Khu vườn mang tên “Chuông đá”
Chúng tôi tìm đến quán cà phê “Chuông đá” số 599, đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk để được tận mắt ngắm nhìn những mẫu hóa thạch có niên đại hàng trăm triệu năm. Chủ nhân của nó là anh Hoàng Thành (SN 1959, tại Quảng Điền, TP Huế).
Bằng giọng chậm rãi, nhẹ nhàng anh Thành kể cho tôi nghe duyên cớ đến với đam mê sưu tầm hóa thạch cổ. Năm 1986, anh Thành vào Buôn Ma Thuột sinh sống, học nghề sửa chữa máy móc, ngành thi công cầu đường rồi đến các công trình trên địa bàn Tây Nguyên để sửa chữa máy hư, cũ.
Vốn mang tâm hồn nghệ sĩ, yêu thiên nhiên, anh Thành ấp ủ ước mơ có một khu vườn đẹp. Anh gom góp thu nhập vài năm, đủ mua miếng đất rộng hơn 1.000m2 và bắt tay vào gây dựng khu vườn.
Những tảng đá, gốc bằng lăng, lộc vừng to bằng cả người ôm được anh “thửa” khắp nơi về. Càng sưu tầm anh càng say mê. Thế là bao nhiêu vốn liếng anh dốc cả vào những chuyến đi rồi trở về với hàng trăm nghìn hòn đá lớn, nhỏ, gốc cây cũ mục.
Nhiều người xung quanh thấy anh thích thú, mê mệt những hòn đá vô tri vô giác nên họ cùng chia sẻ đam mê ấy khi vào rừng, đi rẫy thấy có gì hay lại nhặt về bán cho anh. Không chỉ thế anh Thành còn “sắm” cho khu vườn một ngôi nhà dài của người Ê Đê với đầy đủ “nội thất” như ghế dài, giường chủ nhà, cồng chiêng, ché xưa, thuyền độc mộc, đàn đá và rất nhiều nồi, chén, lư đồng cổ. Không ít hàng xóm, người thân, bạn bè cho rằng anh bị “thần kinh” khi bỏ tiền ra mua những thứ vớ vẩn này. Anh Thành mặc kệ, vẫn say sưa sưu tầm.
Khi hoàn tất, anh Thành mở quán cà phê để giới thiệu với bạn bè về khu vườn mà mình đã khổ công gây dựng. Nhiều người đến uống cà phê bật cười khi biết anh bỏ công, bỏ tiền ra “đầu tư” cho sở thích không giống ai.
Nhưng rồi một ngày, GS. TSKH Vũ Ngọc Hải - người được biết đến bởi những nghiên cứu về địa chất khoáng sản, từng là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tình cờ đến quán và sững sờ khám phá kho báu đá mà anh Thành đang sở hữu. GS. Vũ Ngọc Hải nói với anh: Đây là những bảo vật có giá trị mang tầm cỡ quốc gia, có độ tuổi hàng triệu năm. Anh hãy bảo quản, giữ gìn cẩn thận…
Bộ sưu tập đá cổ triệu năm tuổi
Trong khu vườn, anh Thành trưng bày rất nhiều mẫu đá với đủ mọi thể loại hình dáng. Từ những con sò, con ốc đang cuộn trong đá đến đàn đá, tượng đá, chuông đá.
Chính sự độc đáo, riêng biệt đó mà “Chuông đá” trở thành điểm tham quan của nhiều du khách, trong đó có các nhà khoa học. Cuối năm 2009, một đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam do PGS. TS. Phạm Văn Lực làm trưởng đoàn tìm đến nhà anh Thành. Khi nhìn thấy những hiện vật này, các nhà khoa học đã nhận định ngay rằng, đây là những cổ vật có giá trị đặc biệt về địa chất và cổ sinh địa tầng của mảnh đất Tây Nguyên.
Đến tháng 3/2010, PGS.TS. Lưu Đàm Cư, Phó giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam lại cử đoàn khảo sát do TS. Nguyễn Hữu Hùng, chuyên gia nghiên cứu về cổ sinh vật học vào tận nhà anh Thành để nghiên cứu.
Theo các kết quả điều tra địa chất, các lô hóa thạch này được tìm thấy ở những vùng lộ ra các trầm tích thuộc hệ tầng Đắk Krông có niên đại 191-175 triệu năm trước và hệ tầng Ea Sup có niên đại 170-154 triệu năm trước. Kho cổ vật của anh Thành được phân làm 5 nhóm: Nhóm mẫu hóa thạch thuộc lớp Cúc đá (Ammonoidea, vỏ sò hóa thạch) chỉ có duy nhất ở Tây Nguyên; Hóa thạch thuộc lớp Hai mảnh vỏ (Chân rìu); Hóa thạch Chân bụng (Gastropoda); Hóa thạch ngành Thực vật hạt trần (Gymnospermae); Hóa thạch thực vật thân gỗ bị silic hóa (lần đầu tiên phát hiện ở khu vực Tây Nguyên).
Tất cả được anh sưu tầm và mua lại của người dân địa phương tại suối Ke, xã Nam Dong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông; xã Ya Le, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai; xã Ea Đá, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk từ năm 2000 cho đến nay.
