Vụ lừa phụ huynh việc con nhập viện: Có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vụ việc một số phụ huynh ở TPHCM bị gọi điện thoại lừa đóng tiền viện phí do con đang cấp cứu ở bệnh viện diễn ra trong thời gian qua có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm đoạt tài sản, mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 9/3, luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng, hành vi dùng thủ đoạn gian dối mạo danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn phải chuyển khoản để mổ gấp nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt lên đến chung thân, tùy tính chất, mức độ của hành vi hoặc số tiền chiếm đoạt.

Vụ lừa phụ huynh việc con nhập viện: Có thể bị xử lý hình sự ảnh 1

Nhiều phụ huynh sau khi đóng tiền nhập viện cho con qua chuyển khoản khi đến bệnh viện tìm không có mới biết mình bị lừa (ảnh minh họa).

Tội phạm và hình phạt được quy định chi tiết như sau:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Vụ lừa phụ huynh việc con nhập viện: Có thể bị xử lý hình sự ảnh 2

Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM.

Theo luật sư Tuấn, trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân của đơn vị quản lý học sinh để kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 60 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

- Về xử phạt hành chính, theo quy định tại khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

+ Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

+ Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân người khác.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân khác, bao gồm:

+ Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

+ Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

- Về xử lý hình sự:

Hành vi cho tặng, mua bán, sử dụng thông tin cá nhân mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó nhằm thu lợi bất chính thì tùy tính chất mức độ và số tiền hưởng lợi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với hình phạt tiền lên đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù đến 7 năm.

Tội phạm và hình phạt cụ thể như sau:

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trước đó, như Tiền Phong đưa tin, những ngày qua, hàng loạt phụ huynh có con học tại TPHCM nhận được nhiều cuộc gọi của người tự xưng là giáo viên nói con bị tai nạn đang nhập viện do đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để đóng viện phí. Không ít trường hợp vì tin lời đã chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng khiến ngành giáo dục thành phố phải chỉ đạo “nóng”, công an vào cuộc điều tra.

Vụ lừa phụ huynh việc con nhập viện: Có thể bị xử lý hình sự ảnh 3

Nội dung tin nhắn các đối tượng lừa phụ huynh.

Vụ việc hiện đã được Công an TPHCM tiếp nhận, phối hợp cùng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương vào cuộc điều tra. Bên cạnh đó, Công an TPHCM cũng đã có thông tin cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo mới này.

Công an TPHCM khuyến cáo, khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất (công an phường, xã, thị trấn, công an quận, huyện, TP Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.