Vượt biên sang Ấn Độ, cảnh sát Myanmar tiết lộ 'được lệnh bắn tử vong người biểu tình'

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát Myanmar xuống đường trấn áp người biểu tình. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Myanmar xuống đường trấn áp người biểu tình. Ảnh: Reuters
TPO - Khi được yêu cầu dùng súng tiểu liên bắn vào những người biểu tình ở thị trấn Khampat (Myanmar) ngày 27/2, Tha Peng đã thẳng thừng nói rằng anh từ chối.

Cảnh sát được lệnh nổ súng?

“Hôm sau, một sĩ quan gọi điện cho tôi và hỏi thêm lần nữa rằng tôi có bắn không”, Tha Peng (27 tuổi) kể. “Tôi từ chối một lần nữa, rồi nghỉ việc”.

Ngày 1/3, Tha Peng để gia đình ở lại Khampat và đi du lịch 3 ngày. Peng chủ yếu xuống đường vào ban đêm để tránh bị phát hiện, sau đó vượt biên đến bang Mizoram (Ấn Độ).

“Tôi không còn lựa chọn nào khác”, Tha Peng nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba.

Cựu sĩ quan cho biết theo quy định, lực lượng an ninh chỉ được dùng đạn cao su bắn vào khu vực dưới dầu gối. Nhưng Peng tiết lộ anh được “cấp trên ra lệnh bắn người biểu tình đến chết”.

Peng chỉ muốn công bố một phần tên của mình để bảo vệ danh tính. Thông tin cá nhân trên thẻ căn cước và thẻ cảnh sát của Peng đã được Reuters xác nhận.

Cùng với thẻ căn cước, Tha Peng cũng cho phóng viên Reuters xem bức ảnh (không rõ ngày tháng) anh mặc đồng phục cảnh sát Myanmar. Tha Peng nói rằng anh gia nhập lực lượng này 9 năm trước.

Vượt biên sang Ấn Độ, cảnh sát Myanmar tiết lộ 'được lệnh bắn tử vong người biểu tình' ảnh 1

Xe cảnh sát ở Yangon ngày 8/3. Ảnh: Reuters

Cựu cảnh sát viên cho biết anh và 6 đồng nghiệp đều không tuân theo mệnh lệnh ngày 27/2 của cấp trên. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu đồng nghiệp đã cùng Peng bỏ trốn sang Ấn Độ.

Thông tin về mệnh lệnh mà Peng đưa ra giống với thông tin trong tài liệu được công bố bởi cảnh sát bang Mizoram (Ấn Độ).

Cảnh sát Mizoram cho biết đã thu thập thông tin vào ngày 1/3 từ một hạ sĩ cảnh sát Myanmar khác (không phải Peng) và 3 người đã vượt biên sang Ấn Độ. Tài liệu của cảnh sát cũng cung cấp chi tiết tiểu sử của 4 người nói trên, và lí do vì sao họ lại bỏ trốn.

Trong một tuyên bố chung gửi cảnh sát Mizoram, các cựu sĩ quan Myanmar cho biết: “Khi phong trào bất tuân dân sự đang dâng cao, và cuộc biểu tình chống đảo chính diễn ra ở khắp nơi, thì chúng tôi được yêu cầu nã súng vào người biểu tình.”

“Trong tình huống này, chúng tôi không có gan nã đạn về phía nhân dân, những người biểu tình ôn hòa.”

Vượt biên sang Ấn Độ, cảnh sát Myanmar tiết lộ 'được lệnh bắn tử vong người biểu tình' ảnh 2

Cảnh sát Yangon cầm súng tiểu liên xuống đường. Ảnh: Reuters

Ngun Hlei (23 tuổi), một người tự nhận từng là cảnh sát Mandalay, tiết lộ anh cũng nhận được lệnh nổ súng nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

Ngun Hlei cho biết anh bị khiển trách vì không tuân lệnh và bị chuyển công tác. Anh tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trên mạng, rồi tìm đường đến làng Vaphai của Mizoram (Ấn Độ) vào ngày 6/3. Hành trình đến Ấn Độ tiêu tốn của anh khoảng 200.000 kyat Myanmar (tương đương 143 đô la Mỹ).

Tha Peng và Ngun Hlei cho biết họ tin rằng cảnh sát đang hành động theo lệnh của quân đội Myanmar.  “Quân đội đã gây áp lực với cảnh sát, buộc họ đối đầu với người dân."

Vượt biên sang Ấn Độ, cảnh sát Myanmar tiết lộ 'được lệnh bắn tử vong người biểu tình' ảnh 3

Cảnh sát tiến về cổng một trường đại học ở Mandalay. Ảnh: Reuters

Không muốn trở về Myanmar

Dal (24 tuổi) cho biết cô từng là cảnh sát viên ở thị trấn Falam, Tây Bắc Myanmar. Công việc của cô chủ yếu là lập danh sách những người bị cảnh sát giam giữ. Nhưng khi các cuộc biểu tình gia tăng, Dal nói rằng cô được yêu cầu “cố gắng bắt những người biểu tình nữ”. Đáp lại, Dal từ chối.

Lo sợ bị bỏ tù vì đứng về phía người biểu tình, Dal quyết định bỏ trốn khỏi Myanmar.

Cả 3 cựu cảnh sát Myanmar được phỏng vấn đều nói rằng phần lớn lực lượng an ninh có tư tưởng ủng hộ người biểu tình.

“Trong đồn cảnh sát, 90% ủng hộ người biểu tình, nhưng không có ai đứng ra liên kết họ lại”, Tha Peng, người bỏ lại vợ và 2 con gái nhỏ ở Myanmar nói.

Giống như một số người khác đã vượt biên trong những ngày gần đây, cả 3 người đang sống rải rác xung quanh Champhai, được hỗ trợ bởi một mạng lưới các nhà hoạt động địa phương.

Tha Peng cho biết mặc dù rất nhớ gia đình, nhưng anh vẫn sợ quay trở lại Myanmar. “Tôi không muốn quay lại,” Peng nói khi ngồi trong căn phòng trọ ở Ấn Độ nhìn ra những ngọn đồi xanh mướt trải dài khắp Myanmar.

Chính quyền quân sự Myanmar chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Trái với thông tin từ báo chí, chính quyền Myanmar cho biết “đang hết sức kiềm chế trong việc xử lý những người biểu tình bạo loạn”. Quân đội cáo buộc người biểu tình tấn công cảnh sát, gây tổn hại đến an ninh quốc gia.

Tha Peng là một trong những cảnh sát đầu tiên cung cấp thông tin cho báo giới sau khi bất tuân mệnh lệnh của cấp trên và bỏ trốn.

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính vẫn đang được tổ chức trên khắp Myanmar. Hơn 60 người đã thiệt mạng trong khi tham gia các cuộc biểu tình, và hơn 1.800 người bị giam giữ, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.

Theo một quan chức cấp cao của Ấn Độ, khoảng 100 người từ Myanmar – chủ yếu là cảnh sát và thân nhân – đã vượt biên vào Ấn Độ kể từ sau cuộc đảo chính.

Một số người đã đến trú ẩn tại quận Champhai của Mizoram giáp biên giới với Myanmar.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG