Trong khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có quyết định vào cuộc thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Zing.vn phát hiện thêm hàng loạt cây cầu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi bị nứt, thấm dột.
Ở Quảng Ngãi, 3 cầu bị thấm dột và nứt gồm: Cầu VD09B tại Km 107+829 CT.01 qua thôn Phúc Lễ 1, 2 cầu chui dân sinh qua thôn Phú Lễ 2 thuộc gói thầu A3. Tại Quảng Nam, có 4 cây cầu bị thấm dột gồm: OP11A tại Km 47+136 CT.01, OP10 ở Km 41+235CT.01, OP11 tại Km 42+723 CT.01 và cầu Tam Kỳ LPB12 tại Km 68+418 CT.01.
Ngoài 7 cây cầu nêu trên, hiện còn một số cây cầu khác trên tuyến cao tốc có biểu hiện tương tự.
'Không để chìm xuồng'
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) cho rằng dự án 34.500 tỷ này có rất nhiều vấn đề cần phải được làm rõ: Chất lượng công trình kém, bớt xén vật liệu, bán thầu,... Những vấn đề trên ít nhiều có trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng ngày 18/10 Bộ GTVT có quyết định giao cho cơ quan Thanh tra của Bộ này thanh tra đột xuất dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng Bộ là cơ quan chủ quản của nhà đầu tư (VEC). Do đó, cần có cơ quan độc lập để kết quả được khách quan.
"Chính phủ cần lập đoàn thanh tra để giám định chất lượng công trình cũng như việc quản lý dự án. 34.500 tỷ đồng là số tiền rất lớn. Chất lượng kém chứng tỏ có vấn đề, phải làm cho rõ", PGS.TS Phạm Xuân Mai kiến nghị.
Nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông cũng thẳng thắn đề nghị Bộ GTVT cần xem xét lại trách nhiệm của Tổng giám đốc VEC vì những tai tiếng làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước.
"Có thể mời chuyên gia các trường GTVT tham gia vào đoàn thanh tra, cùng thăm dò, khảo sát tuyến cao tốc, xem làm có đúng kỹ thuật. Nếu không kiên quyết làm tới cùng sẽ mất lòng tin của người dân", PGS.TS Phạm Xuân Mai nêu quan điểm.
Chuyên gia cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu - đường - cảng TP.HCM, cũng cho rằng việc thấm nước qua mặt cầu cũng như những tình trạng hư hỏng trên cao tốc thời gian qua chứng tỏ dự án không bình thường, cần giám định, làm rõ chất lượng công trình. Trước tiên chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát kiểm tra hiện trường và sửa chữa kịp thời sự cố này để đảm bảo an toàn công trình.
Cần sớm làm rõ những khuất tất tại dự án 34.500 tỷ
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái (Phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Đại học GTVT) đánh giá cao việc Bộ GTVT cử đoàn thanh tra vào cuộc. Ông cho rằng xét về hoạt động thanh tra bao gồm: Thanh tra ngăn chặn và thanh tra xử lý. Việc Bộ GTVT phản ứng trước sai phạm xảy ra bằng cách cử ngay đoàn thanh tra là đáng hoan nghênh.
Vị PGS.TS cho rằng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Bộ GTVT quản lý thì Bộ này cử đoàn thanh tra sau khi phát hiện vấn đề là đúng thẩm quyền. Với hoài nghi thiếu khách quan khi cho rằng Bộ GTVT "vừa đá bóng vừa thổi còi", Phó trưởng khoa Vận tải - Kinh tế nhận định vấn đề này không phải ở chức năng của cơ quan thanh tra hay Bộ GTVT mà do những tình huống và cá nhân cụ thể.
"Dự án đường bộ gặp vấn đề thì trách nhiệm thuộc về bộ chuyên ngành. Khi xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý thì thanh tra, khắc phục hậu quả là việc làm đương nhiên, thuộc chức năng quản lý. Quan trọng là sau thanh tra sẽ xử lý thế nào", ông Thái chia sẻ.
Chuyên gia thuộc Khoa Vận tải Kinh tế - Đại học GTVT đồng ý rằng việc làm đầu tiên là cần khắc phục hậu quả, sau đó tìm ra nguyên nhân, động cơ. Từ những điều này mới có bước xử lý tiếp theo.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài 140 km. Ảnh: Quảng Đà.
Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP Đà Nẵng Trần Dân cũng hoan nghênh Bộ GTVT đã vào cuộc thanh tra đột xuất dự án này. "Tuy nhiên, nội dung thanh tra chưa toàn diện. Bộ GTVT mới dừng lại ở thanh tra việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án 34.500 tỷ", kỹ sư Dân cho biết cần "đại phẫu" kiểm định lại chất lượng dự án 34.500 tỷ.
"Những 'ổ gà' trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chỉ là phần nổi. Để cho khách quan, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan thanh tra, giám định độc lập, kiểm định lại chất lượng công trình để tìm ra những khuất tất đang còn nằm sâu dưới lòng đất", ông Dân kiến nghị.
Sai phạm từng được phát hiện
Vào năm 2016, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã có đợt kiểm tra dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau khi kiểm tra, Hội đồng Nhà nước đã chỉ ra nhiều vị trí hư hỏng trên đường cao tốc.
Tháng 7/2016, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC ký văn bản, chỉ đạo Ban quản lý dự án yêu cầu đơn vị thi công khắc phục những vị trí hư hỏng trên cao tốc này.
Tháng 7/2017, một kỹ sư cầu đường tham gia thi công dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã có thư tố giác gửi Bộ GTVT. Trong đơn, người này tố cáo Ban quản lý dự án thiếu trách nhiệm, để nhà thầu vi phạm các quy định về quản lý chất lượng công trình ở các gói thầu A1, A2, A3 và gói thầu số 4, số 5.
Qua xác minh, Thanh tra Bộ GTVT kết luận các chỉ tiêu cơ lý của mẫu đá Hương Mao không theo mẫu chung của dự án. Những dấu hiệu bất thường đã được cơ quan thanh tra báo cáo lên Bộ GTVT.
Việc khắc phục và xử lý đến đâu vẫn chưa rõ, nhưng từ đầu tháng 10/2018 đến nay, Zing.vn liên tục phát hiện những điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) kiến nghị các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là đại biểu của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, phải có trách nhiệm chất vấn vấn đề này với Bộ trưởng Bộ GTVT tại kỳ họp lần này.