Vượt trăm cây số, thí sinh bật khóc vì không rút được hồ sơ

Vân Anh bật khóc khi không rút được phiếu điểm. Ảnh: Nguyễn Duy.
Vân Anh bật khóc khi không rút được phiếu điểm. Ảnh: Nguyễn Duy.
Vượt hàng trăm km lên TP HCM, ngồi đợi hơn 3 giờ vẫn không rút được hồ sơ nên Vân Anh bật khóc, lủi thủi ra bến xe về nhà.

Ngày 10/8, Nguyễn Thị Vân Anh từ Lâm Đồng xuống Đại học Sư phạm TP HCM rút hồ sơ xét tuyển. Do lượng thí sinh đến rút khá đông, cô ngồi chờ hơn 3 giờ để đến lượt nhưng nhà trường không tìm thấy hồ sơ. Bật khóc trước cửa phòng Đào tạo, Vân Anh nói: "Em dậy từ 3h sáng để đón xe xuống đây, vậy mà giờ trường nói về hôm khác quay lại".

Vân Anh nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Văn, Giáo dục tiểu học hôm 1/8 nhưng đến nay vẫn chưa thấy tên được công khai hồ sơ trên website. Tổng điểm 3 môn của cô để xét tuyển đạt 24,5. "So với chỉ tiêu cần tuyển và hồ sơ đã nộp, em biết mình sẽ rớt nên xuống trường rút. Giờ không lấy được phiếu điểm, làm sao em xét tuyển nguyện vọng một", Vân Anh lau nước mắt, lủi thủi bắt xe ôm ra bến xe về quê.

Tương tự, Trần Trung Tính (lớp 12A1, trường THPT Vĩnh Bình, An Giang) gửi hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm TP HCM qua đường bưu điện hôm 3/8. Thấy điểm không an toàn, sáng nay cậu lên rút hồ sơ để nộp vào Đại học Cần Thơ nhưng trường hẹn 3 ngày sau quay lại lấy.

"Em và đứa bạn chạy xe từ 2h sáng để lên Đại học Sư phạm TP HCM lấy phiếu điểm. Em đã nộp giấy chứng minh nhân dân, phiếu báo phát cho trường nhưng họ không cho rút. Giờ em phải chạy về quê không trời tối", Tính nói.

PGS. TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM - cho biết do có sai sót trong khâu nhập dữ liệu nên một số thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển vẫn chưa có tên trên danh sách công khai. "Khi thí sinh đến rút hồ sơ, nhân viên của trường sẽ ghi lại họ tên, mã hồ sơ rồi ban đêm mới tìm phiếu điểm và ngày hôm sau sẽ trả lại. Chúng tôi đã nhận được hơn 6.000 hồ sơ và có 200 em rút lại phiếu điểm", ông Hồng cho biết.

Vượt trăm cây số, thí sinh bật khóc vì không rút được hồ sơ ảnh 1

Thí sinh rút hồ sơ ở Đại học Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Duy.

Cũng có cả trăm thí sinh đến rút hồ sơ, Đại học Sài Gòn bố trí hai phòng và hơn 10 nhân viên làm việc. Nguyễn Thị Xuân Nga (quê Bình Thuận) nộp hồ sơ vào trường ngày 4/8. Theo dõi lượng hồ sơ trên website, thấy điểm của mình ở vị trí 180 còn chỉ tiêu tuyển sinh là 100 nên nữ sinh này đón xe vào Sài Gòn rút lại phiếu điểm.

"Em chờ 30 phút là được trường trả lại hồ sơ. Em sẽ về quê để theo dõi tình hình rồi vào nộp hồ sơ ở Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM", Nga nói.

Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Sài Gòn - cho biết, trường nhận được khoảng 10.000 hồ sơ và có gần 1.500 thí sinh đến rút lại phiếu điểm. Những trường hợp nộp tại trường chỉ cần đưa biên lai và phiếu thu, còn qua đường bưu điện có giấy báo phát thì trường sẽ trả lại hồ sơ.

"Phiếu điểm được xếp theo tên người thu, ngày thu nên các em đến rút, trường rất dễ tìm. Một số em làm mất biên lai, phiếu báo phát sẽ được trường kiểm tra thêm giấy tờ tùy thân rồi trả lại hồ sơ", ông Sơn nói và cho biết thí sinh rút phiếu điểm ra và muốn xét tuyển ngành khác ở Đại học Sài Gòn thì nộp được ngay, còn vào trường khác thì phải sau một ngày để trường cập nhật dữ liệu trên phần mềm.

Vượt trăm cây số, thí sinh bật khóc vì không rút được hồ sơ ảnh 2

Nhiều thí sinh không rút được phiếu điểm ở Đại học Sư phạm TP HCM sáng 3/8. Ảnh: Nguyễn Duy.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Mở - trường đã nhận được 4.000 hồ sơ và có 150 thí sinh đến rút. Thí sinh chờ 30 phút sẽ nhận được phiếu điểm. Còn thí sinh đến sau 10h, trường sẽ trả hồ sơ vào buổi chiều. "Thí sinh đến rút cần mang theo biên nhận và giấy chứng minh nhân dân, còn người nhà phải có thêm giấy ủy quyền. Trường ưu tiên trả phiếu điểm cho thí sinh ở tỉnh trước", ông Hà nói.

Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM Phạm Thái Sơn cho biết, từ ngày 7/8 lượng hồ sơ nộp vào trường bắt đầu ổn định. "Chúng tôi đã có 4.000 hồ sơ nộp vào và 200 em rút lại phiếu điểm. Công nghiệp thực phẩm là ngành có số lượng hồ sơ nộp nhiều nhất với 600 bộ", ông Sơn nói.

Mỗi ngày, Đại học Sư phạm Kỹ thuật có 50 -100 thí sinh rút phiếu điểm. PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng cho hay đã nhận khoảng 7.000 hồ sơ. Năm nay, nhiều ngành khó tuyển ở các năm trước như Kinh tế gia đình, Công nghệ in... thí sinh phải đạt 7 điểm một môn mới trúng tuyển.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG