Vì cộng đồng
“Tôi thấy công đoàn công ty vận động công nhân không về quê để ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh chứ chẳng ai cấm cả. Ở đây đang có dịch, tôi đã quyết định năm nay không về quê ăn tết. Trong hoàn cảnh này, ai ở đâu cứ ở yên chỗ đó là cách tốt nhất để phòng dịch, bảo vệ bản thân và gia đình”, chị Nguyễn Thị Liên (làm việc tại Cty Hoàng Gia -Bình Dương), quê ở một huyện ngoại thành Hà Nội nói như vậy khi chúng tôi hỏi chuyện về quê.
Trong khi đó, anh Phạm Như Công làm việc tại Công ty TNHH Wanek (KCN Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, Bình Dương) chia sẻ , vợ chồng anh quê Ninh Bình vào Bình Dương làm việc hơn 5 năm. “Cận ngày về thì dịch bệnh bùng phát ở Bình Dương. Tôi không chần chừ, đã đến ga trả lại vé và chịu mất phí 30%. Tôi muốn về quê ăn Tết sum vầy bên ông bà nhưng trong dịch bệnh phức tạp, để bảo vệ mình và người nhà nên đành lỡ hẹn”, anh Công tâm sự.
Chị Lê Thị Diệp - công nhân Công ty TNHH Shayng Hung Cheng (Bình Dương) chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại nghe tin dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, tôi thật sự rất buồn. Tôi ở lại Bình Dương ăn tết và thấy nhớ nhà. Đã hơn 10 năm chưa về quê Hà Nam, nay quyết định về thì có dịch”.
Bà Thái Kim Anh, chủ khu trọ Kim Anh (TP Thủ Dầu Một), cho biết để hỗ trợ công nhân ở lại đón tết, bà quyết định không thu tiền trọ một tháng và chỉ thu một nửa tiền phòng trong hai tháng kế tiếp. Tương tự, chủ các khu trọ Ngọc Lan (TP Thủ Dầu Một), Xuân Dương (TP Thuận An) và Minh Đức (TX Tân Uyên), nơi có hàng nghìn phòng trọ, đã giảm nửa tháng tiền nhà cho công nhân ở lại Bình Dương ăn tết.
Về phía doanh nghiệp, ngoài việc chi tiền hỗ trợ đến cơ quan chức năng làm cầu nối giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp còn tặng từ 350 đến 500 nghìn đồng kèm nhu yếu phẩm khác cho mỗi công nhân ở lại Bình Dương ăn tết. Đại diện Công ty TNHH Cự Hùng 2 (TX Tân Uyên) cho biết đã quyết định hỗ trợ 350.000 đồng/người cho công nhân quê ở miền Bắc, miền Trung ở lại Bình Dương đón tết. Ngoài ra, công đoàn công ty còn hỗ trợ thêm 150.000 đồng/công nhân.
Tương tự, Công ty TNHH Kurabe Industrial Bình Dương và Công ty Hung Cheng (TP Thuận An), nơi có hàng vạn công nhân cũng khuyến khích người lao động không về quê. Doanh nghiệp hỗ trợ tiền và quà cho những công nhân đón tết xa nhà.
“Hầu hết doanh nghiệp đều khuyến khích công nhân của mình ở lại không về quê để phòng dịch. Họ hỗ trợ tiền và nhiều nhu yếu phẩm cho công nhân ở lại ăn tết. Công nhân về quê chắc chắn chi phí tốn hơn nhiều ở lại. “Công nhân được công ty và các ban ngành địa phương quan tâm nên không xảy ra tình trạng thiếu thốn trong dịp tết”, bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP nói.
Tết ấm xa nhà
Tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Mạnh (37 tuổi, trú quận Sơn Trà) chia sẻ hai vợ chồng dự định về Bắc Giang ăn tết, nhưng ở quê đã có ca nhiễm COVID-19 nên không về nữa. “Tình hình dịch ngày một khó lường, có về quê ăn tết cũng chẳng yên. Khi ra lại Đà Nẵng còn bị cách ly không kịp đi làm. Đó là chưa kể nhiều nguy cơ khi di chuyển tàu xe nữa. Thế nên cả nhà chấp nhận tết này không về”, anh nói.
Ghi nhận tại ga Đà Nẵng sáng 5/2, hành khách tìm đến quầy vé để đổi, trả vé khá đông. Hầu hết đều lo lắng sẽ bị cách ly khi trở lại Đà Nẵng, hoặc trong trường hợp xấu bị phong tỏa sẽ không thể rời quê được. Bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận ga Đà Nẵng cho hay mỗi ngày có 300-500 người tới đổi, trả vé tàu tết. Hầu hết là hành khách về các tỉnh phía Bắc, những nơi có dịch.
Cùng cảnh ngộ, bến xe Đà Nẵng những ngày qua cũng đìu hiu vì khách liên tục trả vé. Ông Phạm Lợi, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng cho hay khoảng 40% hành khách đã đến đổi, trả vé về tết. Các nhà xe cũng tạo điều kiện cho khách đổi, trả vé, lấy tiền phụ thu 10%. Ông Hoàng Hữu Cương - Phó giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho hay số chuyến bay trong tháng đã giảm xuống so với kế hoạch, mỗi ngày giảm khoảng 10 chuyến. “Thường hằng năm thời điểm này khách đi và khách đến tương đương nhau, nhưng nay khách đến nhiều hơn. Đặc biệt khách đi các tỉnh phía Bắc giảm mạnh”, ông nói.
Không chỉ những người quê ở vùng dịch lo ngại, rất nhiều trường hợp cũng “đề phòng”, chấp nhận ăn tết xa nhà. Hữu Nguyên (quê Hà Tĩnh, sinh viên trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) đã trả vé xe về tết. “Mình làm thêm ở các quán bar, công việc tiếp xúc với nhiều người. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng nhưng mình vẫn quyết định không chủ quan. Mình sẽ ở lại Đà Nẵng dịp tết này để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình”, Nguyên chia sẻ. Cùng chung lựa chọn, anh Lê Vũ (29 tuổi, quê Kon Tum) cũng quyết định không về quê. Anh nói: “Dịch ở Gia Lai khá phức tạp, Kon Tum khá gần Gia Lai nên mình lo nếu dịch bệnh lây lan sẽ khó quay trở lại Đà Nẵng sau tết. Gia đình động viên mình ở lại, sau tết nếu tình hình ổn định thì về quê cũng không muộn”.
Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 85% lao động đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Khi tết cận kề, địa phương bất ngờ xuất hiện 5 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, người lao động ý thức phòng dịch nên ồ ạt trả lại vé. Ước tính có khoảng 600.000 lao động ở lại Bình Dương ăn tết. “Năm nay, người lao động ở lại Bình Dương ăn tết đạt kỷ lục từ trước đến nay. Bình Dương bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Địa phương vận động các doanh nghiệp, khu nhà trọ hỗ trợ người lao động đón tết xa quê”, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói. HƯƠNG CHI