PV: Được biết, vụ Trịnh Sướng làm xăng giả, nhiều đoàn kiểm tra đã vào cuộc nhưng không phát hiện ra sai phạm, khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che cho sai phạm?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay, cơ quan công an chưa công bố hai cơ sở của Trịnh Sướng ở Mỹ Xuyên là xăng giả, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Sai phạm này như là một tổ chức, không chỉ diễn ra trên địa phận Sóc Trăng. Nói đã kiểm tra rồi mà công an vào kiểm tra, phát hiện ra sai phạm là không đúng.
Những vi phạm của đại gia Trịnh Sướng đã diễn ra lâu rồi mà bây giờ mới được phát hiện. Khi Trịnh Sướng tài trợ cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đi nước ngoài, dư luận nghi ngờ việc bảo kê, chống lưng cho đại gia Trịnh Sướng?
Không nên chụp mũ, không được tư duy người ta có tội, phải thực hiện theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Cơ quan nhà nước kiểm tra định kỳ và đột xuất mà không phát hiện có nghĩa là thủ đọan của họ rất tinh vi, không thể nói là thiếu trách nhiệm. Nhưng vụ việc này đã từng kiểm tra, phát hiện sai phạm và phạt 50 triệu đồng. Theo luật về xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt 50 triệu đồng là số tiền rất lớn, gần như kịch khung.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã nhận trách nhiệm, trước tiên là Sở Công Thương, Sở KH&CN, quản lý thị trường và cơ quan thuế.
Chúng ta hãy nhìn Trịnh Sướng cũng giống như Minh Phú, Phương Nam… Họ là những doanh nghiệp doanh nhân, có tài trợ, đóng góp thì là hảo tâm của họ. Phải tách bạch vấn đề ra, họ làm đúng thì suy tôn, chứ đừng kỳ thị kinh tế tư nhân.
Công Thương là cơ quan đầu mối về quản lý thị trường xăng dầu, ông thấy sao về trách nhiệm quản lý ngành?
Về phía địa phương, Phó chủ tịch tỉnh đã nhận khuyết điểm về quản lý nhà nước. Nghĩa là công tác hậu kiểm, công tác quản lý có vấn đề nên không phát hiện ra được. Như vậy cũng phải xem lại với tư cách cơ quan lập pháp, phải lắng nghe ý kiến cơ sở để nghe việc tạo điều kiện hậu kiểm cho các cơ quan đã phù hợp chưa, làm thế nào để nâng cao chất lượng.
Về phía Bộ Công Thương, phải xem lại quy định nhập các phụ gia ở Nghị định, Thông tư nào. Vì nhập phụ gia về sản xuất theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì không phải là mặt hàng cấm. Khi doanh nghiệp có yêu cầu nhập, họ nộp thuế, báo cáo tài nguyên môi trường…thì có quyền nhập. Ở đây, trách nhiệm của doanh nghiệp là chủ yếu, họ nhập về và cố tình sử dụng sai mục đích. Đây là một tình tiết tăng nặng trong việc xem xét tội danh của họ.
Chúng ta phải tách biệt phần quản lý nhà nước và quản lý tại địa phương. Với tư cách người có chuyên môn thì phải dự báo được sản phẩm nhập về làm được gì, nếu cần thì hậu kiểm việc họ nhập về làm gì, bán cho ai… Chỗ này thì ta đang yếu, vì chưa có bộ phận chuyên trách.
Cần phải chờ khi vụ án kết thúc, các cơ quan liên quan ngồi lại với nhau để xem cần chỉnh sửa chỗ nào. Khi cơ quan điều tra chưa kết thúc thì chưa thể kết luận cả khâu trong chuỗi mắt xích quản lý nhà nước về chất lượng, thị trường xăng dầu…có vấn đề.
Vậy có lỗ hổng nào trong quản lý, kiểm soát hàng giả trên thị trường của lực lượng chuyên môn?
Xăng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng xăng giả vẫn tồn tại. Đây là mặt trái của kinh tế thị trường và chúng ta phải chấp nhận. Nếu không thì quay lại thời kỳ độc quyền ngoại thương của kinh tế tập trung bao cấp trước đây sẽ không có xăng giả. Chúng ta phải từng bước xây dựng cơ chế giám sát hàng giả, gian lận thương mại.
Xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và hiện có 7 đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Hiện nhà nước pháp quyền có những vấn đề bức xúc, nhưng phải tôn trọng luật, làm theo luật. Làm chậm thì năng lực chuyên môn yếu, chưa đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn thì chúng ta nhận.
Phải nói thẳng, để bắt trực tiếp quả tang là rất khó. Và giờ bắt được rồi thì chờ cơ quan điều tra kết luận, hổng khâu nào thì khắc phục khâu đó.
Bên cạnh đó, ngay người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm. Hệ thống chính sách cũng phải làm để người dân có trách nhiệm, như bỏ hoá đơn 3 liên, tăng sử dụng hoá đơn điện tử.
Đây là sự việc kinh tế thì phải có giải pháp đồng bộ về kinh tế. Các giải pháp pháp luật chỉ là giải pháp hỗ trợ. Giữa ý tưởng thực hiện và thực tiễn khách quan bao giờ cũng có khoảng cách.
Cảm ơn ông !