Những ngôi làng chài nổi trên vịnh Hạ Long được mệnh danh đẹp nhất thế giới.
Loay hoay tìm lối trở về
Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo về cấu tạo địa chất, địa mạo mà còn in đậm dấu ấn về văn hóa thủy cư của các làng chài nổi trên vịnh. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những cư dân vùng vịnh đã tạo nên những nét đẹp văn hóa riêng, ít nơi có được. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã bình chọn những làng chài cổ nơi đây được xếp vào “top” những làng chài đẹp nhất thế giới.
Du khách khi đến với vịnh Hạ Long, không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp có một không hai của hàng nghìn núi đá trùng điệp mà họ còn háo hức được tận mắt chứng kiến những ngôi làng nổi độc đáo của cư dân vạn chài. Được ngắm nhìn khung cảnh, cuộc sống bình dị và những nét văn hóa đặc sắc sẽ tạo nên những ấn tượng khó phai về một di sản thiên nhiên – văn hóa trong lòng du khách.
Nhưng hiện nay, lượng du khách đến tham quan các làng chài ngày càng ít, chỉ còn khoảng 40% so với những năm trước. Nguyên nhân sâu xa vì những làng chài hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu của du khách. Những ngôi nhà vô hồn vì không có người ở. Du khách chỉ được ngắm những “di vật” còn sót lại của ngư dân và tiếp cận nét văn hóa của họ qua lời kể của hướng dẫn viên.
“Đi thăm làng chài được giới thiệu là đẹp nhất thế giới nhưng chẳng thấy bóng ngư dân. Nhiều ngôi nhà đã mục nát, xập xệ nửa chìm nửa nổi không người chăm sóc. Hướng dẫn viên chỉ giới thiệu sơ qua về lịch sử, phần còn lại chúng tôi phải tự tưởng tượng. Thật sự, chúng tôi vô cùng thất vọng với cách làm du lịch như này!” – Chị Huyền Chi, một du khách đến từ Thanh Hóa nói.
Ngay từ khi di dân lên bờ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đã tính đến chuyện sẽ bảo tồn những ngôi nhà nổi trên vịnh để tiếp tục làm sản phẩm du lịch. Sau nhiều lần tổ chức hội chợ việc làm và kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay giải quyết việc làm cho ngư dân trên đất liền nhưng không thành, phương án đưa ngư dân trở lại làng chài đã được tính đến, đề xuất.
Đầu tiên là mô hình thí điểm phát triển nuôi trồng bền vững kết hợp du lịch trên vịnh Hạ Long. Ngày 24/8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên vịnh Hạ Long”, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện. Tiếp đó ngày 6/10/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh có thông báo chấp thuận địa điểm thực hiện mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường, gắn với du lịch có trách nhiệm.
Theo nội dung của Đề án “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên vịnh Hạ Long” giai đoạn 2014-2020, có bốn trong bảy làng chài đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch là làng chài Ba Hang, Hoa Cương, Cửa Vạn, Vung Viêng và khu tái định cư Cái Xà Cong được đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch, gắn với đặc trưng văn hóa của từng làng chài.
Đến thời điểm hiện tại, các làng chài trên vịnh vẫn nằm im lìm không một bóng ngư dân. Các trưởng thôn, khu trưởng của các làng chài cũ đã thành lập HTX du lịch và kêu gọi ngư dân quay về làm nghề chèo thuyền đưa du khách đi tham quan làng chài, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn được hơn trăm người có việc làm và phải tuân thủ quy định sáng đi, tối về vì lượng khách rất hạn chế. Còn mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường gắn liền với du lịch cũng chỉ mới được vài hộ nuôi nhỏ lẻ ở khu vực Vung Viêng.
Rời bỏ làng tái định cư, nhiều gia đình đang tìm về với biển.
Nguy cơ vỡ trận
Trước nhu cầu cần việc làm của cư dân làng chài đang lên đến đỉnh điểm, thì các dự án, chính sách hỗ trợ của chính quyền chưa thực sự phù hợp. Tình trạng ngư dân lén lút bán nhà tái định cư đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt ở làng chài Hà Phong. Nhiều ngư dân rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng. Không có nhà để về, họ đã phải tìm đường quay lại với biển.
Chuyện những gia đình lén lút nửa đêm lũ lượt kéo nhau xuống thuyền xuôi ra vịnh để trốn nợ không phải là chuyện hiếm. Không việc làm, không trợ cấp, xa lạ hoàn toàn với cuộc sống mới, bị kẻ xấu lợi dụng đã khiến họ trắng tay. Những ngư dân phải chọn con đường lại quay về lênh đênh trên những con thuyền cũ.