Sau khi khảo sát, đánh giá, GS. TSKH. Đặng Vũ Khúc, chuyên gia đầu ngành địa tầng và hóa thạch Cúc đá đại Trung Sinh nhận xét: “Đây là bộ sưu tập mẫu Cúc đá có giá trị rất lớn, phong phú về số lượng, có mẫu đường kính đạt đến 44 cm. Thân cây silic rất hiếm gặp trong tự nhiên.
Là bộ mẫu vật hiếm có” (trích nhận xét phản biện 1, ngày 7 tháng 5 năm 2010). Còn PGS. TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, phản biện 2 cho rằng: “Đây là bộ sưu tập mẫu vật hóa thạch cổ sinh vật rất vĩ đại, với kích thước lớn.
Không thể đánh giá hết được các giá trị về mọi mặt. Chính vì thế bảo tàng mong anh trao lại một số hóa thạch để làm nguồn tư liệu trưng bày và nghiên cứu. Ngày 11/6/2010, anh Thành đồng ý chuyển giao bộ sưu tập mẫu cổ sinh vật lớn nhất Tây Nguyên (892 mẫu nặng 11,5 tấn) cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Đây là một trong số các bộ sưu tập mẫu cổ sinh hết sức có ý nghĩa cho việc nghiên cứu và trưng bày các giá trị thiên nhiên của Việt Nam, cũng như các giá trị giáo dục cộng đồng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Chuông đá kỳ lạ
Chuông đá là hòn đá hình trụ, dài 2,5m, đường kính khoảng 60cm, nặng ước chừng 800 kg và phát ra âm thanh được anh Thành tìm thấy tại huyện Lắk cách đây 12 năm. Dẫn tôi đến bên chuông đá lúc mặt trời lên cao, những tia nắng vàng xuyên qua tán lá cây chiếu xuống chuông đá trông óng ánh kì lạ.
Quan sát kỹ trên thân đá thấy có những hạt vàng nhỏ bám dính vào, anh Thành nói: “Vàng ở chiếc chuông đá này thuộc loại vàng sa khoáng chứ không phải vàng gốc. Khi trời nắng, những vảy vàng phản sắc óng ánh trông rất đẹp mắt”.
Rồi anh bảo tôi đứng ép tai vào đá để anh đánh cho nghe. Anh dùng một hòn đá cuội gõ khẽ vào đầu kia của hòn đá, ở phía này tôi nghe âm vang của tiếng chuông chùa, tiếng nhạc rừng, tiếng suối, tiếng chim hót.
Âm thanh xung quanh hòn đá mỗi nơi một khác, chỗ trong trẻo, chỗ trầm đục, chỗ réo rắt mê hoặc lòng người. Điều đặc biệt là trời càng nắng, càng trong thì tiếng chuông càng ngân vang.
Ngược lại, trời mưa dầm hoặc lạnh giá thì hòn đá không thể phát ra tiếng. Việc hòn đá phát ra âm thanh khiến nhiều người cho rằng nó là cổ vật xưa.
Tuy nhiên, anh Thành cho biết, chuông đá chỉ là một hòn đá tự nhiên được cấu tạo từ thạch anh, mica, sa khoáng, granít, có cấu trúc dưới dạng các sợi khoáng vật và kết cấu dạng tổ ong. Chỉ khác là đá mềm, xốp chứ không rắn chắc như các loại đá khác.
Chuông đá được cho là một hòn đá kỳ lạ, nó chính là nguồn cảm hứng để anh Thành đặt tên cho quán cà phê của mình. Từ ngày có chuông đá nhiều người kéo đến xem và ngạc nhiên vì từ trước đến nay chưa có một hiện vật nào như thế được phát hiện trong văn hóa Tây Nguyên.
Hiện tại, ngoài chuông đá, 7 bộ đàn đá, ngôi nhà dài thì anh Thành còn lưu giữ hơn 300 mẫu hóa thạch. Anh Thành cho biết, sắp tới sẽ cùng gia đình ra nước ngoài sinh sống. Ngày xưa khi chưa biết giá trị các cổ vật mình lưu giữ anh đã rất quý, rất say mê nó, đến giờ vẫn vậy.
Anh nói sẽ trao lại, thậm chí tất cả cho người có niềm đam mê và trân trọng nó hoặc để bảo tàng quản lý. Vì chỉ những người yêu quý, trân trọng nó mới lưu giữ, bảo quản tốt những gì thuộc về quá khứ.
Đánh giá các mẫu đá cổ sinh của anh Thành, giám đốc bảo tàng Đắk Lắk- bà Lương Thanh Sơn nhận xét: Những con Cúc đá hóa thạch đóng vai trò quan trọng, nó là mật mã của quá trình hình thành vùng đất Tây Nguyên, đem lại hình dung cụ thể về lịch sử phát triển đồng thời làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn hóa của các tộc người Tây Nguyên.
Chuông đá là một hòn đá lạ, tuy nhiên việc lý giải nó mới ở mức phỏng đoán chứ chưa là kết luận chính thức. Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn được anh Thành chuyển giao cho các mẫu hóa thạch và chuông đá để bảo tàng trưng bày, nghiên cứu”.