Vụ mua tàu cũ Trung Quốc: Thích mua là mua, thích dừng là dừng?

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty ĐSVN bị Bộ GTVT xem xét kỷ luật
Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty ĐSVN bị Bộ GTVT xem xét kỷ luật
Chủ trương mua 164 toa tàu cũ của Trung Quốc đã được Tổng Công ty Đường sắt chỉ đạo xúc tiến, tuy nhiên khi sự việc bị phanh phui, chỉ người thực hiện “nhiệm vụ” bị cách chức… Và khi lô tàu cũ chưa thể trao tay, liệu “đối tác” có dễ dàng cho dừng dự án?

“Bưng bít” có hệ thống!

Thực tế là chủ trương mua, nhập khẩu 164 toa tàu cũ của Trung Quốc đã có từ năm 2014, tuy nhiên trong mọi báo cáo công khai về kế hoạch đầu tư Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đều không hề “đả động” tới chuyện này.

Mới đây nhất là bản báo cáo dài 17 trang (chưa bao gồm phụ lục) Tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016, phần đầu tư phát triển được Tổng Công ty ĐSVN nhấn mạnh đã hoàn thành việc lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trình Chính phủ và các Bộ ngành, đồng thời hoàn thành công tác lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để chuẩn bị cho các dự án sẽ thực hiện trong 5 năm tới. Tuy nhiên, trong phụ lục kèm theo về danh sách các dự án đầu tư theo kế hoạch của Tổng Công ty ĐSVN không thể hiện về Dự án mua, nhập khẩu 164 toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh.

Sự “bưng bít” không chỉ ở Công ty mẹ, mà chủ đầu tư được chỉ định là công ty con (Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội) cũng“giấu nhẹm” thông tin về dự án. Đại hội cổ đông thành lập Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội ngày 18/1 (trước thời điểm vụ việc bị phanh phui - PV) với Nghị quyết Đại hội thể hiện 100% tán thành thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và kế hoạch 3 năm giai đoạn 2016 - 2018, tuy nhiên hiện các cổ đông cho hay khi đó họ không hề được biết.

Qúa trình kiểm tra của Tổ công tác Bộ GTVT tại Tổng Công ty ĐSVN cũng khẳng định, trong danh mục các dự án phát triển phương tiện đường sắt giai đoạn 2012-2015 kèm theo Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 07/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.

Tổng công ty ĐSVN, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã có chủ trương thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu mua toa xe đã qua sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Đồng thời, cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận không đầy đủ, thiếu chính xác nên đã gây dư luận hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và Bộ GTVT.

Hiện nay, việc xử lý trách nhiệm của cá nhân liên quan đến vụ việc mới “tập trung” vào việc cách chức Tổng Giám đốc và miễn nhiệm Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội vì thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Công ty ĐSVN (!?).

Dư luận đặt vấn đề, nếu cách chức của lãnh đạo công ty con mà “nhẹ tay” với lãnh đạo công ty mẹ thì thật không thỏa đáng. Còn xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo công ty mẹ thì Bộ Giao thông vận tải sẽ xử lý như thế nào cho “thấu tình, đạt lý”?

Dừng dự án là xong?

Từ đầu tháng 2/2016, theo chỉ đạo của Bộ GTVT về xử lý vụ việc, Tổng Công ty ĐSVN đã yêu cầu Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội dừng dự án mua, nhập 164 toa xe cũ của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc.

Vụ mua tàu cũ Trung Quốc: Thích mua là mua, thích dừng là dừng? ảnh 1

Dự án mua, nhập khẩu lô tàu cũ của Trung Quốc đã bị yêu cầu dừng khảo sát, nghiên cứu (ảnh minh họa)

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Lưu Văn Quang - Công ty Luật Nelson và cộng sự (Hà Nội) - cho biết: Cho dù có thể đã đạt được thỏa thuận về giá thì cũng chưa thể khẳng định được liệu phía Tổng Công ty ĐSVN có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho phía đối tác khi đơn phương tạm dừng việc mua lô toa tàu cũ trên hay không? Vấn đề này chỉ có Tổng Công ty ĐSVN và các đơn vị trực tiếp tham gia đàm phán biết.

Theo Luật sư Lưu Văn Quang, dưới góc độ pháp lý có thể đặt ra 2 tình huống:

Thứ nhất, giữa Tổng Công ty ĐSVN mà đại diện là Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội và Cục đường sắt Côn Minh - Trung Quốc mới chỉ dừng lại ở mức độ đàm phán, thống nhất về mặt chủ trương mua bán lô 164 toa tàu cũ. Hai bên chưa đi đến ký kết Hơp đồng hoặc ký kết bất kỳ văn bản chính thức nào, cũng như chưa đưa ra bất kỳ thỏa thuận phạt vi phạm nào trong việc đơn phương ngừng hoạt động mua bán. Trong trường hợp này, ĐSVN sẽ tránh được một khoản tiền bồi thường lớn do vi phạm các thỏa thuận trong các hợp đồng và cam kết với đối tác.

Thứ hai, trường hợp 2 bên đã đạt được các thỏa thuận về việc mua bán, đã ký những cam kết về việc mua bán, cũng như quy định các khoản phạt vi phạm hoặc các nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc đơn phương từ chối hoạt động mua bán đã cam kết. Lúc này, này phía Tổng Công ty ĐSVN sẽ phải chịu bồi thường các thiệt hại cho đối tác theo các thỏa thuận đã ký khi họ có yêu cầu. Số tiền phải bồi thường, thời hạn,... sẽ phụ thuộc vào các thỏa thuận đã ký giữa 2 bên, cũng như phụ thuộc vào sự thiện chí từ Cục đường sắt Côn Minh trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh (nếu có).

Luật sư Lưu Văn Quang nhấn mạnh, chúng ta chỉ có thể biết rõ ràng và cụ thể khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bản thân người dân đều mong chờ những quyết định có tính chất quyết liệt nhằm xử lý các sai phạm có liên quan, đồng thời giảm thiểu những thất thoát tài sản nhà nước có thể xảy ra.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG