“Hai người lính" hội ngộ lịch sử sau 45 năm

Kỳ cuối: Cho cuộc hòa giải một cơ hội

Những cái bắt tay hôm 6/3/2018: Cựu binh Nguyễn Thế Dũng ở giữa các cựu binh Mỹ. Thứ hai từ phải qua, không đeo kính là Dan Sea. Ảnh: DPV.
Những cái bắt tay hôm 6/3/2018: Cựu binh Nguyễn Thế Dũng ở giữa các cựu binh Mỹ. Thứ hai từ phải qua, không đeo kính là Dan Sea. Ảnh: DPV.
TP - Nói chuyện hòa giải, một nhà văn bảo với tôi: “Làm gì có. Hòa giải làm sao được. Phía trước có rừng mơ”. Chứng kiến một cuộc như tọa đàm “Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”, sẽ có cảm giác hóa giải hận thù Việt-Mỹ đơn giản hơn hòa giải dân tộc nhiều.

“TÔI XIN LỖI”

Phía trước có rừng mơ là cách nói mượn tích Tào Tháo lừa người cả tin. Làm gì có rừng mơ mà nghe
hứa hão.

Đến tọa đàm Việt-Mỹ hôm 6/3/2018 ở Hà Nội chủ đề Bài học từ quá khứ và kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn, phía Mỹ gồm 37 người. Ngoài các cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam thì có người không từng chiến đấu nhưng làm những việc phản chiến. Người Việt ngoài cựu binh còn có những nhân vật lạ như ông Nguyễn Hữu Cầu, thông dịch cho quân đội Mỹ ở Việt Nam trong chiến tranh.

Họ, người thì nói về công việc của mình - thúc đẩy chính phủ Mỹ giúp làm sạch độc chất ở sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng, và đánh dấu những điểm nóng bị chất độc da cam. Người khác chia sẻ, càng đồng cảm với nạn nhân da cam Việt Nam khi  con ông cũng bị di chứng khiến chết trên tay ông. Một người mặt rất hóm, vợ là người Việt nên bập bẹ được chút tiếng Việt, dí dỏm kết thúc phần phát biểu của mình: “Tôi yêu Việt Nam. Việt Nam vô địch!” (Nhại fan bóng đá U23) khiến mọi người cười ồ.

 Ted Engelmann là nhà văn, nhà nhiếp ảnh. Ông giơ các-vi-dit lên khoe: mặt sau của nó in ảnh sông Hương. Ted đến Việt Nam chuyến này để kỷ niệm 50 năm đặt chân đến mảnh đất này. Năm chục năm trước ông ở không quân, đóng tại Biên Hòa. Năm 1999 ông từng đến Hà Nội để... lên lớp dạy về lịch sử chiến tranh Việt Nam.

Kỳ cuối: Cho cuộc hòa giải một cơ hội ảnh 1 Thời khắc của họ. Nhà báo Thành ở giữa “hai chú em” sau 45 năm ly biệt (Ông Nghĩa bên phải, ông Tạo-trái). Ảnh: DPV.

Hôm đó, 6/3 là thời điểm chuẩn bị sự kiện 50 năm thảm sát Mỹ Lai. Ông Phạm Văn Chương, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam mở đầu phần phát biểu bằng vài dữ liệu về vụ thảm sát, khẳng định số nạn nhân còn lớn hơn nếu không có sự can thiệp của phi công Hugh Thomson và hai tay súng Lawrence Colburn, Glenn Andreotta. Rằng dù họ lần lượt qua đời nhưng nhiều người Việt không quên lương tri và sự dũng cảm của họ. Ông Chương nhắc những cái tên Mỹ khác như binh sĩ Ronald Ridenhour, nhà báo Seymour Hersh...- những người có công vạch trần vụ Mỹ Lai. “Hồi đó chúng tôi cũng tố cáo ra thế giới nhưng người ta không tin và tưởng chúng tôi tuyên truyền mà thôi”- ông Chương cho biết.

Một ví dụ về hòa giải tinh tế là như thế - nói gì vào lúc nào. Và người ta không hát Tiếng đàn Ta lư trong ngày hòa hợp dù bài hát rất hay còn Huy Thục xứng đáng Giải thưởng Hồ Chí Minh, không chỉ Giải thưởng Nhà nước.

Denis Geogre Van Hoof  tham chiến ở Đà Nẵng năm 1967-1968 là người đầu tiên xin lỗi hôm ấy: “Tôi xin lỗi về tất cả những điều thảm khốc xảy ra với Việt Nam. Tôi và nhiều đồng đội không có mặt ở đây hôm nay vô cùng hối tiếc về những điều đó”.

