Chứng khoán Kim Long

'Vua tiền mặt' bất ngờ xin giải thể (?!)

Công ty chứng khoán Kim Long bất ngờ xin giải thể.
Công ty chứng khoán Kim Long bất ngờ xin giải thể.
TP - HĐQT công ty chứng khoán Kim Long (mã: KLS) vừa công bố thông tin đề xuất Đại hội đồng cổ đông xem xét việc giải thể công ty trong kỳ họp tới đây. Đây là thông tin bất ngờ với thị trường. Điều gì khiến một CTCK từng nổi danh “Vua tiền mặt” lại quyết định chia hết cổ tức số tiền hàng trăm tỷ, chấm dứt sự tồn tại.

Xin giải thể chia tiền cho cổ đông

Cuối tuần qua, phương án HĐQT Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) đưa ra trình xin ý kiến cổ đông đó là sẽ tiến hành giải thể công ty, thực hiện chia tiền cho cổ đông. Thông tin được phát đi chính thức trước thời điểm doanh nghiệp đại hội thường niên hôm tới đây 28/4. Và theo nguồn tin của Tiền phong, đến thời điểm này, các cổ đông lớn (chiếm tỷ lệ 70%) cơ bản đã nhất trí phương án này.

Vì sao chứng khoán Kim Long chọn cách giải thể? Chủ tịch HĐQT KLS Hà Hoài Nam chia sẻ: TTCK Việt Nam chưa đủ lớn để  có nhiều công ty chứng khoán, vì thế hoạt động của khối CTCK nhìn chung còn nhiều khó khăn. “Với KLS, hai năm trước, công ty trả cổ tức cho cổ đông ở mức 8% và 7%, nhưng năm 2016 sẽ không trả được cổ tức, vì năm 2015 công ty lỗ. Hiệu quả hoạt động của KLS như vậy là không tốt”, ông Nam thừa nhận.

Theo Báo cáo tài chính vừa được công bố của KLS, lợi nhuận trước thuế quý 1/2016 của công ty đạt 3,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 39 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm cuối quý 1, tổng tài sản của Kim Long đạt 2.301 tỷ đồng.Trong đó số dư tiền chiếm tới 627 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Giá trị sổ sách thời điểm hiện tại của Kim Long là 12.489 đồng/cp. Trên cơ sở thận trọng và trung thực khi thanh lý các tài sản của công ty để giải thể, HĐQT ước tính giá trị thị trường của các tài sản này có thể chỉ đạt khoảng 85% đến 90% giá trị sổ sách (mức chiết khấu khoảng 10% đến 15%). Vì vậy, giá trị thanh lý của mỗi cổ phiếu được ước tính vào khoảng 10.615 đồng- 11.240 đồng/cp tức là cao hơn giá cổ phiếu KLS đang niêm yết trên sàn (đạt mức 9000 đồng/cp).

“Tại KLS, tôi tin rằng, quyết định giải thể là tốt nhất cho các cổ đông. Mỗi người có một góc nhìn riêng, tùy theo vị trí và lợi ích của mình. HĐQT KLS cố gắng tiếp cận theo góc nhìn của những người có lợi ích liên quan trực tiếp đến KLS, đó là các cổ đông, là người lao động, là đối tác, khách hàng, các cơ quan liên quan. Tôi tin rằng, những người có trách nhiệm, lợi ích liên quan sẽ chia sẻ, thông cảm và ủng hộ quyết định của chúng tôi”, ông Nam khẳng định.

Từng muốn xin chuyển đổi

Hẳn dư luận còn nhớ cách đây 5 năm ngày 3/3/2011, cũng chính HĐQT KLS từng công bố phương án trình Đại hội đồng cổ đông KLS ngày 19/3/2011 về việc chuyển đổi từ Công ty Chứng khoán Kim Long thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long.

Theo mong muốn khi đó, KLS không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán nữa, nhưng vẫn kế thừa tất cả những thế mạnh đó, ngoài ra KLS sẽ kinh doanh bất động sản.  Tuy nhiên tại đại hội cổ đông năm đó, ý kiến của HĐQT Kim Long đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của khá nhiều cổ đông. Đồng thời, một phát sinh bất ngờ xảy đến khi luật sư Trần Vũ Hải phát hiện, Luật Chứng khoán hiện hành không cho phép một CTCK đang hoạt động bình thường được chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán để chuyển sang hoạt động kinh doanh khác.

Năm 2010, KLS gần như trở thành công ty rủng rỉnh nhất thị trường với Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 làm xôn xao giới đầu tư khi số tiền “tích trữ” lên đến gần 1.800 tỷ đồng (vốn có được từ nguồn tăng vốn do cổ đông nộp tiền mặt vào). Lập tức, KLS được thị trường mệnh danh là “Vua tiền mặt”. Tuy nhiên, với TTCK làm ăn ngày càng khó khăn, suốt 5 năm qua, KLS vẫn không phát triển được các nghiệp vụ trong kinh doanh chứng khoán. Doanh thu từ lãi tiền gửi vẫn chiếm áp đảo tới 80-90% cơ cấu doanh thu của KLS.

Cụ thể hơn, năm 2015, KLS lỗ 68,39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2014, công ty lãi 145 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính tới hết năm 2015 của KLS là 66 tỷ đồng. Trở lại câu chuyện xin giải thể, lãnh đạo CTCK đã rất buồn khi cho biết sau nhiều trăn trở, HĐQT quyết định trình Đại hội đồng cổ đông phương án giải thể KLS. “Đây là một quyết định khó khăn, nhưng tôi tin điều này cũng là ý nguyện của đa số cổ đông”, ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch KLS cho hay.

Cũng theo ông Nam, hiện mọi việc đã được chuẩn bị chu toàn. Sau khi phương án giải thể được ĐHĐCĐ thông qua, Cty sẽ thực hiện công bố thông tin và thông báo đến từng chủ nợ về việc giải thể theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ làm việc với từng chủ nợ để tiến hành thanh toán và quyết toán các khoản nợ có liên quan. Khoản phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán sẽ tự động được tất toán khi Cty ngừng hoạt động giao dịch chứng khoán và hoàn tất quá trình thanh toán giao dịch T + 2 theo quy định hiện hành. Các khoản tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng sẽ được Cty hoàn trả cho khách hàng khi tất toán tài khoản giao dịch chứng khoán.

Sáng 11/4, Bộ phận tư vấn đầu tư CTCK Dầu khí PSI đưa ra lời khuyên: giá trị hiện tại ước tính mỗi cổ đông sẽ nhận được là 10.600 đồng đến 11.200 đồng/cp; hiện thị giá của KLS đang dao động trong vùng 8.000 - 9.000 đồng/cp. Theo kinh nghiệm từ tiền lệ giải thể của cổ phiếu CSG năm 2012, dự kiến mất khoảng 6 - 9 tháng kể từ khi ĐHCĐ thông qua. Trường hợp mua KLS ở mức giá 9.000 đồng hiện tại, NĐT sẽ có mức LN dự kiến là khoảng 22%/ 6 - 9 tháng đầu tư. Trong trường hợp mua KLS ở mức giá 8.000 đồng, NĐT sẽ có mức LN dự kiến khoảng 37%/ 6 - 9 tháng giữ. Bộ phận TVĐT cho rằng nên canh mua KLS ở các mức giá dưới 9.500 đồng/cp. Mua càng thấp càng tốt. Trường hợp khách hàng là người đã nắm giữ KLS, TVDT cho rằng không nên bán quá thấp.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.