Trên đường phố, một cụ ông trong lúc đứng chờ được nhìn đoàn xe đã ngất đi vì trời nóng, nhưng vẫn không chịu ra về.
Dòng người áo đen thương nhớ
Một số nghiên cứu sinh đang theo học ở Viện Công nghệ châu Á (tỉnh Pathumthani giáp thủ đô Bangkok) có mặt gần Đại hoàng cung cho phóng viên Tiền Phong biết, rất đông người dân Thái Lan, nhiều nhất là trung niên và thanh niên, mặc quần áo đen ngồi trật tự hai bên hè phố chờ đoàn xe chở linh cữu Nhà vua Bhumibol Adulyadej đi qua. Phần lớn mặc áo phông đen, mang theo ô màu đỏ hoặc vàng, ôm ảnh Nhà vua Bhumibol Adulyadej. Ở đoạn đường gần chùa Phật Ngọc, hàng nghìn người ngồi hoặc quỳ kín hai bên đường. Nhiều người thổn thức, chắp tay lầm rầm cầu khấn, hoặc lặng lẽ cúi đầu, đốt hương vái lạy khi đoàn xe xuất hiện trong tầm mắt.
Người bạn chung của nhóm nghiên cứu sinh, nữ phóng viên Thái Lan Pichcharporn, nói: “Tôi chưa tới Việt Nam, nhưng qua báo chí, tôi biết rằng, người dân Việt Nam rất tôn kính Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Giống như chúng tôi sùng kính Nhà vua Bhumibol Adulyadej vậy”. Linh cữu Nhà vua Bhumibol hôm qua được chuyển từ bệnh viện Siriraj về chùa Phật Ngọc trong Đại hoàng cung. Tối cùng ngày, Hoàng Thái tử tiến hành nghi lễ tắm rửa cho thi thể Nhà vua theo nghi thức Phật giáo truyền thống ở Thái Lan, cô Pichcharporn cho biết.
Tất cả người dân Thái Lan được yêu cầu mặc áo đen và tránh những hoạt động vui chơi giải trí trong thời gian này. Các chương trình chiếu phim, ca nhạc, sự kiện thể thao đều đã bị hoãn hoặc hủy. Giao diện các báo điện tử Thái Lan đều đã chuyển sang màu đen và trắng, tất cả kênh truyền hình nước này đều đang chiếu các chương trình về cuộc đời vị vua hưởng thọ 88 tuổi.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh Paweenpon Purahong, một luật sư đang làm việc tại Bangkok, cho biết, người dân Thái Lan coi Vua Bhumibol như á thần. Ảnh của ông được đặt ở nơi trang trọng nhất trong các gia đình, cửa hàng, văn phòng, nhà xưởng, sân bay… Ngay cả trong rạp chiếu phim, bài hát về ông được xướng lên trước khi bất kỳ bộ phim nào được chiếu. Vua Bhumibol đi vào trái tim người dân vì những nỗ lực không mệt mỏi để giúp người nghèo ở nông thôn, với những dự án phát triển nông nghiệp hiệu quả, cũng như những đóng góp cho hoạt động từ thiện. “Chúng tôi không phải nước tốt nhất trên thế giới, nhưng chúng tôi có Nhà vua tốt nhất thế giới. Ông ấy đã thay đổi Thái Lan suốt 70 năm qua - gần như bằng cả cuộc đời của một con người”, Nuk Traivorakul, một cư dân mạng Thái Lan, viết trên Facebook. Vua Bhumibol cũng được coi là yếu tố ổn định ở một đất nước thường xuyên hứng chịu bất ổn chính trị.
Dù chế độ quân chủ lập hiến có quyền lực rất hạn chế nhưng nhiều lần Nhà vua Bhumibol Adulyadej dùng đạo đức, uy tín cá nhân để giải quyết những cuộc khủng hoảng chính trị đe dọa ổn định đất nước. Ông được coi là yếu tố bình ổn và thống nhất giúp Thái Lan vượt qua nhiều cuộc đảo chính và 20 lần sửa đổi hiến pháp. Một ví dụ thể hiện uy tín và đạo đức của Vua Bhumibol vẫn được nhiều người kể lại là vào năm 1992, khi làn sóng biểu tình đòi dân chủ và sự đàn áp của quân đội dường như sắp vượt khỏi tầm kiểm soát, ông triệu tập Tướng Suchina Kraprayoon, lãnh đạo chính quyền quân sự, và thủ lĩnh dân sự tham dự chương trình truyền hình trực tiếp trong đêm muộn. Trong chương trình, hai người đàn ông này đã quỳ dưới chân Vua Bhumibol để nghe ông mắng: “Các ông không làm theo người dân. Các ông nói về dân chủ nhưng không hành động vì dân chủ”. Cuộc gặp này đã đẩy lùi được đối đầu, mở đường cho bầu cử…
Tương lai đáng lo
Vì Vua Bhumibol đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì cân bằng quyền lực trong môi trường chính trị dễ biến động ở Thái Lan, nên việc ông qua đời và vị Hoàng Thái tử kế vị không được nhiều người biết đến có thể gây ra thách thức lớn đối với chính quyền quân sự hiện nay, giới quan sát nhận định. Họ cho rằng, sau nỗi đau buồn ngập tràn này, người Thái Lan có thể sẽ phải tiếc vì trong suốt 70 năm qua đã không chuẩn bị cho thực tế rằng, Vua Bhumibol không thể sống mãi.