Phải đến ba người đàn ông có ngoại hình gợi liên tưởng minh tinh Bruce Willis về già. Dan Sea là một.  Ông giải thích lý do vào quân đội: Hay xem phim Hollywood nên có viễn tưởng rất lãng mạn về chiến tranh. “Về sau tôi mới hiểu chiến tranh không giống phim ảnh. Không may là nhiều người Mỹ vẫn chưa học được bài học đó”. Dan phúc hậu cũng xin lỗi giọng rưng rưng. Không chỉ hai cựu binh nói “xin lỗi Việt Nam” hôm ấy.  

Không thể trở lại quá khứ mà chỉ nên hướng tới tương lai - những người Việt và Mỹ trong cuộc gặp đó đồng lòng như vậy. Cuối buổi, họ đã chụp những bức ảnh kỷ niệm đặc biệt, ví dụ cựu binh Nguyễn Thế Dũng không thể bắt tay tất cả nên đã chọn bắt tay và chụp ảnh trước hết với những người Mỹ từng ở chiến trường Quảng Trị như ông.

KHÔNG BỎ LỠ VÀ THÊM CƠ HỘI

Trên mảnh đất Quảng Trị, riêng xã Triệu Trạch mà chúng tôi đến và riêng năm 1972 từng hứng chịu 132 phi vụ B52, hàng nghìn lượt máy bay bổ nhào và tọa độ, hàng vạn quả pháo mặt đất và pháo hạm, có ngày như 18/11/1972 chịu tới 18 đợt B52 rải thảm. Tan hoang đến nỗi những ngày đầu giải phóng Quảng Trị 1972 “kiếm một đoạn tre làm đũa cũng khó, chẳng còn gì” - người Quảng Trị kể như vậy.

Thế nhưng, Quảng Trị hôm nay có tham vọng đề xuất Chính phủ chọn 27/1 làm ngày “Vì hòa bình” còn Quảng Trị là “Thành phố Hòa bình”- biểu tượng hòa bình, và điểm đến của du lịch hòa bình. Là nơi gặp gỡ không chỉ của quốc gia mà quốc tế, hướng về hòa hợp hòa giải và đoàn kết quốc tế.

Một trong những người ủng hộ mạnh “ý tưởng tuyệt vời” này là Chuk Searcy cựu binh Mỹ nổi tiếng, hơn 20 năm nay sống ở Việt Nam để giúp khắc phục hậu quả chiến tranh. Đồng chủ tọa cuộc trên kia. Vậy mới nói, từ đau thương mất mát hận thù hóa ra lại có thể khêu lên niềm hy vọng kiến tạo hòa bình và cả phát triển kinh tế. Thực tế, ngày càng nhiều tour “du lịch vì hòa bình” được tổ chức ở những chiến trường xưa.

Năm ngoái, bắt đầu có manh mối nhân vật còn lại trong ảnh, tôi đã viết: “Tôi không nghĩ ông Nghĩa, nếu đúng là chàng đẹp trai ngày nào, lại lăn tăn quá nhiều về những buồn đau quá khứ. Tôi hy vọng sớm gặp ông, tận mắt thấy và tin câu chuyện Hai người lính kết thúc có hậu”. Có niềm tin là bởi, ngoài bối cảnh đất nước thống nhất quá lâu rồi, tôi nhìn gương mặt người lính Sài Gòn có nét “thoáng”, nam tính mạnh. Còn Nguyễn Huy Tạo tự nhận “đa nghi” song ông có độ trung thực, nên mới quyết theo vụ Hai người lính đến cùng. Tìm được các nhân vật thật đấy nhưng cảm thấy “có vấn đề” thì chắc chỉ đưa tin xong rồi em chào các bác em ngược.

Nửa đùa nửa thật tôi có lần hỏi ông Tạo, “bộ đội trong thành” như ông kiêu là phải - thành phần cơ bản, giới tinh hoa.Ông nói nếu tìm hiểu sẽ thấy không chỉ Bộ Tham mưu Tổng cục Hậu cần biết rõ ông. Quả là ông có ánh mắt sắc, và mũi “như Tây”. Còn ông Nghĩa người hồi trẻ nom cũng “như Tây”, nói: “Cô yên tâm đi, tôi đúng là người trong ảnh. Bên tôi ai còn sống đều biết tôi vì hồi đó tôi cũng nổi tiếng, hay đi đá banh khắp các tiểu đoàn”. Cho nên tôi nói với Chu Chí Thành, ông thắng to còn gì, một bức ảnh vớ được đại diện ra trò của hai bên, lại còn một ông quê Hà Nội một ông Sài Gòn.  Hòa giải là xu thế là khát vọng nhưng hòa giải giữa những người tốt và có dáng dấp “đại biểu” sẽ càng ý nghĩa hơn?

