Vùng sâu Di Linh tái canh cà phê để giảm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, Di Linh đã nỗ lực hỗ trợ các hộ nghèo tái canh cà phê để ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số 4 xã vùng sâu gồm Bảo Thuận, Gia Bắc, Sơn Điền và Đinh Trang Thượng.
Vùng sâu Di Linh tái canh cà phê để giảm nghèo ảnh 1

Cà phê ở Di Linh đang vào mùa thu hoạch

Theo ông Trần Đức Công, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, năm nay, địa phương phân bổ hơn 50 tỷ đồng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Di Linh còn sửa chữa, xây dựng mới trên 60km đường giao thông nông thôn với tổng vốn đầu tư trên 87 tỷ đồng; hoàn thành các công trình thủy lợi chuyển tiếp và nạo vét công trình với tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng. Nhờ vậy, nông nghiệp địa phương phát triển ổn định hơn.

Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích hơn 44.000ha, trong đó có nhiều khu vườn đã già cỗi nên việc tái canh được ưu tiên hàng đầu. Ban ngành chức năng đã hỗ trợ vốn, kỹ thuật để các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) ghép cải tạo cà phê. Đến nay, việc tái canh cà phê đã đạt 100,9% so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các hộ DTTS cũng được hướng dẫn trồng xen các loại cây ăn trái (bơ, sầu riêng...) vào vườn cà phê để tăng thu nhập. Hiện toàn huyện có hơn 8.500 ha cây trồng xen.

Năm nay, Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và huyện đã phân bổ trên 2,6 tỷ đồng để xây dựng 53 căn nhà đại đoàn kết và sửa chữa một số căn nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện hỗ trợ hàng tỷ đồng cho học sinh, sinh viên người DTTS đến trường.

Di Linh có trên 40% cư dân là đồng bào DTTS, chủ yếu là người K’Ho. Do xuất phát điểm cơ sở hạ tầng thấp và mặt bằng dân trí thấp nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, nhờ đầu tư đồng bộ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở Di Linh giảm xuống còn 4,2% , riêng hộ nghèo người DTTS còn 6,7%.

MỚI - NÓNG