Vụ 'nước mắm chứa thạch tín': Hội Bảo vệ người tiêu dùng vì ai?

Người tiêu dùng vẫn lựa chọn nước mắm truyền thống tại Siêu thị Fivimart Hà Nội chiều 21/10. Ảnh: Như Ý.
Người tiêu dùng vẫn lựa chọn nước mắm truyền thống tại Siêu thị Fivimart Hà Nội chiều 21/10. Ảnh: Như Ý.
TP - Vụ việc công bố nước mắm truyền thống chứa Arsen (thạch tín) vượt ngưỡng cho phép của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) gây hoang mang cho người dân. Hơn bao giờ hết, câu hỏi lớn về trách nhiệm VINASTAS được đặt ra: VINASTAS bảo vệ ai?

Bảo vệ hay gây hại?

Liên quan tới câu chuyện phần lớn mẫu nước mắm khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng cho phép do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố, chiều 21/10, trả lời Tiền Phong, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký VINASTAS cho hay, hội ông được công bố khảo sát này vì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã cho phép, và sẽ chịu trách trách nhiệm.

Về đơn vị tài trợ kinh phí để thực hiện khảo sát, ông Tuấn tiếp tục từ chối, vì: “Không thể trả lời trên báo chí được. Cái này (đơn vị tài trợ - PV) những người có trách nhiệm sẽ trả lời. Còn mọi hoạt động của hội đều có nguồn phí nhất định mới làm được. Chúng tôi đã trả lời câu hỏi này một tỷ lần rồi. Đơn vị tài trợ không liên quan gì tới nước mắm”, ông Tuấn nói.

Về câu hỏi “có nhiều ý kiến rằng, VINASTAS là Hội bảo vệ người tiêu dùng, nhưng lại công bố thông tin gây hoang mang cho người tiêu dùng?”, ông Tuấn nói: “Cái đó không đúng, cái này (gây hoang mang - PV) một phần trách nhiệm ở cơ quan truyền thông, là cơ quan truyền tải thông tin phải hiểu và truyền tải cho đúng, đừng giật tít theo kiểu giật gân, rất khó. Cái gì trả lời được chúng tôi đã trả lời”.

Dù gây nhiều hoang mang, hiểu nhầm cho người tiêu dùng, nhưng VINASTAS lại khẳng định: Bình tĩnh đọc kỹ thông tin do VINASTAS đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng. Kết quả khảo sát là cơ sở tham khảo quan trọng để Bộ Y tế xem xét lại quy định giới hạn Arsen tổng trong sản phẩm nước mắm. Để đúng với bản chất nguyên liệu, công nghệ, tập quán sử dụng loại phụ gia này (Arsen - PV) trong nước mắm. Trong khi, theo các chuyên gia thực phẩm, Arsen hữu cơ có trong nước mắm do chất này sẵn có trong cá biển và muối biển (nguyên liệu làm nước mắm), bao đời nay vẫn vậy và vô hại, không phải phụ gia thêm vào.

Chiều 21/10, VINASTAS đã có thông cáo chính thức phản hồi về vụ việc trên. Theo đó, hội này khẳng định kế hoạch khảo sát có từ năm 2015, với 2 giai đoạn. Cuộc khảo sát là nhằm tăng cường hiểu biết cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt; kiến nghị với cơ quan nhà nước. Ngoài ra, còn nhằm khẳng định vai trò tiên phong của hội trong bảo vệ người tiêu dùng.

Về Kết quả thử nghiệm Arsen trong nước mắm, theo VINASTAS, trong gần 67% mẫu nước mắm khảo sát có chứa Arsen tổng vượt mức quy định trong QCVN 8-2:2011:BYT. Tuy nhiên, khảo sát của VINASTAS không nói rõ Arsen trong nước mắm vượt ngưỡng là vô cơ (có hại) hay hữu cơ (vô hại). Mà VINASTAS lại khảo sát thêm 20 mẫu nước mắm, kết quả đều không phát hiện Arsen vô cơ vượt ngưỡng.

VINASTAS sử dụng QCVN 8-2:2011:BYT để làm thước đo khẳng định Arsen trong nước mắm vượt chuẩn. Quy chuẩn này của Bộ Y tế cũng không ghi rõ giới hạn tối đa với Arsen trong nước chấm là vô cơ hay hữu cơ. Nhưng quy chuẩn lại ghi khá rõ, bộ quy chuẩn này chỉ áp dụng với nước chấm (không phải nước mắm). Đặc biệt, ở bảng “Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời” trong quy chuẩn QCVN 8-2:2011:BYT, Bộ Y tế đã ghi khá rõ ở phần ghi chú là: “Tính theo Arsen vô cơ” (không phải Arsen hữu cơ). Còn VINASTAS lại lý giải, khi nói tới Arsen mà không chỉ rõ loại gì thì hiểu đó là Arsen tổng.

VINASTAS gây hoang mang

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng VINASTAS đã thông tin thiếu chuẩn mực, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà sản xuất, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Theo ông Thịnh, với người dân bình thường, nghe nói thực phẩm nhiễm Arsen đều cho rằng bị nhiễm độc.

