết để quần chúng nhân dân hiểu được, vừa có tính minh bạch cũng vừa có tính định hướng nhận thức của quần chúng. Bởi nhận thức rất khác nhau. Cùng một sự kiện, một thông tin về cán bộ nhưng có nhiều nhận thức khác nhau. Phê phán góc độ này, góc độ khác. Nên thông tin phải có định hướng tốt. Rất cần cẩn trọng, cái gì cần thông tin thì thông tin, cái gì chưa cần và không có lợi thì không thông tin. Trong quyết định của Ban Bí thư cũng lưu ý những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật. Không phải cái gì cũng đưa lên hết cả. Bây giờ xã hội rất nhiều luồng thông tin khác nhau, phải định hướng để thông tin cho tốt chứ đưa loạn xạ trên mạng nhiều khi cũng làm cho chính cán bộ, đảng viên và nhân dân bị nhiễu loạn, hoang mang. Phải định hướng đúng, thông tin chính thống.
Nhưng dư luận lo ngại rằng, tài sản của đối tượng phải kê khai, quan chức có thể nhờ đứng tên người quen, họ hàng. Theo ông, Quyết định đã giải được bài toán này chưa?
Chưa giải quyết ngay được, bởi vì tài sản cá nhân là sở hữu được Hiến pháp bảo hộ, không ai được xâm phạm vào tài sản riêng. Nhưng mà thế nào là tài sản riêng hợp pháp, chính đáng thì phải làm rõ. Cái nào thuộc về khuất tất, do làm ăn phi pháp mà có cũng phải phân tích làm rõ. Đây là vấn đề rất khó. Còn như anh hỏi, tài sản không đứng tên họ mà đứng tên vợ con, họ hàng thì cũng hết sức khó khăn, phức tạp. Điều đó đòi hỏi những cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt cơ quan quản lý cán bộ phải vào cuộc thực sự cùng với cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra của Chính phủ, mỗi lần kê khai phải đánh giá cụ thể trong tài sản có bao nhiêu phần trăm chính đáng, không chính đáng. Phân định rõ ra. Chưa làm rõ mà đã đưa thông tin lên, sau này họ chứng minh là tài sản chính đáng thì sao? Nhất là thông tin về những tài sản không hợp pháp thì phải thẩm định cẩn thận, rõ ràng để khi thông tin lên có tác dụng.
Theo ông phân tích thì dù khó, việc công khai tài sản cán bộ lên phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần vào việc hạn chế được tài sản bất minh của cán bộ?
Đúng vậy, nó góp phần vào việc răn đe, có ý nghĩa cảnh báo và thực chất, nếu quyết tâm thì sẽ làm được. Nếu có nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra công tâm, trung thực thì không đến nỗi quá khó. Nhưng có khi còn bị quan hệ khác chi phối, thành ra có khi kiểm tra, thanh tra một vài cán bộ thôi mà cứ hoãn đi hoãn lại mãi việc công bố kết quả. Vừa rồi có những vụ việc như vậy. Tất nhiên cũng có thể là do thận trọng, chắc chắn mới công bố nhưng nhiều khi cũng bị chi phối bởi những quan hệ khác. Cho nên đòi hỏi phải có sự công tâm, trung thực từ phía cơ quan thực thi công vụ và cả về phía cán bộ. Phải thực sự trung thực thì mới có hiệu quả, nếu không sẽ tìm mọi cách để che giấu. Đây là vấn đề rất lớn, không dễ dàng, nhưng tôi tin cứ làm dần dần sẽ đi vào nề nếp, quy củ, không đến nỗi quá khó khăn. Các nước làm được thì tại sao chúng ta lại không làm được?
Ban Bí thư vừa ban hành Quyết định 99 hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Theo đó, hướng dẫn khung nêu rõ những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết, góp ý, giám sát và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng gồm:
- Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI, khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hóa, cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
- Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).
- Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.
- Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Hình thức công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
Văn Kiên