Vụ phóng viên báo Tiền Phong bị doạ giết: Bí thư huyện nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan vụ phóng viên báo Tiền Phong bị doạ giết, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, Đắk Lắk cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch xã và Công an xã Ea Ktur xác minh, sáng thứ Hai đầu tuần có báo cáo, giải trình ban đầu.
Vụ phóng viên báo Tiền Phong bị doạ giết: Bí thư huyện nói gì? ảnh 1

Hiện trường khu vực múc đất ở thôn 8, xã Ea Ktur.

Chiều 27/5, ông Lê Thái Dũng - Bí thư Huyện ủy Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đã nắm được sơ bộ thông tin vụ việc phóng viên báo Tiền Phong bị doạ giết qua báo chí.

Theo ông Dũng, Bí thư xã Ea Ktur – nơi xảy vụ việc mua bán, múc đất trái phép mà báo Tiền Phong phản ánh, hiện nay không phải tên Trần Anh Tuấn như người gọi điện trao đổi với nhà báo. Bí thư hiện tại là ông Nguyễn Văn Kiên.

Ông Dũng đã yêu cầu Chủ tịch xã và Công an xã xác minh, sáng thứ Hai đầu tuần có báo cáo, giải trình ban đầu của các đơn vị.

Ngoài ra, Bí thư Huyện uỷ Cư Kuin cho biết sẽ yêu cầu báo cáo, giải trình cả việc có hay không sự đùn đẩy, trì hoãn cung cấp thông tin liên quan, biên bản xử lý vi phạm các cá nhân san lấp, múc đất chở đi nơi khác trái phép cho báo Tiền Phong.

Đối tượng đe doạ có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật

Theo luật sư Vi Văn Diện – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hành động các đối tượng dùng số điện thoại lạ gọi điện “dọa giết mất nòi, mất xác”, “đốt cả nhà” đối với phóng viên báo Tiền Phong có tính chất côn đồ, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật. Cơ quan cảnh sát điều tra cần ngay lập tức xác minh, điều tra đưa đối tượng ra ánh sáng xử lý và trừng trị nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, điều tra rõ về đối tượng đe dọa xem có liên quan gì đến bài phản ánh của báo Tiền Phong hay không?

“Công an cần xác minh số điện thoại, địa điểm thực hiện cuộc gọi và truy xét tìm ra đối tượng đã thực hiện hành vi đe dọa giết người. Hiện nay, các thuê bao điện thoại đều đã đăng ký thông tin chính chủ, rất dễ để xác minh. Hành vi đe dọa giết người là một trong những tội danh xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và danh dự của người khác được pháp luật bảo vệ”, luật sư Diện phân tích.

Vụ phóng viên báo Tiền Phong bị doạ giết: Bí thư huyện nói gì? ảnh 2

Đất đai được dọn sạch sau khi múc.

Theo luật sư, Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội đe dọa giết người quy định: Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Đối với 2 người trở lên (Người phạm tội thực hiện hành vi đe dọa với 2 người trở lên bằng nhiều hình thức khác nhau); Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Đối với người dưới 16 tuổi; Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

“Để thấy được tinh thần trách nhiệm, kịp thời, chính quyền tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh này cần ngay lập tức vào cuộc giải quyết tin báo theo đúng quy định của pháp luật đối với vụ việc 'đất tặc' có nhiều dấu hiệu buông lỏng quản lý, tiêu cực như báo Tiền Phong đã phản ánh”, luật sư Vi Văn Diện chia sẻ.

Trước đó, sau khi thực tế xác minh để viết bài về vấn nạn "đất tặc", nhà báo Tuấn Nguyễn (báo Tiền Phong) bị một số đối tượng gọi điện đe doạ.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành, ngày 25/5, Ban Biên tập báo Tiền Phong đã có công văn đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này, Công an huyện Cư Kuin và các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đe doạ, bảo vệ nhà báo tác nghiệp và đảm bảo an ninh an toàn trên địa bàn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.