Vụ siêu mẫu bị bạo hành, nữ sinh phải quỳ: Chuẩn mực ứng xử đáng báo động

0:00 / 0:00
0:00
Văn hóa ứng xử đáng báo động trong loạt vụ bạo hành, bắt nạt trên mạng.
Văn hóa ứng xử đáng báo động trong loạt vụ bạo hành, bắt nạt trên mạng.
TPO - Một loạt vụ việc bạo hành, làm nhục đang gây xôn xao dư luận thời gian qua: người mẫu Khả Trang tố chồng tương lai đánh đập dã man, nữ sinh Thanh Hóa trộm chiếc váy 160 nghìn đồng bị đánh, làm nhục và tung clip lên mạng. Các chuyên gia nhận định đây là tín hiệu đáng báo động về chuẩn mực ứng xử.

Chuẩn mực ứng xử đáng báo động

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định hiện tượng các vụ bạo hành nêu trên là những tín hiệu đáng báo động trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay trước những tác động tiêu cực của mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.

“Điều này chắc chắn không phải là những vụ việc riêng lẻ mà đây là những vấn đề của văn hóa ứng xử, xuất phát từ nhận thức không đúng về chuẩn mực ứng xử nơi công cộng, tại gia đình, sự xuống cấp đạo đức trong một bộ phận xã hội, và việc thiếu định hướng giá trị, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống để điều chỉnh hành vi cho con người trong xã hội hiện nay”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nêu.

Để giải quyết tình trạng trên, ông Bùi Hoài Sơn phân tích cả xã hội nhận thức được những thông điệp từ Hội nghị Văn hoá toàn quốc (hôm 24/11) trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hệ giá trị quốc gia, gia đình và con người Việt Nam, khơi dậy sức mạnh của văn học nghệ thuật trong việc định hướng thẩm mỹ cho con người, tạo điều kiện để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam và phát triển bền vững đất nước.

Vụ siêu mẫu bị bạo hành, nữ sinh phải quỳ: Chuẩn mực ứng xử đáng báo động ảnh 1

Công an điều tra vụ người mẫu bị đánh.

Hỗ trợ nữ sinh vượt qua cú sốc tinh thần

TS. Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên) nhận xét, hành vi lệch chuẩn trong xã hội hiện nay như bạo lực gia đình nhất là đối với phụ nữ, trẻ em hay hiện tượng bắt nạt trên mạng ngày càng phổ biến, thậm chí được lan tỏa nhanh chóng thông qua sự chia sẻ của cộng đồng mạng. Sự chia sẻ này sẽ mang ý nghĩa tích cực nếu nó góp phần điều chỉnh hành vi đó. Ngược lại nếu sự chia sẻ hình ảnh, thông tin thiếu cân nhắc làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Ví dụ gần nhất chính là vụ chủ cửa hàng quần áo Mai Hường (Thanh hóa) tung clip bạo hành, tống tiền nữ sinh lên mạng.

“Ở câu chuyện của cô bé trộm chiếc váy, chúng ta thấy lứa tuổi của cô bé ấy đang cần được giáo dục toàn diện, không chỉ về ứng xử, đối nhân xử thế mà còn là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Lứa tuổi được định hình phong cách cá nhân, mong muốn được thỏa mãn nhu cầu về làm đẹp tuy nhiên có thể hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ dẫn tới hành vi sai lầm. Hành vi lấy trộm chiếc váy là đáng trách, tuy nhiên nếu chủ cửa hàng chọn cách ứng xử hài hòa thì đỡ gây tổn thương cho đứa trẻ hơn”, TS. Tuấn Anh nêu quan điểm.

Trong vụ việc rùm beng ở Thanh Hóa, rõ ràng vợ chồng chủ cửa hàng quần áo đáng trách hơn rất nhiều so với hành vi của đứa trẻ, bởi họ là người trưởng thành, hoàn toàn có thể giải quyết câu chuyện một cách hòa bình, kín đáo hơn. Cô bé đến trả lại đồ, xin lỗi nhưng họ lại lợi dụng điều đó để có hành vi tống tiền, bạo hành, quay lại clip và đưa lên mạng xã hội.

Vụ siêu mẫu bị bạo hành, nữ sinh phải quỳ: Chuẩn mực ứng xử đáng báo động ảnh 2

Hành vi bạo lực, tống tiền nữ sinh của chủ cửa hàng quần áo ở Thanh Hóa gây phẫn nộ.

“Nếu họ giải quyết kín đáo, chấp nhận lời xin lỗi, nhận lại đồ, có sự răn đe một cách nhằm thay đổi hành vi của cô bé thì đó mới là hành động đáng khen, nhưng ngược lại họ đã thể hiện sự vô cảm, vi phạm pháp luật. Cô bé hiện nay được đông đảo người biết mặt, biết địa chỉ cho nên sau cú sốc này không hiểu sẽ tiếp tục sống ra sao, chúng ta không trả lời được nhưng có thể hình dung mức độ nghiêm trọng như sự khép mình, chạy trốn thậm chí nghĩ tới hành vi tiêu cực. Chúng ta cần kịp thời định hướng, hỗ trợ cô bé trong cú sốc này”, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh nêu.

Anh Nguyễn Tuấn Anh cho rằng bên cạnh chế tài nghiêm đối với hành vi sai trái của vợ chồng chủ cửa hàng quần áo, chúng ta cũng cần nghĩ tới giải pháp điển hình để phòng ngừa những trường hợp tương tự xảy ra với trẻ.

“Đối với trẻ vị thành niên, chúng ta cần coi trọng giáo dục nhận thức trong đó không chỉ giáo dục đạo đức, lên án hành vi sai lệch mà cần giáo dục cả về mặt pháp luật. Lứa tuổi vị thành niên dễ mắc sai lầm, vì thế cần dạy các em biết cách nhận lỗi sai, sẵn sàng khắc phục điểm chưa tốt. Tôi hy vọng mọi người có cái nhìn vị tha bao dung để tạo điều kiện cho nữ sinh được trở lại cuộc sống bình thường”, TS. Nguyễn Tuấn Anh nói.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.