Phút chạm mặt đầu tiên
Sự cố đưa đón khiến tôi không được tận mắt chứng kiến cảnh anh bộ đội lần đầu gặp lại người lính Việt Nam cộng hòa nhưng ráp nối lời kể của mỗi người và xem lại đoạn phim thì được biết cuộc chạm mặt này cũng xuôi xẻ cả.
Trong đêm, Bùi Trọng Nghĩa và Chu Chí Thành đi dọc đường ray ga Đông Hà đón hai người lính Hà Nội. Đại tá Trần Long được Đài Quảng Trị mời theo gợi ý của Nguyễn Huy Tạo vì ông Long cũng rất nặng tình với mảnh đất Quảng Trị. Tôi hay trêu ông là “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (thơ Trần Nhân Tông) vì cứ có dịp là ông lại ôn chuyện chiến trường hết sức say sưa.
Họ nói gì phút đầu gặp mặt?
Đương nhiên là hỏi thăm sức khỏe, hỏi có nhận ra (nhau) không? “Anh ra khi nào?”- ông Tạo hỏi. Còn ông Nghĩa: “Nghe nói anh bận lắm. Vậy vô đây là mất công mất việc của anh. Nhưng anh vô được là quí rồi. Anh em mình còn sống đến giờ này là mừng rồi, tưởng đâu...”.
Trước đó, buổi trưa, trên ô tô từ Huế về Quảng Trị tôi cứ đùa ông lính Sài Gòn rằng có nhận ra nhiếp ảnh gia Thành thật không đấy, hay nãy giờ lại tưởng đang hội ngộ anh bộ đội?
Hơn 4 giờ sáng về đến khách sạn, trời tối mịt nhưng họ không ngủ lại, mà bốn người đàn ông ngồi trong phòng của hai người lính Hà Nội đến sáng bạch, hỏi han, kể chuyện gia đình, chuyện chiến trường... Ông Tạo tả: “Hai ông anh nói hết phần hai thằng em!”.
Tôi, ông Thành, ông Tạo và ông Long đều từng gặp nhau ở Hà Nội. Riêng tôi gặp ông Nghĩa ở Sài Gòn 7 tháng trước. Với “hai thằng em” thì đây là giây phút đầu tiên của họ!
Long Quang - Cảnh đó người đây
Về xã Triệu Trạch, người đón chúng tôi là ông Phan Tư Kỳ, nguyên xã đội trưởng thời điểm 1972-1973. Một cựu du kích nữa - Lê Quốc Thạnh. Nom gương mặt khắc khổ, dáng đi bộ tất tả, dáng đạp xe của ông Kỳ và bộ quần áo xanh ông mặc trên người thì ngỡ như ông chưa ra khỏi cuộc chiến.
Nguyễn Huy Tạo phăm phăm đi trước, nói với Chu Chí Thành: “Em sẽ chỉ cho anh (nơi họ gặp nhau xưa) vì vừa đến đây em đã có cảm giác được dẫn đường” (bởi đồng đội của ông).
Nói Triệu Trạch “nổi tiếng” bởi là một địa bàn bỏng rẫy thời chiến tranh. Nhà nước phong “xã Anh hùng” từ 1976, còn chốt thép Long Quang được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia. Chốt thép Long Quang chính là thôn Long Quang của xã - mắt xích quan trọng, vị trí tiền tiêu bảo vệ Cửa Việt trong đội hình phòng ngự của Bộ Tư lệnh Cánh Đông, hỗ trợ phía đông cho lực lượng bảo vệ thị xã -Thành cổ.
Du kích Thạnh, sau hòa bình làm Bí thư Đoàn xã, rồi Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã kể về những trận quyết tử bảo vệ vùng giải phóng. Dân quân du kích như ông phối hợp bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực của Trung đoàn 64 và 48 thuộc Sư đoàn 320b, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đẩy lùi các cuộc phản kích mang biệt danh “Sóng Thần” 36, 37, 39 và 45 của phía bên kia.
Long Quang xưa chang chang cồn cát. “Cây thì chỉ có cây dương”- ông Tạo nhớ vậy. Còn nay, nơi đây là một dãy đê chắn cát, với rừng phòng hộ trồng tràm hoa vàng. “Đã đến đã thấy đã chụp ảnh”- trí nhớ của anh bộ đội Tạo cộng hưởng với chỉ dẫn của hai du kích khiến tất cả chúng tôi cuối cùng dừng chân tại một góc của khu rừng phòng hộ và rú, ngoài tràm còn có cây tự nhiên mọc lúp xúp. Đó là nơi diễn ra cú bấm máy lịch sử 45 năm trước! Mấy tấm bia mộ này hồi đó chưa có, mà đất này chính là nơi đặt sân khấu của đoàn văn công năm ấy- ông Phan Tư Kỳ cho biết.
Lại nói chuyện văn công. Ngay những phút đầu gặp mặt, anh bộ đội Tạo đã hỏi anh lính Sài Gòn Nghĩa có nhớ chuyện văn công hát Tiếng đàn Ta lư (trong những ngày hòa hợp ngắn ngủi đó - xem bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính, báo Tiền Phong tháng 2/2016 và loạt bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh Hai người lính, 5/2017).
Ông Tạo kể lại điều từng kể với tôi rằng cho đến sau này ông vẫn muốn gặp lại ông trưởng đoàn văn công. Ngay hồi đó ông đã hỏi vì sao cho hát Tiếng đàn Ta lư đầy nhạy cảm thì ông trưởng đoàn trả lời Các anh đánh giặc bằng súng đạn còn chúng tôi đánh giặc bằng tiếng hát.