Thái Lan được đánh giá là có tiềm năng kinh tế lớn nhưng những chia rẽ sâu sắc về chính trị và xã hội thường trực đe dọa sự đoàn kết toàn dân. Sự ra đi của Vua Bhumibol đưa quân đội Thái Lan trở thành lực lượng cầm quyền thực tế, không còn tấm áo khoác bảo vệ hoàng gia để che đi những hạn chế của mình, nhiều nhà phân tích nhận định.
“Đức vua Bhumibol Adulyadej đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết người dân Thái Lan trong suốt 70 năm cầm quyền của mình. Trong nhiều trường hợp, ông là người đã hòa giải các lực lượng chính trị mâu thuẫn nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho đất nước, tiêu biểu như trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 1992. Uy quyền đạo đức của ông cũng như sự kính trọng từ người dân chính là sức mạnh giúp ông có thể thực hiện được sứ mệnh này, điều mà không một chính trị gia bình thường nào của Thái Lan có thể làm được”, TS Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 14/10.
“Chính vì vậy, sự ra đi của ông mở ra nhiều câu hỏi về tương lai của nền chính trị Thái Lan. Liệu nhà vua mới có đủ khả năng để tiếp tục duy trì sự gắn kết của đất nước vốn luôn bị chia rẽ thời gian gần đây hay không là một câu hỏi quan trọng”, TS Hiệp nói. Nhà nghiên cứu này cho rằng, tương lai của chính quyền quân sự cũng như bản hiến pháp mới do chính quyền quân sự hậu thuẫn cũng là một điều mà các nhà quan sát sẽ phải chú ý. Một nguyên nhân chính khiến người dân không phản đối chính quyền quân sự thời gian qua là các tướng lĩnh cầm quyền tuyên bố rằng, một trong những mục đích nắm quyền của họ là bảo vệ Hoàng gia và vai trò của Nhà vua Bhumibol Adulyadej trước mối đe dọa của các lực lượng dân chủ. Vì vậy, sự ra đi của Nhà vua Bhumibol Adulyadej sẽ đặt ra những thách thức cho tính chính danh của chính quyền quân sự và có thể mở ra một thời kỳ bất ổn mới đối với nền chính trị Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thông báo, Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, sẽ kế vị. Nhưng người con trai duy nhất của Vua Bhumibol muốn có thêm thời gian để tang. Nhiều người cho rằng, Hoàng Thái tử không giống cha về tính cách, không được tôn kính nhiều và không có năng lực hàn gắn cao như Nhà vua Bhumibol. Ba lần ly hôn, Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn chủ yếu sống ở Đức cùng một cựu tiếp viên hàng không. Từng có nhiều câu chuyện không hay về ông được người ta truyền tai nhau, nhưng luật khi quân, phạm thượng khiến chúng không được đưa lên báo chí.
Lãnh đạo Việt Nam chia buồn
Được tin Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời, lời chia buồn từ khắp thế giới dồn dập gửi đến Thái Lan. Ngày 14/10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng gửi Điện chia buồn đến Hoàng hậu Sirikit, Hoàng gia, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Quốc gia Pornpech Wichitcholchai. “Qua 70 năm trị vì anh minh của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, Vương quốc Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và người dân Thái Lan có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhà vua qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn với Hoàng hậu, Hoàng gia, nhân dân Thái Lan nói riêng và cộng đồng người dân ASEAN nói chung. Là nước láng giềng gần gũi và đối tác chiến lược của Thái Lan, Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp tích cực của Nhà vua trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong những năm qua. Chúng tôi tin tưởng rằng, Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Thái Lan sớm vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục đưa Thái Lan phát triển mạnh mẽ như mong ước của Nhà vua”, bức điện viết. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi Điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai.