Sau tuồng, chèo là cải lương
Thời gian qua, sân khấu tuồng, chèo đua nhau dựng vở về Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhà hát Cải lương Việt Nam sau khi có được kịch bản của TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo-Ban Tôn giáo Chính phủ, đã huy động nguồn vốn xã hội hóa và bỏ hơn hai tháng dựng vở. NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên thông báo tại gặp gỡ chiều 17/11: ê kíp đang ở những ngày nước rút để hoàn thiện, chuẩn bị cho ba đêm ra mắt 23, 24 và 25/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
Tác giả kịch bản văn học, TS Bùi Hữu Dược nói, ông viết câu chuyện xuất phát từ sự thật học trò đang chán ghét môn Sử, người Việt quên dần giá trị truyền thống. “Tôi muốn các em học sinh hiểu đây là vị vua anh minh, độc đáo. Khác nhiều quân vương thời phong kiến, Trần Nhân Tông không chỉ là vua anh minh, ông muốn dựng đạo tạo đời”, tác giả nói.
Đạo diễn chia sẻ, từng xem một vài bản diễn về Trần Nhân Tông, nhưng mỗi người có cách xử lý khác nhau. Vở tuồng Phật hoàng Trần Nhân Tông chẳng hạn, đạo diễn vân để ngài mặc bộ y màu vàng, đội mũ mang tính ước lệ, những thứ đó tuồng được phép. “Cải lương là loại hình dân tộc hiện đại, phải đảm bảo yếu tố chân thực khi xây dựng nhân vật. Ngoài xây dựng thế giới nội tâm tư tưởng của ngài, cũng phải tham khảo ý kiến của Giáo hội Phật giáo, các nhà sư, nhà cố vấn rất kỹ, và có được hình ảnh tạm được các thầy chấp nhận”, ông Kiên nói.
Vua Phật kể về cuộc đời Trần Nhân Tông từ lúc còn là Thái tử, lên ngôi vua trị vì đất nước, sau thấy con trai Trần Anh Tông đủ năng lực lãnh đạo đất nước, ngài nhường ngôi để theo con đường tu hành. Đạo diễn nói câu chuyện về Vua Phật giản dị, chân thành được làm với cái tâm trong sáng. Anh không sử dụng thủ pháp gì, nhưng để tạo nên sự hấp dẫn cho vở diễn thì đây là sự tổng hòa của nhiều ngôn ngữ từ mỹ thuật, múa và âm nhạc. “Sau khi xem sơ duyệt, các thầy tương đối hài lòng về cách xây dựng Trần Nhân Tông”, ông Kiên nói.
Quy y, ngồi thiền để diễn
Minh Hải vào vai Trần Nhân Tông thời ngự ngai vàng, còn Quang Khải thể hiện phần hai khi ngài trút bỏ hào quang để theo nghiệp tu hành. Quang Khải nói anh chịu áp lực lớn, nhiều lúc hoang mang không thể tập vở. “Tôi không biết phải thể hiện Phật hoàng như thế nào. Cuộc sống hiện đại hối hả, con người rất vội vã, nhập vai Phật hoàng bắt buộc phải điều chỉnh trạng thái về không”, anh nói.
Diễn viên trẻ Minh Hải cũng lo lắng không kém. Ngoài kiến thức tìm trên mạng như các vai diễn thông thường, anh tự tìm hiểu về thiền, nghe thầy giảng pháp để hiểu hơn về Phật giáo. Anh nói, tối về cũng thử ngồi thiền để cảm vai diễn hơn. Nghe nói, bạn diễn Quang Khải quy y khi tập vở này, giờ thành Phật tử.
Đạo diễn kể, có lúc phải cho đoàn ngừng tập, ngồi nói chuyện để diễn viên bình tĩnh. “Phải làm họ hiểu rất rõ về nhân vật, trong đó có cả việc ép diễn viên có được ánh mắt của một thiền sư. Tôi nói bạn phải có cái tâm của một thiền sư trong mình, sau đó mới toát ra thần thái và ánh mắt nhìn bao dung được”. Đạo diễn cũng nói bám rất sát kịch bản văn học, bởi tác giả nghiên cứu rất sâu, có lý giải mới về Trần Nhân Tông khá thú vị.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá vở cải lương là sự kiện, ngoài đề tài còn đề cập nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa, niềm tự hào của dân tộc. “Vua Phật có ý nghĩa quan trọng, về tinh thần khoan dung của một vị vua anh minh, trí tuệ, tinh thần nhập thế - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam. Kịch bản thể hiện được di sản về trí tuệ tinh thần, vật chất của đức vua”, Thượng tọa nói. Tác giả kịch bản cho rằng, những người dựng vở này không chỉ để vinh danh Trần Nhân Tông, mà để cả xã hội học tập công hạnh của ngài, để đất nước ta tự cường, độc lập hơn.
Hơn 2.000 vé của ba đêm diễn đều không thu tiền, theo tinh thần huy động nguồn vốn xã hội hóa, mong muốn đông khán giả tiếp cận nhất với vở diễn. Sau các đêm công diễn, Vua Phật được phát toàn quốc ở chương trình Nhà hát truyền hình, cắt bỏ 50 phút so với bản sân khấu 150 phút.