Đồng Tháp:

Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ​

TPO - Đến nay tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gồm Hậu Giang (xuất hiện đầu tiên), An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Sáng 25/5, ông Nguyễn Ngọc Hè – Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ cho biết trên địa bàn đã xuất hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại quận Cái Răng và quận Bình Thủy, với tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy hơn 100 con. Như vậy, Cần Thơ là địa phương thứ 6 tại miền Tây xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.  

Trước đó, ngày 24/5, tỉnh Đồng Tháp phát hiện dịch bệnh tại 4 hộ chăn nuôi thuộc ấp Chiến Thắng (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) với tổng đàn lợn mắc bệnh 187 con, chết và tiêu hủy 49 con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vùng VII, cho kết quả dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập 14 trạm và chốt kiểm dịch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì cuộc họp khẩn với các ngành và địa phương, đồng thời có công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm, yêu cầu cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh cùng vào cuộc để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh này.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ​ ảnh 1 Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 tỉnh, thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Trong ảnh: Xử lý lợn bị dịch bệnh tại Kiên Giang.

Trong công điện khẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; dự trù kinh phí thực hiện hiện công tác phòng chống dịch và hỗ trợ kinh phí cho người nuôi khôi phục sản xuất do dịch bệnh gây ra theo đúng quy định.

Chủ động kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Phân công cán bộ trực 24/24 tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông. Chủ động phối hợp với các tỉnh thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xảy ra.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với ngành thú y lập các chốt kiểm soát trực 24/24; tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm bằng đường bộ, đường thủy; kịp thời phát hiện, xử lý theo đúng quy định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng, các trạm kiểm soát tăng cường kiểm tra các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua lại biên giới; tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới hiểu và nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ​ ảnh 2 Tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo để phòng ngừa và khống chế dịch hiệu quả nhất; trường hợp nếu xảy ra dịch bệnh phải kiểm soát chặt chẽ không để lây lan. Chỉ đạo lực lượng tại địa phương, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành thống kê, rà soát, xây dựng kế hoạch và dự trù kinh phí hỗ trợ (với giá 38.000 đồng/kg) cho các hộ nuôi có lợn bị nhiễm bệnh và thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định từ nguồn ngân sách cấp huyện (cần thiết báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo); đảm bảo trong thời gian từ 10-15 ngày sau khi tiêu hủy thì người dân phải nhận được tiền hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.