Phan Tư Kỳ vừa gặp chúng tôi, lập tức ôn chuyện Tiếng đàn Ta lư: “Miềng lúc đó hơi dở. Lúc đó có cả đại úy, thiếu tá của hắn sang, mà miềng lại hát Anh thắng trận miền Tây Khe Sanh. Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy...Hát có hơi mạnh. Nên hắn bỏ hắn chạy cha nó mất...”.
Ông vừa nói vừa cười, cứ nhắc đi nhắc lại dù chưa ai hỏi. Ông Tạo bèn nhìn tôi nói “Thấy chưa”. Tôi: “Nhỡ chỉ là do ông ấy trót đọc báo Tiền Phong (có kể chi tiết này) thì sao”. Và hỏi thẳng ông Kỳ điều đó. Ông khẳng định mình không thể quên: “Lúc nớ lẽ ra ta nói hòa một tí thì hay hơn là hát Tiếng đàn Ta lư”.
Theo Đại tá Long, giai đoạn đó Đoàn văn công Quân khu 5 hay diễn ở đây. Du kích Thạnh thì kể, Tiếng đàn Ta lư ông cũng được nghe, và là Đoàn văn công Trị Thiên Huế hát. Nhưng có hát đúng bữa hai người lính chụp ảnh không thì ông “không biết”. Chắc đây là bài tủ được biểu diễn nhiều lần. Ông Thạnh tả văn công vừa hát vừa chỉ xuống phía thủy quân lục chiến: “Một hai ba bốn năm sáu ngàn, tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia...”.
Hôm nay, hai du kích ngẩn ra khi nhà báo Thành, phút ban đầu, chỉ hai đàn ông trung niên Tạo - Nghĩa, hỏi biết ai đây không, có nhận ra không. Khó. Dù theo ông Kỳ và Thạnh: “Du kích bọn tôi cũng hay ra chơi với thủy quân lục chiến trong ngày hòa hợp, y như bộ đội”.
Không thể nhớ hết những gương mặt từng gặp 45 năm trước nhưng các cựu du kích thừa nhận hai người đàn ông trước mặt nom giống hệt ảnh. Những người khác cũng tò mò ngắm nghía họ xong rồi so sánh đối chiếu với ảnh và thích thú chỉ ra sự tương đồng.
Chỉ vào ảnh, ông Kỳ hồn nhiên gọi “anh giải phóng” “thằng thủy quân lục chiến”. Ông Nghĩa cười “Thì biết rồi”. (Ý nói vấn đề là bây giờ thấy thế nào kia? Có đúng hai người chụp ảnh hồi đó không).
Trong túi ông Thành có một cuộn dày mang từ Hà Nội vào, giờ là lúc ông mở ra: Ảnh Hai người lính, Tay bắt mặt mừng phóng to, để tặng người trong cuộc và hai cựu du kích.
Chung quanh chỉ có đất cát, có cỏ cây chen lá đá chen hoa nên ông Thành đặt ảnh xuống đó. Lần lượt họ- ông Thành, ông Nghĩa, ông Tạo quỳ xuống ký tên lên hai bức ảnh. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ quên cảnh này. Bởi không hề đơn giản để có được nó, dù Bắc Nam liền một dải gần nửa thế kỷ nay. Và kể cả khi tôi đã lần lượt tìm ra rồi kết nối ba người họ.
Chiều hôm trước thì là một cuộc hội ngộ thú vị nữa mà tôi sẽ kể ở phần sau. Cả chuyện “hai người lính” đã trở thành nhân vật đinh trong chương trình Khúc ca hòa bình như thế nào.
Cuối cùng họ cũng có bức ảnh hội ngộ tuyệt vời sau 45 năm. Như nhiều bạn đọc mong mỏi. Không khí thật đặc biệt, với sự tham góp rôm rả của những người chứng kiến. Nào là tay đặt đâu, mắt nhìn đâu cho giống bức ảnh hồi xưa; rồi bối cảnh đã chuẩn, đúng vị trí ngày xưa chưa, cây lá chung quanh đủ đẹp thơ mộng chưa. Vân vân.
Và không chỉ nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành được dịp bấm bức ảnh mong chờ bấy lâu mà những người khác cũng không muốn bỏ lỡ. Như tôi chớp được một lô: Khoảnh khắc hội ngộ của tất cả họ chứ không chỉ hai người lính. Một trong số bức tự nhiên nhất là ảnh chính của bài báo này.
Chỉ vài tháng trước khi tôi chụp Hai người lính, thị xã Quảng Trị tan hoang. Hai người thực sự đã bước ra từ cõi chết. Chính lúc đấy họ hồn nhiên sung sướng nhất- như Huy Tạo nói: vốn là người lính chỉ biết nhằm đối phương mà bắn nhưng giờ hòa bình rồi, không phải làm công việc đó nữa.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng. Lúc này là giờ phút thể hiện sự bao dung của người chiến thắng. Không hề nghĩ người cầm súng bên kia thù địch với mình nên tôi đã chụp bức ảnh và giữ đến giờ. Đời người ta, chỉ một khoảnh khắc cũng rất ý nghĩa. Nhất là khoảnh khắc đặc biệt thì nó quyết định tư tưởng, tâm thế của một người, nhân cách của họ. Ai trong đời có những giây phút quan trọng mà quyết định đúng đắn thì người đó rất hạnh phúc. Tôi cảm thấy tôi là một trong những người hạnh phúc.
Cựu phóng viên chiến trường CHU CHÍ THÀNH
(Còn nữa)
____
Kỳ 3: Gặp lại o du kích xã Triệu Trạch, và chuyện một đoản khúc hòa bình