Sáng 2/1, tâm bão Pabuk cách đất liền các tỉnh Nam Bộ khoảng 460 km, cách Côn Đảo khoảng 360 km về phía Đông Nam. Sức gió tối đa khoảng 75km/h (cấp 8), giật tăng hai cấp.
Ngày và đêm nay, Pabuk đi theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Sáng mai, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 200 km về phía Nam, cách Côn Đảo khoảng 270 km về phía Nam Tây Nam.
Vẫn giữ nguyên tốc độ và hướng di chuyển, Pabuk được dự báo có khả năng mạnh thêm. Đến 7h ngày 4/1, tâm bão cách mũi Cà Mau khoảng 320 km về phía Tây, cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 220 km phía Tây Tây Nam. Sức gió tối đa khoảng 90 km/h, (cấp 9), giật cấp 11 và có thể mạnh thêm.
Hướng đi của cơn bão tương tự với dự báo của các đài Mỹ, TSR (Đại học London) trước đó - tức chệch xuống phía Nam, sượt qua mũi Cà Mau chứ không vào đất liền các tỉnh Nam Bộ.
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 sáng nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đây là cơn bão nguy hiểm, trái vụ, nguy cơ ảnh hưởng lớn, đối tượng tổn thương rất rộng.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, khoảng 400.000 lao động từ Khánh Hòa đến Kiên Giang và đặc biệt gần 3.000 tàu trong phạm vi nguy hiểm của bão.
Hiện có 5 tỉnh cấm biển, thông báo 4 tỉnh còn lại căn cứ vào tình hình thực tế để cấm biển. Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu rà soát lại 12 tàu của Bà Rịa - Vũng Tàu (8 tàu đi lên phía Bắc, 2 tàu chìm, 2 tàu không liên lạc được).
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tương thủy văn quốc gia cho hay, bão không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam nhưng hoàn lưu bão rộng, gây gió mạnh khu vực ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau cấp 6-7; khu vực biển Tây từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió mạnh cấp5.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Pabuk, hôm nay và hai ngày tới khu vực đất liền các tỉnh Nam Bộ có mưa lớn trên diện rộng. Nguy cơ xảy ra giông, lốc xoáy, gió giật mạnh.
Lượng mưa ở miền Đông Nam Bộ 40-80 mm, Tây Nam Bộ 70-150 mm mỗi đợt; riêng các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang mưa rất lớn (150-200 mm mỗi đợt).
Theo Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, không khí lạnh phía Bắc có cường độ mạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến khí hậu các tỉnh Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng se lạnh, nhiệt độ giảm còn 22-25 độ C. Thời tiết này duy trì đến ngày mai.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa lớn, lượng phổ biến 50-100 mm trong 24 giờ. Riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có nơi trên 150 mm.
Trong hôm nay và ngày mai, vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông có gió tối đa cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (gồm cả huyện đảo Phú Quý), các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm huyện Côn Đảo) có gió giật cấp 9.
Không khí lạnh khiến khu vực Bắc và giữa Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) tiếp tục có gió Đông Bắc tối đa cấp 7, giật tăng hai cấp; biển động mạnh.
Hiện, tỉnh Cà Mau có 105 tàu trong vùng nguy hiểm. Trong đó 25 tàu ở Hòn Khoai là khu vực gần bờ nên có thể di chuyển về đất liền. 80 tàu ở Hòn Chuối, cách xa bờ, địa phương đang yêu cầu ngư dân lên đảo tránh trú. Ngoài ra, có 10 tàu với 93 lao động của Bình Định, Vũng Tàu trú tại Malaysia. Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 tàu bị chìm, nhưng chưa có thông tin thiệt hại về người.
5 tỉnh đã cấm biển gồm: Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu (cấm biển Côn Đảo), Bến Tre, Kiên Giang. Ban chỉ đạo trung ương đề nghị 5 tỉnh thành gồm TP HCM, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng căn cứ tình hình tổ chức cấm biển.
Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai đề nghị Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh thành bị ảnh hưởng của bão tập trung một số nhiệm vụ:
Các tỉnh, thành gồm TP.HCM, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu căn cứ diễn biến của bão chủ động cấm biển để đảm bảo an toàn.
Tổng rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, đặc biệt là 10 tàu của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu tại nơi trú tránh an toàn. Chủ động các biện pháp ứng phó, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh ven biển Trung và Nam Bộ kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có thể còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới, đặc biệt là với các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chú trọng công tác vận hành đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du hồ chứa, nhất là các hồ xung yếu, các hồ đã đầy nước.