Trước đó, Eximbank cho biết, theo “thỏa thuận miệng” thì bà Bình đã đồng ý nhận tiền “tạm ứng” và sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận vào ngày 1/3. “Phương án này có cách đây vài ngày. Tuy nhiên đến ngày ký chính thức thì khách hàng lại không đồng ý. Phần tạm ứng này cho khách hàng chủ yếu là để cho thấy thiện chí của Eximbank. Hiện Eximbank vẫn chờ ra tòa, sau đó nếu có phán quyết chính thức của tòa sẽ tiến hành trả tiền” – vị này cho biết.
Trả lời câu hỏi liệu Eximbank có tiếp tục chỉnh sửa thỏa thuận, đồng thời thương lượng với khách hàng về số tiền tạm ứng trên hay không? Đại diện ngân hàng thông tin, đến lúc này ban lãnh đạo ngân hàng chưa có ý kiến gì tiếp theo. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân thì ngân hàng chắc sẽ tiếp tục thương lượng với khách hàng. “Tôi chỉ biết là hai bên chưa thống nhất với nhau để ký vào biên bản thỏa thuận, còn việc ký kết như thế nào thì vẫn phải đợi lãnh đạo có kết luận chính thức” - người này chia sẻ.
Còn về phần khách hàng Chu Thị Bình cho biết, sau khi làm việc với nhau cả hai bên đều không thể tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản, nên bà quyết định trả lời Eximbank bằng văn bản về việc không nhận khoản tiền 14,8 tỷ đồng tạm ứng mà ngân hàng đề xuất. Lý do bà đưa ra là khoản tiền đó chưa được ngân hàng giải thích rõ ràng, chỉ nói chung chung là tiền hỗ trợ bà giải quyết khó khăn.
“Khi tôi cân nhắc chuyện nhận khoản tiền tạm ứng là mong ngân hàng thể hiện trách nhiệm với khoản tiền tôi bị mất. Tuy nhiên khi làm việc thì ngân hàng nói đây là số tiền hỗ trợ trong khi đó khoản bị mất của tôi không được đề cập. Thậm chí, ngân hàng còn đưa ra điều khoản bảo mật thông tin để giữ uy tín cho ngân hàng, nên tôi không chấp nhận. Tôi đòi tiền của mình một cách minh bạch thì sao phải bảo mật?” - bà Bình nói.