World Cup 2026: Đội tuyển Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác định Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các quốc gia khác ở Đông Nam Á để giành suất dự VCK World Cup 2026. Đội tuyển Việt Nam vì vậy cần sớm có sự chuẩn bị một cách bài bản và có hệ thống.

Ngày 9/1, tại đại hội thường niên VFF diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn nhận được sự đồng thuận đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch VFF. Trước đó, Bộ Chính trị chấp thuận để ông Lê Khánh Hải, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, thôi kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch VFF. Chiểu theo Điều lệ, Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn được BCH VFF biểu quyết giữ vị trí quyền Chủ tịch trong 1 năm, trước khi VFF tổ chức đại hội nhiệm kỳ vào cuối năm 2022.

Tại đại hội thường niên hôm qua, ông Tuấn nhận được sự ủng hộ của 100% thành viên thông qua quyết định trên. Phát biểu với báo chí, ông nói: “Tôi rất cảm động trước sự tín nhiệm của đại hội. Đây là trách nhiệm rất nặng nề và cũng có nhiều áp lực. Tuy nhiên, tôi cho rằng với sự đoàn kết của cả tập thể, bóng đá Việt Nam có thể đạt được nhiều thành công trong tương lai. Cá nhân tôi sẽ nỗ lực để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình”.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho biết đang lên kế hoạch tổ chức trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Trung Quốc tại Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 1/2 tới trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. VFF dự kiến xin phép cơ quan chức năng đón 50% khán giả vào sân, tức khoảng 20.000 người. Các CĐV sẽ phải tuân thủ quy định phòng dịch COVID-19.

Trong 2 năm 2020 và 2021, bóng đá Việt Nam bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. Theo nguồn tin của phóng viên Tiền Phong, tình hình tài chính của VFF cũng chịu ảnh hưởng, không đạt so với kế hoạch ban đầu. Dù vậy, nỗ lực của Ban Tài chính VFF cũng giúp Liên đoàn có được nguồn thu đủ phục vụ hoạt động thường xuyên cũng như kế hoạch tập luyện, thi đấu của các ĐTQG.

Theo ông Tuấn, trước mắt bóng đá Việt Nam cần tập trung cho một số mục tiêu quan trọng, đầu tiên là SEA Games 31 trên sân nhà. Hai đội tuyển bóng đá nam và nữ được đặt mục tiêu bảo vệ HCV. Đồng thời, để chuẩn bị cho các kế hoạch dài hơi, đội tuyển U21 Việt Nam được tạo điều kiện tham dự một số giải đấu quốc tế như U23 Đông Nam Á (Campuchia), Asiad 2022 (Trung Quốc)… VFF cũng lên kế hoạch cụ thể cho các đội tuyển bóng đá nữ, đội tuyển futsal.

“Nhiệm vụ của chúng ta là củng cố, tạo sự ổn định cho hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp đã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Đây là yêu cầu cần thiết để các CLB trong nước có thể phát triển tốt. Nếu không xác định được mục tiêu cho các ĐTQG, hệ thống thi đấu sẽ bị tác động”, quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nói.

World Cup 2026: Đội tuyển Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt ảnh 1

Đội tuyển Việt Nam cần bước chuẩn bị dài hơi cho kế hoạch giành vé dự VCK World Cup 2026. Ảnh: Hữu Phạm

Đối với đội tuyển bóng đá Việt Nam, sau khi hoàn thành các trận đấu còn lại tại Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, đội sẽ tiếp tục tập trung cho kế hoạch đoạt lại ngôi vô địch ở AFF Cup 2022, hướng tới kế hoạch dài hơi hơn là đoạt suất tham dự VCK World Cup 2026 khi FIFA nâng số đội dự tranh lên 48.

Theo ông Tuấn, việc đội tuyển Việt Nam thi đấu không thành công ở AFF Cup 2020 có nhiều yếu tố, trong đó có việc đội chịu tổn thất lực lượng (mất 4 trụ cột), đồng thời phải dàn sức cho cả Vòng loại World Cup 2022. “Chúng ta phải mất 10 năm để đoạt ngôi vô địch Đông Nam Á lần thứ 2 (2008 và 2018), điều đó cho thấy để gặt hái được thành công cần sự chuẩn bị bài bản, lâu dài. Cơ hội dự VCK World Cup 2026 đã rộng hơn nên đội tuyển Việt Nam cần có sự chuẩn bị sớm. Không chỉ chúng ta mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đang chạy đua rất quyết liệt”, ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG