Vụ tấn công Mátxcơva xảy ra vào thời điểm nhạy cảm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vụ tấn công khủng bố vào nhà hát gần thủ đô Mátxcơva xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, trong bối cảnh tình hình chiến trường Ukraine đang có những thay đổi đáng kể. Một chuyên gia Việt Nam bác bỏ thuyết âm mưu về sự bắt tay ngầm của một thế lực nước ngoài với khủng bố đằng sau vụ tấn công.
Vụ tấn công Mátxcơva xảy ra vào thời điểm nhạy cảm ảnh 1
Lực lượng cứu hoả làm nhiệm vụ ở khu vực nhà hát Crocus City Hall sau vụ tấn công ngày 22/3. (Ảnh: Reuters)

Ngày 22/3, ít nhất 60 người thiệt mạng và 145 người bị thương khi các đối tượng dùng súng tự động tấn công những người dự buổi hòa nhạc tại nhà hát Crocus City Hall, gây ra trong một trong những cuộc tấn công nguy hiểm nhất vào Nga trong nhiều thập kỷ.

Đây là một trong những vụ tấn công tồi tệ nhất xảy ra ở Nga kể từ vụ bao vây trường học Beslan năm 2004, khi phiến quân Hồi giáo bắt hơn 1.000 người làm con tin, trong đó có hàng trăm trẻ em.

PV Tiền Phong có cuộc trao đổi nhanh với chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc về tính chất vụ tấn công.

Ông nhận định như thế nào về thời điểm và bản chất cuộc tấn công?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm rất nhạy cảm đối với cả Nga, Ukraine và phương Tây.

Nga vừa tổ chức bầu cử, trao quyền của Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục lãnh đạo trong nhiệm kỳ 5. Lực lượng Nga vừa triển khai đợt tấn công có thể nói là dữ dội nhất vào thủ đô Kiev của Ukraine. Nga đang tăng cường lực lượng và gần đây tuyên bố đang trong tình trạng chiến tranh. Có vẻ Mátxcơva đang tập trung sức người người sức của cho cuộc xung đột với Ukraine.

Ukraine vừa hứng chịu cuộc tấn công chưa từng có vào Kiev, trong bối cảnh nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn, khó khăn về kinh tế, nhân lực và vũ khí cho chiến trường. Sức mạnh quân sự của Ukraine giảm đáng kể sau những tiêu hao lực lượng trên chiến trường, còn nguồn vũ khí giảm mạnh khi gói hỗ trợ 61 tỷ USD của Mỹ vẫn tắc ở Hạ viện.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine, đội ngũ điều hành chiến trường của nước này đang gặp phải những xáo trộn nhất định, sau khi nhiều tướng lĩnh bị thay thế.

Với Mỹ, chúng ta biết rằng cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Hai vấn đề đối ngoại mà cử tri Mỹ rất quan tâm là cuộc xung đột ở Dải Gaza và cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn bề bộn, chưa có gì khả quan theo mong muốn của Washington. Trong khi đó, kinh tế Mỹ có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri.

Quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở bên kia bờ Đại Tây Dương đang có vấn đề. Có cảm giác NATO đang phân mảnh, dù số lượng thành viên tăng lên. Mỹ dường như không “nắm” được NATO như trước đây, nghĩa là vị thế của Mỹ trong liên minh quân sự này không còn như xưa. Các đồng minh châu Âu dường như đang hợp sức để sẵn sàng đương đầu với kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể không như chờ đợi của Brussels.

Nói thế để khẳng định rằng cuộc tấn công khủng bố ở Mátxcơva xảy ra trong bối cảnh tất cả các bên liên quan đến Nga, Ukraine, Mỹ và Brussels đều đang gặp những vấn đề khó khăn.

Ngay sau vụ này, đây đó có những đồn đoán nói rằng có vẻ Washington đã biết trước Mátxcơva sắp có bất ổn, khi Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva tuần trước đã khuyến cáo công dân của họ tránh nơi đông người. Đây đó có tin đồn rằng có vẻ NATO và Ukraine đang “hợp sức” với lực lượng khủng bố để tấn công Mátxcơva.

Tôi không tin có sự hợp tác tay ba tay tư để tấn công Nga như vậy. Tôi cho rằng Mỹ, NATO và Ukraine không thể làm được việc đó, họ không thể bắt tay những lực lượng khủng bố như IS trong vụ tấn công này, dù Ukraine và phương Tây đang chống Nga. Nếu có chuyện đó, Mátxcơva sẽ phản ứng rất mạnh.

Cần nói thêm rằng, Mátxcơva từng hứng nhiều vụ khủng bố. Nga gặp phải không ít những vấn liên quan đến tôn giáo.

Vụ tấn công Mátxcơva xảy ra vào thời điểm nhạy cảm ảnh 2

Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc. (Ảnh: QĐND)

Cuộc tấn công xảy ra trong bối cảnh Nga đang bận rộn với chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông có cho rằng vụ tấn công nghiêm trọng như vậy sẽ khiến Mátxcơva phân tán nguồn lực, để chú ý hơn đến nhiệm vụ chống khủng bố?

Chiến lược của Nga bấy lâu nay vẫn là chống khủng bố. Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga mở ngày 24/2/2022 cũng nằm trong chiến lược ổn định, chống lại những ý định và kế hoạch làm tổn hại đến an ninh của Nga. Tôi cho rằng mức độ thiệt hại lần này chưa đến mức khiến Nga phải thay đổi chiến lược. Tất nhiên Nga sẽ tăng cường biện pháp, cách phân bổ lực lượng để chú ý hơn đến nhiệm vụ chống khủng bố.

Lực lượng khủng bố ở khắp nơi, lẩn khuất ở bất kỳ chỗ nào, nên xảy ra vụ như vậy không phải điều quá bất ngờ.

Cảm ơn ông.

Mỹ khẳng định đã báo trước cho Nga

Ngày 22/3, hai quan chức Mỹ cho biết, Washington có thông tin tình báo xác nhận IS gây ra vụ tấn công kinh hoàng trong buổi hòa nhạc gần Mátxcơva.

Hai quan chức cho biết Mỹ đã cảnh báo Nga trong những tuần gần đây về khả năng xảy ra tấn công.

Bà Adrienne Watson, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, cho biết: “Đầu tháng này, chính phủ Mỹ nắm được thông tin về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Mátxcơva, có khả năng nhắm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm các buổi hòa nhạc, khiến Bộ Ngoại giao phải đưa ra khuyến cáo công khai với người Mỹ ở Nga”.

"Chính phủ Mỹ cũng chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga theo chính sách về nghĩa vụ cảnh báo lâu nay”, bà Watson nói.

Ngày 8/3, Đại sứ quán Mỹ tại Nga cảnh báo rằng "những kẻ cực đoan" đã lên kế hoạch tấn công Mátxcơva. Vài giờ trước đó, cơ quan an ninh Nga cho biết họ đã phá vỡ kế hoạch của một chi nhánh IS nhằm tấn công giáo đường Do Thái.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.