Xuân này lao động không về quê

Công nhân trả vé tàu Tết ở ga Biên Hòa quyết định ở lại, đón Tết xa quê. Ảnh: M.T
Công nhân trả vé tàu Tết ở ga Biên Hòa quyết định ở lại, đón Tết xa quê. Ảnh: M.T
TP - Bình Dương và Đồng Nai, nơi có hàng triệu người lao động hầu hết từ các tỉnh, thành khác đến. Trước việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công nhân ồ ạt hủy vé về quê khiến nhà ga không xoay kịp tiền để trả. Trong khi đó, hàng trăm nghìn công nhân dù nhớ nhà vì nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình cũng tự nguyện ở lại để tránh dịch. 

Bình Dương có gần 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 80%. Trong khi đó, tại Đồng Nai có hơn 2 triệu lao động. Theo thống kê từ Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, năm nay hầu hết người lao động ở miền Bắc và miền Trung ở lại không về quê ăn Tết.

Còn tại Bình Dương, ban đầu dự tính chỉ khoảng 250.000 công nhân lao động không về quê. Tuy nhiên, vào các ngày 30 và 31/1, địa phương này xuất hiện hai ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Từ đó, ngoài việc hủy tổ chức “Chuyến xe Xuân nghĩa tình” cho công nhân lao động, Bình Dương còn vận động họ ở lại đón Tết nơi đất khách. Do đó, dự kiến có khoảng 800.000 người lao động miền Bắc và miền Trung ở lại ăn Tết tại Bình Dương năm nay.

Bắt đầu từ sáng 1/2, công nhân ở Bình Dương và Đồng Nai đồng loạt hủy vé để ở lại.

Ông Đinh Sĩ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty Taiwang VN cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp khuyến khích người lao động không về quê để tránh lây lan dịch bệnh. Doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nên việc công nhân về quê hay ở lại vẫn không tác động gì”.

Xuân này lao động không về quê ảnh 1 Chị Lê Thị Diệp bật khóc khi nói về việc phải ở lại đón Tết nơi đất khách. Ảnh: H.C

“Công ty không ngăn cản người lao động về quê mà chỉ tuyên truyền, phổ biến về các quy định phòng chống dịch bệnh, đến nay đã có hơn 100 công nhân đăng ký vé xe do công ty tổ chức trả lại vé”, Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH Pousung VN (tại huyện Trảng Bom) cho biết.

Chị Nguyễn Thị Thảo làm việc ở một công ty tại KCN Biên Hòa 2, cho biết gia đình chị 3 người mua vé tàu về Ninh Bình vào ngày 25 tháng Chạp, nhưng lo ngại tình hình dịch bệnh  nên quyết định đi trả vé, ở lại Biên Hòa đón Tết. “Không về quê được nghĩ cũng buồn, nhưng tình hình này thì ở lại vẫn tốt hơn”- chị Thảo tâm sự.

Những giọt nước mắt lăn dài trên má

Nhiều công nhân tỏ ra buồn, thậm chí bật khóc khi chúng tôi hỏi về việc bỏ ý định về quê ăn Tết.

Chị Lê Thị Diệp làm công nhân may, Công ty TNHH Shayng Hung Cheng (Bình Dương, nơi có hơn 9.000 công nhân), chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại nghe tin dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, tôi thật sự rất buồn. Tôi ở lại Bình Dương ăn Tết và cảm thấy nhớ nhà. Đã hơn 10 năm chưa về quê, nay quyết định về thì có dịch. Vì bản thân và cộng đồng, tôi đành phải ở lại”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Dung (công nhân tại công ty TNHH Chí Hùng, Bình Dương) cho biết thêm: “Tôi và nhiều đồng nghiệp khác đã bỏ ý định về quê sau khi nghe tin dịch bệnh bùng phát ở Bình Dương. Về phía công ty đã hủy tặng vé xe. Chúng tôi sẽ ở lại làm việc, chờ khi mọi việc ổn thì xin nghỉ phép để về thăm người thân”.

Trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân mỗi dịp Tết đến xuân về, chị Trần Thị Liên (công nhân tại công ty Hung Cheng Bình Dương) đã khóc khi chúng tôi hỏi “có về quê không?”.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài hơn 14.000 phần quà của UBND tỉnh dành cho người lao động thông qua tổ chức công đoàn, đơn vị này đã vận động thêm các doanh nghiệp hỗ trợ để chăm lo Tết cho người lao động ở lại địa phương ăn Tết.

“Địa phương đang có dịch, nếu công nhân về quê ăn Tết sẽ rất phức tạp, khó kiểm soát. Do đó, UBND tỉnh đã đề nghị phía liên đoàn lao động vận động công nhân không về quê. Địa phương đang vận động doanh nghiệp, chủ nhà trọ hỗ trợ công nhân ở lại, đồng thời cân đối ngân sách để hỗ trợ trên tinh thần không để ai không có Tết”, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nói.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết thêm, địa phương đã quyết định hỗ trợ cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không được về quê trên “Chuyến xe Xuân nghĩa tình” mỗi người 500.000 đồng. Ngoài việc dừng tổ chức chuyến xe Xuân, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã vận động công nhân không về quê, đồng thời gửi công văn kêu gọi doanh nghiệp chung tay hỗ trợ chăm lo Tết cho người lao động ở lại.

Sở GT&VT Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trên lĩnh vực vận tải. Theo đó, tạm dừng mọi hoạt động vận tải đường bộ từ Đồng Nai đi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương (và ngược lại). Trong đó, yêu cầu xe đang có hành trình vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng và du lịch từ Đồng Nai đi Quảng Ninh, Hải Dương (và ngược lại) khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn biện pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.