Vua đào Nhật Tân trên cao nguyên

Đào Nhật Tân nở hoa trên cao nguyên đúng dịp Tết.
Đào Nhật Tân nở hoa trên cao nguyên đúng dịp Tết.
TP - Hoa đào Nhật Tân danh tiếng đang bung nở rực rỡ tại các vườn đào ở huyện Lâm Hà - vùng kinh tế mới Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng. Nhờ vậy mà những người con của thủ đô sống xa quê hàng ngàn cây số được hưởng thú chơi đào Nhật Tân tao nhã để vợi bớt nỗi nhớ nhà.

Ngắm đào khủng cả trăm triệu đồng mỗi cây

Lớn nhất và đặc sắc nhất là vườn đào của nghệ nhân Chu Văn Lợi ở tổ dân phố Đông Anh 1, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Khu vườn rộng 3.500m2 này có trên 500 gốc đào. Vụ Tết Mậu Tuất 2018 sẽ tung ra thị trường hơn 50 gốc đào thế tuyệt đẹp và khoảng 400 cành đúng chuẩn đào Nhật Tân: tán tròn, dăm khá  nhiều, nụ dày và đều, hoa đang nở lác đác. “Nước hoa, nước nụ như thế này thì đến 25 tháng giêng cũng chưa hết hoa”, ông Lợi quả quyết.

Vua đào Nhật Tân trên cao nguyên ảnh 1

Cuộc nói chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi vườn nhà ông Lợi tấp nập người đến tham quan và hỏi mua hoa. Ông luôn miệng giải thích với khách rằng khoảnh vườn này nhà buôn ở Đà Lạt đã đặt mua hết rồi. “Mình bán 200 ngàn đồng/cây bất kể cây lớn hay cây nhỏ. Thực tế với những cây to và đẹp, thương lái bán lẻ được 600-700 ngàn”, nghệ nhân tiết lộ.

“Hiện vườn của tôi chỉ còn đào thế để bán hoặc cho thuê thôi”, ông quay sang bảo với khách hàng. Giá cho thuê từ 1,5 đến 15 triệu đồng mỗi cây, còn giá bán thường là gấp đôi hoặc gấp ba lần giá cho thuê. Khi khách hỏi thuê cây đào “cổ thụ” khoảng 30 năm tuổi với đường kính gốc lên tới 15cm, dáng thế rất đẹp, ông nói đã cho một ngân hàng thuê với giá 15 triệu đồng rồi (nếu bán phải 50 triệu đồng). Cây này vốn là đào rừng bản địa Lâm Đồng và tôi đã ghép mầm đào Nhật Tân vào nên bộ rễ rất khỏe, hoa đẹp và đều, màu hồng thắm. Bên cạnh là cây đào nguyên bản Nhật Tân 20 năm tuổi, sắc hoa rực rỡ.

Góc ngoài cùng của khu vườn có cặp đào lão “khủng” mà ông  tiết lộ có giá lên tới 200 triệu đồng. “Cặp đào này do một giám đốc ở Nha Trang gởi cho tôi chăm sóc với tiền công 20 triệu đồng. Có một thực tế là dẫu có mua đứt cây đào thì ra giêng, khách hàng cũng mang đến cho chúng tôi chăm sóc bởi nếu không chăm đúng cách, năm sau đố ra hoa được”, ông khẳng định và cho biết thêm: Tùy theo giá trị mỗi cây, tiền công chăm từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng một năm. Chỉ làm phép tính cộng đơn giản cũng đủ thấy chỉ vụ Tết này, ông Lợi thu về hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ chủ vườn mà ngay cả những người phải bỏ tiền triệu ra mua hoa cũng có vẻ mặt vô cùng mãn nguyện. Chú Nguyễn Văn Hải kể quê ở làng đào ven sông Hồng. Chú đưa cả gia đình vào đây làm kinh tế mới từ năm 1980. Thời gian đầu, mỗi khi Tết đến lại quay quắt nhớ hoa đào Nhật Tân. Có năm phải lấy giấy cắt thành những đóa hoa rồi nhuộm phẩm hồng để ngắm và mường tượng làn sương mong manh trên cánh đồng hoa đào Nhật Tân… Từ khi xuất hiện những vườn hoa Nhật Tân ở thị trấn Nam Ban, năm nào cũng vậy, cứ vào tầm này, tôi lại đến ngắm cho thỏa thích rồi mua một cành về thắp hương cúng tổ tiên và trang trí nhà cửa vì có đào mới có không khí Tết”.

Mặc dù đã được giải thích là nhà buôn đặt mua hết rồi nhưng cụ Phạm Văn Mười ngoài 70 tuổi cứ đi theo ông Lợi nài nỉ để mua cho được cành đào Nhật Tân mà cụ đã “nhắm” sau khi rảo khắp vườn. Cụ tâm sự từ Hà Nội vào sống ở Đà Lạt hơn 40 năm rồi. Người Đà Lạt cũng trồng đào Nhật Tân nhưng đa phần là đào ghép chứ không có nhiều cây nguyên bản như khu vườn này.

