Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến chiều 8/3 đã có 13 người là phụ huynh có con đang theo học tại các trường trên địa bàn TPHCM đến bệnh viện này tìm con sau khi nhận cuộc gọi từ người tự xưng là giáo viên và thông báo con em của họ bị tai nạn phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện cũng nhận nhiều cuộc gọi đến từ các bậc phụ huynh nhờ xác minh thông tin trẻ cấp cứu tại bệnh viện nhưng hầu hết đều là thông tin ảo từ nhóm đối tượng lừa đảo.
Nhiều phụ huynh sau khi chuyển tiền cho các đối tượng đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy để đối chiếu, lúc đó mới biết mình bị lừa Ảnh: Vân Sơn |
Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, số lượng các vụ lừa đảo dạng trên vẫn tiếp tục gia tăng. “Sau những ngày đầu tập trung vào nhóm học sinh các trường quốc tế, trường tiểu học, đến nay đối tượng lừa đảo đã mở rộng ra hầu hết học sinh ở các cấp học, trong đó có cả những người là sinh viên đại học. Kẻ xấu vẫn sử dụng thủ đoạn cũ là thông báo cho gia đình về việc con em đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và đề nghị chuyển tiền đóng viện phí để mổ gấp”, ông Hiển nói.
Anh Nguyễn Đình Nh (phụ huynh của bé Nguyễn Vũ Minh Kh đang học lớp 4, Trường Quốc tế Việt Úc) là người bị lừa mất 200 triệu đồng. “Họ gọi cho tôi vào sáng 6/3, thông báo con tôi bị tai nạn đang cấp cứu trong tình trạng nguy kịch tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi liên lạc với nhà trường nhưng không được nên mới gặp xui rủi. Thực sự, tôi chỉ nghĩ đến sự an nguy của con mà không hề có bất kỳ sự cảnh giác nào về tình huống mình có thể bị lừa”, anh Nh. nói và cho biết, gia đình anh đã chuyển khoản 2 lần cho đối tượng lừa đảo với tổng số tiền là 200 triệu đồng, đến khi vào bệnh viện anh mới biết bị lừa.
Theo anh Nh. thủ đoạn của các đối tượng quá tàn ác khi mang sinh mạng của con cái người khác ra để giăng bẫy.
Anh Đoàn Lê Tuấn D (phụ huynh của bé Đoàn Phước Q. học lớp 2 tại trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, khi đang đi lo công việc ở Long An thì vợ anh nhận được thông báo con đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng đặc biệt nguy kịch và hối thúc anh khẩn cấp đến bệnh viện.
Một trường hợp khác cũng bị lừa nhưng may mắn không mất tiền là anh Huỳnh Quốc H (phụ huynh bé Huỳnh Thanh Nh đang học lớp 6, trường Quốc tế Á Châu). Anh H cho biết, lúc 10 giờ 30 ngày 6/3, anh nhận cuộc gọi đến từ một người phụ nữ xưng là cô giáo của trường nơi con anh đang theo học. “Họ đọc thông tin của bé và hỏi tôi có phải ba bé hay không, rồi thông báo con tôi bị tai nạn đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi hỏi cô có phải là giáo viên chủ nhiệm hay không thì người phụ nữ trả lời cô ta là giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đang đứng lớp” - anh H kể.
TPHCM đồng loạt khuyến cáo
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết Sở đã yêu cầu các trường phải có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo đến phụ huynh, học sinh, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin để không bị kẻ xấu lừa đảo. Đồng thời, kiểm tra rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình…
Lan rộng sang tỉnh khác
Ngày 7/3, đại diện Công an xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, vừa tiếp nhận phản ánh của người dân về việc có người mạo danh giáo viên chủ nhiệm gọi điện thoại cho phụ huynh báo tin “học sinh bị tai nạn cấp cứu” ,đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.
Theo đó, chị V có con đang học lớp 5, Trường tiểu học Huỳnh Văn Tạo nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại 0773843... Người gọi xưng là giáo viên chủ nhiệm của con chị và báo tin con đang nhập viện do bị chấn thương sọ não, rồi yêu cầu chị chuyển gấp 50 triệu đồng vào một tài khoản để làm thủ tục nhập viện . Rất may, chị V. chạy xe máy đến trường để tìm hiểu sự việc thì phát hiện con vẫn học tập bình thường. Phạm Nguyễn
Về nghi vấn lộ lọt thông tin cá nhân của học sinh, phụ huynh, ông Hồ Tấn Minh cho rằng, rất khó có thể xác định lộ lọt từ đâu nhưng qua nắm bắt từ các trường hợp bị lừa đảo vừa qua, hầu hết các đối tượng chỉ nói chung chung chứ không nêu chi tiết lớp nào, địa chỉ ra sao…?
Hiện, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM cũng đã gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh học sinh về tình trạng lừa đảo đang diễn ra. Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết, khi hay tin một phụ huynh vừa bị kẻ xấu lừa đảo mất 100 triệu đồng bằng thủ đoạn như trên, Ban giám hiệu nhà trường đã hướng dẫn phụ huynh trình báo sự việc và cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan công an.
Bà Giang cho biết, nhà trường còn ghi nhận có 3 phụ huynh khác cũng bị gọi điện, yêu cầu chuyển khoản với chiêu thức tương tự. Tuy nhiên, những phụ huynh này đã kịp hỏi để xác nhận thông tin với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nên không bị mắc lừa.
Theo khảo sát của phóng viên, tại TPHCM vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục, trường học chưa công bố số điện thoại, email của ban giám hiệu; một số trường có công bố số điện thoại cơ quan nhưng gọi đến rất ít khi có người bắt máy.
Có thể xử lý hình sự
Trao đổi với PV, đại diện Công an TPHCM cho biết các phòng nghiệp vụ trực thuộc đang phối hợp cùng Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương vào cuộc điều tra. Công an TPHCM cũng đã có thông tin cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo mới này.
Đại diện Công an TPHCM khuyến cáo, khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm chứng thông tin. Người dân tuyệt đối không vội chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo.
Khi phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, TP Thủ Đức) hoặc liên hệ Trực ban Công an TPHCM (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan công an nhanh chóng điều tra, xử lý.
Luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, hành vi dùng thủ đoạn gian dối mạo danh giáo viên gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn phải chuyển khoản để mổ gấp nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt lên đến chung thân, tùy tính chất, mức độ của hành vi hoặc số tiền chiếm đoạt.
Bên cạnh đó, nếu có căn cứ xác định được người có hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu cá nhân để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính đến 60 triệu đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.