Vụ thử bom bẩn hạt nhân bí mật của Mỹ

Vụ thử hạt nhân của Mỹ tại Nevada năm 1953. Ảnh: ctbto.org
Vụ thử hạt nhân của Mỹ tại Nevada năm 1953. Ảnh: ctbto.org
Những quả "bom bẩn" được thiết kế để phát tán phóng xạ thay vì gây nổ lớn tưởng như chỉ có trên phim, nhưng trên thực tế quân đội Mỹ từng tìm cách biến nó thành vũ khí thực sự.

Theo National Interest, năm 1952, lực lượng tác chiến trong lòng đất của quân đội Mỹ đã tiến hành ít nhất hai vụ thử nghiệm bom bẩn tại Khu thử nghiệm Dugway, bang Utah. Có tên mã E-83, bom thử nghiệm chứa hơn 30 kg chất tantan 181 dưới dạng viên nhỏ, bọc xung quanh một khối chất nổ cực mạnh.

Bom bẩn là thiết bị phát tán phóng xạ (RDD), cấu tạo gồm chất phóng xạ và chất nổ thường. Mục đích của nó là gây ô nhiễm khu vực xung quanh vụ nổ bằng các chất phóng xạ, có thể gây ảnh hưởng đến dân thường. Bom bẩn khác với bom hạt nhân. Bom hạt nhân giải phóng năng lượng khiến sức công phá của vụ nổ rất lớn.

Các chi tiết về vụ thử bom bẩn được ghi lại trong một báo cáo của các kỹ thuật viên: "Cấu tạo chất nổ gồm khoảng 75% bụi tantan và 25% dây đồng nguyên chất để tạo sự gắn kết. Hỗn hợp được nén trong các viên hình trụ. Mỗi viên có đường kính và chiều dài gần 8mm.

Các viên này được đặt vào những ống nhôm tại Phòng thí nghiệm Hóa chất và Phóng xạ, bang Maryland và vận chuyển tới Oak Ridge, bang Tennessee. Tại đây vật liệu được chiếu xạ trong một khoảng thời gian nhất định để tạo ra mức phóng xạ 3-5 curie trên khoảng 450 g. Những ống này sau đó được chuyển tới Khu thử nghiệm Dugway, trên các container sắt bọc chì.

Các nhà khoa học sử dụng đơn vị curie - được đặt theo tên hai nhà vật lý hạt nhân tiên phong Pierre và Marie Curie - để đo đạc mức độ phân rã phóng xạ. Khi các thành phần phân rã, chúng tạo ra các tia có khả năng gây nguy hiểm như alpha, beta hoặc gamma.

Một người bình thường sản sinh tự nhiên ra khoảng 0,1 curie từ nguyên tố kali-40 trong cơ thể. Trong những quả bom hạt nhân đầu tiên, phần lõi của chúng có khoảng hơn 453 g uranium-235 và tạo ra một curie phóng xạ. Vì vậy, nguyên liệu sản sinh ra 3-5 curie như mức nói trên có mức phóng xạ rất cao.

Sau Thế chiến II, Lầu Năm Góc đã giao cho quân đoàn hóa chất của quân đội chịu trách nhiệm điều chế các chất hóa học và sinh học. Tiếp đó đơn vị hóa chất của quân đoàn lập ra ban phóng xạ để nghiên cứu xem liệu những chất này có tạo thành vũ khí hữu ích hay không.

Ngày 20/5/1952, quân đội Mỹ cho nổ thử nghiệm 4 vũ khí tại Dugway. Một quả bom E-83 hoàn chỉnh sẽ chứa nhiều viên tantan nhỏ, cùng những đĩa đẩy bằng thép để bảo vệ các viên này khỏi lõi nổ chính của quả bom. Khi bom nổ, sức công phá sẽ thổi những viên này ra phạm vi rộng nhưng không làm vỡ chúng.

Khi thử nghiệm, thay vì thả bom từ máy bay, binh sĩ Mỹ vận chuyển chúng bằng xe tải tới nhiều địa điểm ở bãi thử Target H tại Dugway. Để bảo vệ các tài xế khỏi bị nhiễm phóng xạ, quân đội Mỹ lắp nhiều tấm khiên bằng chì đằng sau cabin xe.

Sau vụ thử nghiệm, quân đội Mỹ phát hiện ra rằng hình dạng và kích thước của thiết bị nổ không ảnh hưởng lớn đến khoảng cách và địa điểm những viên tantan rơi xuống. Do vậy, họ đề xuất chỉ sử dụng một thiết kế duy nhất và quan sát xem liệu hiệu ứng được tạo ra có tương tự hay không.

4 tháng sau, lực lượng tác chiến mặt đất đã đưa thêm 4 phần quả bom E-83 đã được hiệu chỉnh tới Dugway, cùng với một phần của một loại bom khác có tên E-59. Một lần nữa, quân đội Mỹ lại cho nổ từng thiết bị này.

Họ tỏ ra lo ngại về độ tin cậy của bom bẩn sau khi các viên tantan trong phiên bản mới nhất lại rơi theo cách hoàn toàn khác với thiết kế trong đợt thử đầu. Các lõi chất nổ của ba trong số 5 quả bom thậm chí không hoạt động tốt.

"Thất bại của những kíp nổ được sử dụng trong thử nghiệm này cho thấy có một số lỗi trong thiết kế hoặc quá trình ứng dụng", bản báo cáo thứ hai của các kỹ thuật viên viết.

Không rõ quân đội Mỹ còn tiếp tục thử nghiệm những quả bom bẩn sau thất bại trên hay không. Lầu Năm Góc mới chỉ tiết lộ hai báo cáo về việc này vào năm 2000, trong khuôn khổ một dự án lớn hơn nhằm xác định bao nhiều quân nhân có thể đã phơi nhiễm phóng xạ trong những thử nghiệm tương tự. Thông tin này trước đó được giữ bí mật theo Luật Năng lượng Nguyên tử năm 1946.

Lầu Năm Góc sau đó dường như đã nhanh chóng từ bỏ bom bẩn và chuyển sang những loại bom hạt nhân có sức công phá mạnh hơn. Đến những năm 1960, các nhà khoa học Mỹ và nước ngoài đã phát hiện cách để tạo ra hiệu ứng "gia tăng bức xạ", tương tự như những quả bom hydro nhỏ, hay còn được gọi là bom neutron.

Cũng giống như bom bẩn, bom neutron sử dụng lượng phóng xạ cao có thể gây chết người hoặc khiến nạn nhân bị tê liệt. Với những thiết kế sẵn có đó, ít có khả năng Lầu Năm Góc sẽ quay trở lại thử nghiệm các vũ khí phóng xạ thô sơ hơn như bom bẩn.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.