Khi biết cụ đã chạy xe máy hơn 20km vượt đèo Tà Nung để tìm xuống tận đây, ông Lợi liền điện thoại cho nhà buôn thỏa thuận giá để giúp cụ thỏa nguyện. Cụ Mười mừng quýnh, tâm sự: “Mình vốn người làng Nhật Tân, ngày Tết không nhìn thấy cây đào trong nhà, nó cứ thế nào ấy! Mình sẽ đặt cây đào này ở nơi đắc địa nhất”.

Người “ép” đào Nhật Tân nở đúng Tết

Như vui lây với niềm vui của cụ Mười, ông Lợi trở nên mặn chuyện hơn. Ông kể năm 1997 từ Hà Nội vào Lâm Đồng thăm anh ruột là Chu Văn Toán. Gia đình anh ấy đi kinh tế mới từ năm 1980. Nhà của anh có trồng mấy cây đào Nhật Tân lá sum suê tươi tốt. Anh bảo “mang từ ngoài Bắc vào đây chơi Tết. Chơi xong trồng xuống luôn. Cây khỏe nhưng chẳng thấy ra hoa!”. Gia đình tôi mấy đời trồng đào nhưng anh Toán lúc trẻ đi học rồi thoát ly, không ở nhà nên không được bố dạy cách trồng đào gia truyền. Còn tôi từ lúc 10 tuổi đã quấn chân bố hỏi đủ thứ, càng lớn càng có năng khiếu nên được bố truyền nghề cho.

Nhìn qua mấy cây đào của anh Toán, tôi nghĩ chắc do chăm sóc không đúng cách chứ với khí hậu, thổ nhưỡng như ở Nam Ban là có thể trồng đào Nhật Tân. Tôi “ngứa nghề” ở lại thời gian dài để chăm. Ngay Tết năm đó, mấy cây đào của anh tôi trổ hoa rất đẹp khiến người dân thị trấn Nam Ban và vùng lân cận xôn xao. Từ đó tôi cảm nhận cây đào Nhật Tân có ý nghĩa thế nào với những người con xa quê. Không đơn thuần chỉ vì mê đào mà còn là nỗi tư hương, niềm hoài thức về Hà Nội.

Đến năm 2000, tôi quyết định đưa vợ con vào sinh sống ở Lâm Hà, mang theo 50 gốc đào Nhật Tân. Vốn quen sống trên đất bãi, vào mùa xuân có nhiều sương và gió se se lạnh từ sông Hồng thổi về nên khi đến miền cao nguyên nắng gió, hoa nở không đúng vụ, màu nhạt, cánh cũng không đủ độ dầy... Trầy trật mất 2 năm nhưng rồi nghệ nhân thứ thiệt gốc Nhật Tân với 30 năm kinh nghiệm cũng đã “ép” cho hoa nở đúng Tết, độ lớn và độ thắm của hoa cũng một chín một mười với hoa đào trồng ở xứ Bắc; đặc biệt cây hội đủ 3 chỉ tiêu vừa có quả, có hoa lại vừa có lộc (lá), điều mà ngay cả khi trồng ở làng hoa Nhật Tân cũng khó đạt được.

“Bí quyết ư ?”, không một chút đắn đo, ông Lợi tiết lộ ngay: Cách Tết một tháng phải tưới phân cá. Có hơi mất vệ sinh một chút nhưng như thế thì hoa mới đẹp. Hoa cũng như con người, phải có dinh dưỡng, có chất đạm để “đỏ da thắm thịt”. Phải học cách canh thời gian thích hợp để vặt chồi, tỉa cành và có con mắt tinh tường nhằm chỉnh đúng dáng cho cây (huyền, xà hay trực) thì cây mới có hồn. Nếu cây dáng trực mà bẻ huyền hoặc xà thì hỏng rồi. Người giỏi phải uốn cây đào sao cho đứng góc nào nhìn cũng đẹp. Với những năm nhuận như 2017 phải hãm bớt thời gian sinh trưởng của cây, tránh hoa nở trước Tết…

“Nhiều người cho rằng đào Nhật Tân trồng tại thị trấn Nam Ban đẹp hơn ở thành phố Đà Lạt. Chú thấy thế nào?”, tôi hỏi. “Không đẹp, không có sức cạnh tranh thì sao có thể bán ra hai thị trường khó tính, sành chơi hoa như Đà Lạt và TPHCM kia chứ? Nam Ban không quá cao, quá lạnh và biên độ nhiệt trong ngày cũng không chênh lệch lớn như ở Đà Lạt nên cây đào cứng cáp, cánh hoa dầy dặn và thắm sắc hơn”.

Trong khi nhiều người trồng đào ở phía Bắc và ngay cả ở tỉnh Lâm Đồng đang âu lo vì hoa đào nở rộ trước Tết Nguyên đán 2018 thì tại Nam Ban, ông Lợi bình chân như vại. Ông đã ép “nàng” hoa nở theo ý muốn. Vườn của ông có 3 loại đào nổi tiếng là đào Bích, đào Liễu, đào Hồng. Ngoài ra còn có bạch đào, nhất chi mai… 

MỚI - NÓNG