Ở đây, VINASTAS đã dồn Arsen hữu cơ và vô cơ vào làm một là chưa đúng bản chất. Vì Arsen hữu cơ có trong cá tôm, nên nước mắm làm ra cũng có những chất đó, và chất này tốt cho cơ thể chứ không hại gì, chỉ Arsen vô cơ mới gây hại cho sức khỏe. “Liệu họ vô tình hay hữu ý đưa nội dung này ra để hù dọa thiên hạ? Người nghiên cứu và công bố là những người có trình độ cao, không thể nói họ không hiểu tác động của việc công bố kết quả khảo sát. Cần làm rõ mục đích nghiên cứu, động cơ của việc công bố kết quả này là gì”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc VINASTAS không công khai thông tin đơn vị tài trợ kinh phí cho cuộc khảo sát có vẻ mập mờ. “VINASTAS cần làm rạch ròi vụ việc này. Có thể chỉ do một vài cá nhân nào đó của Hội thực hiện nhằm trục lợi”, ông Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và các đơn vị quản lý chất lượng, cả Bộ Công an cần phải vào cuộc điều tra; quy trách nhiệm rõ ràng, đồng thời bảo vệ ngay lập tức những nhà sản xuất nước mắm truyền thống, nếu không tác hại sẽ còn lớn hơn nữa. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà tài trợ kinh phí và nhóm thực hiện cuộc khảo sát, thậm chí cả một số cơ quan báo chí đăng tải kết luận đầu tiên.

Siêu thị cũng bối rối

Những ngày này, tại các siêu thị, việc kinh doanh mặt hàng nước mắm cũng gặp không ít rắc rối. Ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc siêu thị Lotte Đống Đa (Hà Nội) cho biết, mấy hôm nay thông tin về nước mắm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng đi siêu thị. Tuy nhiên, siêu thị Lotte không gỡ bỏ một loại nước mắm truyền thống nào trên kệ. “Chúng tôi đã phải kiểm tra lại những giấy tờ từ nhà cung cấp nước mắm. Đến thời điểm này, toàn bộ nước mắm truyền thống bán tại siêu thị đều đảm bảo an toàn và lượng Arsen trong nước mắm là Arsen hữu cơ không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hải nói.

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart Hà Nội cho biết, sản phẩm nước mắm truyền thống làm từ cá của nhiều thương hiệu vẫn được bày bán trên kệ với đầy đủ giấy tờ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Còn sau khi có thông tin hệ thống siêu thị Fivimart Hà Nội gỡ bỏ nước mắm truyền thống trên kệ, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Cty CP Nhất Nam (đơn vị sở hữu siêu thị Fivimart) giải thích: “Fivimart không phải là tạm ngừng bán mà là kiểm tra toàn lại bộ sản phẩm và giấy tờ liên quan”. Theo bà Hậu, sản phẩm nước mắm tạm bỏ khỏi kệ là những sản phẩm có mặt trong danh mục kiểm nghiệm hàm lượng Arsen do VINASTAS thực hiện; thứ hai là những sản phẩm nhà cung cấp vẫn chưa hoàn thiện giấy tờ dù Fivimart đã nhắc nhở trước đó 1 tháng.

Đại diện chuỗi siêu thị này cũng khẳng định, các sản phẩm nước mắm khi bán trong siêu thị phải có công bố chất lượng và phiếu kiểm nghiệm. “Hết hạn mà chưa có giấy kiểm nghiệm mới phải bỏ khỏi kệ. Đó là quy trình thường xuyên kiểm tra chứ không phải bán một loại nước mắm mà không bán nước mắm kia. Thêm nữa, việc công bố sản phẩm nước mắm chứa Arsen khiến người tiêu dùng vào siêu thị thấy sản phẩm họ phản ánh và làm loạn lên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nhà sản xuất mà cả doanh nghiệp bán hàng”, bà Hậu nói.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị: 

Sẽ mời các nhà khoa học vào cuộc

Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với Hội Khoa học Kỹ thuật, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu. Cơ quan chức năng cùng Hiệp hội nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này, đồng thời sẽ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Tới đây, Kiên Giang sẽ chủ động mời các nhà khoa học vào cuộc chứng minh sản phẩm truyền thống không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Bộ Y tế cần có câu trả lời chính thức

Sẽ là vội vàng nếu đánh giá hàm lượng Arsen tổng để cho rằng nước mắm truyền thống độc hại, làm như vậy là chưa đúng. Một Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả và nói chung chung nước mắm chứa hàm lượng Arsen, khi nghe Arsen (thạch tín) thì ai cũng sợ, nhưng trong giới làm khoa học, Arsen cũng có loại cho phép và có loại không cho phép có trong thực phẩm. Không phải chúng ta bao che bưng bít cho một việc gì đó mà cần tính đến một thực tế, nước mắm bao nhiêu đời nay, ông cha ta đã sử dụng và đã làm. Cá nhân tôi ủng hộ nước mắm truyền thống hơn nước mắm công nghiệp. Nay nếu vì cạnh tranh không lành mạnh hoặc vì một lý do nào đó mà vội vàng công bố chất lượng nước mắm như vậy có thể “giết chết” một ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm phải có động  thái quyết liệt, nhanh hơn để có câu trả lời chính thức về nước mắm cho người dân an tâm, biết sản phẩm nào an toàn.

Văn Kiên (ghi)

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
Hiện trạng khu tái định cư Đền Lừ III bỏ hoang sắp được cải tạo
TPO - Hoàn thành từ năm 2017 nhưng dự án tái định cư Đền Lừ III (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, với nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai đầu tư dự án cải tạo, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhất đời sống người dân sau khi được bàn giao nhà tái định cư.