Lúc doanh nghiệp này mới xuất hiện, khi tôi ngồi nhâm nhi với mấy anh em đồng nghiệp, một nhân viên tiếp cận và chìa cho một tấm danh thiếp ghi tên “Công ty địa ốc Alibaba”. Chúng tôi cười và hầu như ai cũng liên tưởng ngay đến truyện thần thoại “Ailibaba và 40 tên cướp” với thần chú “vừng ơi mở cửa ra” ly kỳ hồi nhỏ hay đọc. Ba năm sau khi biết Alibaba, tôi mới thấy những liên tưởng của mình khi cầm tấm danh thiếp trước đó có lẽ đúng. Luyện nên thêm vào “40 tên cướp” sau tên công ty.
Từ một anh chàng môi giới bất động sản đất nền, Nguyễn Thái Luyện vươn lên làm thủ lĩnh khi tạo ra công ty bất động sản với cái tên không giống ai: Alibaba. Nó “hot” đến nỗi nhiều lần tôi bắt gặp trên đường phố Sài Gòn các quán ăn, nhiều tiệm bánh cũng “ăn theo” để đặt tên như thế nhằm câu khách, tạo tò mò. Nhiều bạn tôi, là các ông trùm thực sự trong lĩnh vực bất động sản đã không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển chóng mặt cả về số dự án, số vốn điều lệ mà ông chủ của công ty này công khai trong các buổi livestream hoặc đưa tin trên phương tiện truyền thông.
“2.500 nhân viên đang làm việc cho địa ốc Alibaba với hơn 40 dự án trải dài từ Vũng Tàu đến Bình Thuận”- Luyện chia sẻ và không quên nhắc đến con số tăng vốn điều lệ chóng mặt: Tháng 5/2016 địa ốc Alibaba thành lập chỉ với 1 tỷ đồng. Cách đây 2 tháng, con số này được Luyện loan báo là 5.600 tỷ đồng khiến nhiều người bị sốc. Thực ra, đây trò Luyện “nổ” để hô “vừng ơi mở cửa đa cấp” lôi kéo nhiều người tham gia vào dự án của mình.
29 dự án ở Đồng Nai của địa ốc Alibaba cho đến nay được chính quyền thông báo đều là những dự án “ma” trên đất nông nghiệp. Và hàng loạt dự án khác ở Vũng Tàu hay Bình Thuận cũng “ma” tương tự. Ai cũng hiểu rõ điều đó nhưng tất cả vẫn lao vào góp vốn đầu tư như những con thiêu thân. Đã lỡ bỏ tiền vào công ty nên họ buộc phải bám trụ, kêu gọi thêm người vào để lừa và gỡ vốn.
Cứ vậy những nhân viên nơi đây như những mắt xích lôi kéo, người trước “ăn” trên đóng góp của người sau, dù có người biết những dự án họ chèo kéo đều “ma”. Luyện đã tạo ra một thứ “đức tin” là tiền rồi tiêm nhiễm vào các linh hồn khát tiền và tham tiền để rồi tất cả đều chạy theo Luyện trong hơn 3 năm qua, góp phần tạo dựng Luyện thành một ông chủ bất chấp pháp luật, ngông nghênh đầy thách thức.
Như một di chứng, nhân viên của Luyện hôm qua vẫn livestream truyền thông “vu khống” và tiếp mạch đa cấp vẫn muốn níu kéo khổ chủ tiếp tục tin tưởng. Chỉ có kho két của Alibaba thì đóng lại với tất cả những người đến để… đòi lại tiền.