Tháng Tư này, có bốn người Triệu Trạch ra Hà Nội dự một cuộc ra mắt sách nên tôi gặp được họ, hóa ra đều là người trong cuộc của giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.

Một là cựu trung đội trưởng du kích Nguyễn Duy Chiến, chuyên đi cắm cờ để phân định giới tuyến khi Hiệp định Paris ký kết. Du kích Chiến nhớ rõ nhiều gương mặt đối phương, ví dụ đại úy Loan Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến (tiểu đoàn của Bùi Trọng Nghĩa) chính là người bỏ về đầu tiên khi văn công ta cất tiếng hát Tiếng đàn Ta lư. (Hôm trước xã đội trưởng Kỳ cũng nhớ như vậy).

Ông Chiến - người nổi tiếng một mình bắt sống cả trung đội, có hai anh trai, chị gái và chị dâu là liệt sĩ. Vợ chồng anh trai ông cùng với người anh con ông cậu và anh con bà cô bị khui hầm, bị giết cùng lúc. Người bắn họ là Ủy viên quân sự xã, tay này còn chỉ huy lính bắn chết ông Phan Pháp - bố của Phan Thị Chính, o du kích bắt tay ông Nghĩa trong ảnh Tay bắt mặt mừng - nhân vật kể ở kỳ 3.

Người Triệu Trạch thứ hai tôi gặp là bà Nguyễn Thị Sy, biết rõ cha con o du kích Chính bởi bà là bộ đội địa phương, từng sát cánh cùng họ. Bà Sy bị bắt 5 lần, tra tấn dã man.

Khỏi phải nói, họ căm thù thế nào! “Vậy khi nào ông và bà cảm thấy lòng dịu bớt” - tôi hỏi khi nghe họ kể có xem cuộc giao lưu của “Hai người lính” và đánh giá tốt về nó cũng như chương trình Khúc ca hòa bình nói chung.

Ông Chiến kể: “Năm 1975 khi Minh - kẻ tự tay bắn chết các anh chị tôi về xã trình diện, người đầu tiên y gặp là tôi. Chị Chính bàn với tôi, bây giờ chúng ta phải gác thù riêng lại thôi”. Còn bà Sy cho biết, sau này những người từng tra khảo bà vẫn về sống trong làng. “Ngay hồi đó mình đã phải gác lại quá khứ nữa là bây giờ”- hai người nói.

“Hòa giải chính trị là hòa giải cao nhất”- có nhà thơ nói vậy. Hòa giải chính trị nghĩa là hòa giải ở “cấp côi”. Những người kém quan trọng hơn có lẽ chẳng nên vì kém quan trọng mà bỏ lỡ cơ hội kiến tạo tương lai bằng cách bỏ lại quá khứ. Hãy nhìn những cuộc gặp Việt - Mỹ nho nhỏ như trên kia thì biết, không thể nói là ít giá trị.

Ngày trước thơ Lưu Quang Vũ tình cảm: Ai ở phía bên kia cầm súng khác/Cùng tôi trong tiếng Việt quay về. Chúng ta ở thế kỷ 21 này thậm chí không gọi bên này bên kia nữa, mà như Trịnh Công Sơn hát: Dòng máu nối con tim đồng loại. Dựng tình người trong ngày mới. Thành phố nối thôn xa vời vợi. Và nụ cười nối trên môi. Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh... Khát vọng và hiện thực đẹp đẽ đó, nào có gì quá đáng?  

Chúng ta vẫn nói “hãy cho tình yêu một cơ hội”, “cho hòa bình một cơ hội”. Cũng như vậy, hãy cho cuộc hòa giải hòa hợp một cơ hội, những cơ hội; cho nó chất xúc tác, môi trường và điều kiện tốt, tuyệt. Để nó không chỉ là một thông điệp êm ái lịch sự thiện chí.Cho và không bỏ lỡ cơ hội ở các cấp các nhóm, các cá nhân đơn lẻ.

Biên đạo múa nổi tiếng Ea Sola Thủy (quốc tịch Pháp) nhắc tôi nhớ: “Thế giới này chỉ Nelson Mandela làm tốt nhất chuyện hòa giải. Vừa ra tù, ông ấy bắt tay ngay vào việc cho các ông (da) đen gặp trắng, đen gặp đen, cho sát phạt hầm hè nhau chán chê đi, khúc mắc gì nói hết ra đi, rồi bắt đầu chương mới”.

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.