“Để gây dựng lại được ‘hồn cốt’ của di sản vịnh Hạ Long trước hết cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền. Dân thì đang đói mà chỉ đưa đề án với dự án ra trình bày thì ai nghe nổi. Không có ngư dân vạn chài sinh sống trên vịnh thì giá trị văn hóa của di sản vịnh Hạ Long đã mất đi một nửa” – Cụ Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Quảng Ninh nói.
Sau hai kỳ phóng sự “Hạ Long tương phản” của Tiền Phong, nhiều bạn đọc cũng có ý kiến nên phục dựng lại nếp sống sinh hoạt của các làng chài để gắn liền với phát triển du lịch bền vững. Cần có quy hoạch cụ thể và từng bước đưa ngư dân có nhu cầu về lại các làng chài. Ngư dân trên vịnh không chỉ là nét văn hóa mà còn là “hồn cốt” không thể tách rời của di sản này.
“Nếu như ngay từ đầu vì sự an toàn của ngư dân và vệ sinh môi trường của vịnh thì chính quyền nên hỗ trợ, đầu tư các vật liệu tối ưu để các ngư dân sử dụng thay cho các loại phao xốp mất vệ sinh. Xây dựng hệ thống lớp học, trạm y tế và các công trình xã hội phù hợp với cảnh quan của di sản và văn hóa của làng chài để duy trì và phát triển các làng chài nổi độc đáo trên vịnh hơn là làm một cuộc ‘cách mạng đại di dời’ để rồi ngư dân rơi vào cảnh thất nghiệp đói nghèo” – Bạn đọc Vũ Thành Trung đóng góp ý kiến.
Cũng xoay quanh vấn đề này, nhiều người cũng cho rằng do trình độ dân trí của ngư dân hạn chế, họ chỉ quen với cuộc sống giản đơn nên khi lên bờ sẽ bị “sốc” như cá mắc cạn, nếu không được sự quan tâm của chính quyền và sự đồng cảm của cộng đồng. Hơn nữa, trong khi thực hiện đề án của chính quyền sở tại đã bộc lộ sự thiếu trách nhiệm, tắc trách giống như “bắt con bỏ chợ”. Di dời xong thân ai nấy lo.
“Mỗi lần nghe điện thoại đổ chuông tôi lại bồn chồn không muốn nghe. Tôi phát sợ vì những lời cầu cứu từ dân chài cũ của tôi. Hôm thì gọi nhờ xin việc, hôm thì gọi vay ít tiền, lắm lúc phát cáu lên nhưng nghĩ lại thì thương lắm chú à! Lên bờ không có việc, tôi cưu mang hết sức cũng chỉ được vài chục người ra đây chèo đò cho khách. Mấy ngôi nhà cũ không ai ở thì xuống cấp xiêu vẹo, xin thì không cho mà BQL vịnh còn đòi bán 4 trăm triệu” – Ông Vũ Văn Hùng, phó chủ nhiệm HTX làng chài du lịch Hạ Long tâm sự.
Nhiều lần các HTX làng chài du lịch đề xuất thành phố và tỉnh giao lại các ngôi nhà cũ của ngư dân trước kia để tiện trùng tu, bảo dưỡng phục vụ cho du lịch. Nhưng phía BQL vịnh lại không đồng ý “cho không” mà phải bán. Các HTX du lịch này cũng xuất phát từ gia đình một số làng chài cũ có nguyện vọng làm du lịch. Không có nhiều vốn và lượng khách đến tham quan làng chài ngày càng ít nên họ chỉ biết nhìn những ngôi nhà cũ dần xuống cấp trong vô vọng.
Đề án “Bảo tồn và phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng chài trên vịnh Hạ Long” bước đầu đã bộc lộ bất cập từ phía chính quyền. Lộ trình thực hiện của dự án quá dài sẽ không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của hàng nghìn ngư dân đang thất nghiệp. Với lộ trình này sẽ có nguy cơ bùng phát những làng chài nuôi trồng, đánh bắt nguồn lợi thủy sản theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như trước đây. Nếu thế, rất khó để nắm được cơ hội phục sinh “hồn cốt” di sản vịnh Hạ Long.
(Còn nữa)
“Thực sự mọi thứ đang rơi vào bế tắc, mấy ai trông chờ vào những “dự án giấy” kiểu như thế này. Ngư dân đang tìm đường về với biển. Cuộc sống của họ đang quay lại những năm 70 của thế kỷ trước. Rất đau lòng nhưng đành bất lực”.
Ông Vũ Văn Hùng, nguyên trưởng khu làng chài Vung Viêng