> Nga-Iraq phản đối can thiệp từ bên ngoài vào Syria
Thủ tướng Al-Maliki hội đàm với Tổng thống Putin tại Mátxcơva. |
Tuy Thủ tướng Al-Maliki tuyên bố vũ khí không phải mục tiêu số một của ông trong chuyến viếng thăm Mátxcơva nhưng đây lại là vấn đề thu hút sự chú ý nhiều nhất.
Nếu các công ty dầu mỏ Nga hiện đang hoạt động hết sức thành công ở Iraq thì ngành xuất khẩu vũ khí Nga lại gần như tê liệt tại đây.
Theo các nguồn tin đáng tin cậy, vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8 năm nay, Nga và Iraq đã ký với nhau một loạt thỏa thuận về cung cấp vũ khí trị giá 4,2 tỷ USD. |
Sau khi chế độ của ông Saddam Hussein bị lật đổ ở Iraq, thị trường vũ khí nước này có vẻ như đã đóng cửa với các công ty Nga. Nhưng xem ra, tình hình không đến nỗi tồi tệ như vậy.
Các nhà lãnh đạo Iraq đã nhiều lần nói rõ, sau khi quân đội Mỹ rút đi, nước này sẽ mua vũ khí của Nga.
Thật vậy, ngay từ hồi tháng 5- 2011, Tổng thống Iraq Jalal Talabani đã tuyên bố với các nhà báo là nước ông sẵn sàng mua vũ khí của Nga bởi vì vũ khí Nga “vừa rẻ vừa chắc chắn”.
Thủ tướng Al-Maliki cũng tuyên bố các lực lượng vũ trang Iraq cần vũ khí Nga để đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh trong nước. Những lời tuyên bố đó đã trở thành hiện thực.
Như vậy, Nga đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí cho Iraq lớn thứ hai trên thế giới, chỉ thua kém Mỹ.
Riêng đối với Nga, hợp đồng lần này là rất đáng kể, chỉ có thể so sánh nó với những hợp đồng cung cấp vũ khí cho Algérie năm 2006 (trị giá 7,5 tỷ USD) và cho Venezuela năm 2009 (trị giá 6 tỷ USD).
Những loại vũ khí phía Iraq quan tâm hơn cả là máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng, xe bọc thép và tên lửa phòng không.
Không ít người lo ngại là sự hợp tác giữa Nga và Iraq trong lĩnh vực vũ khí có thể bị Mỹ ngăn cản.
Nhưng Thủ tướng Al-Maliki đã cam kết rằng, Bagdad sẽ không nghe theo ý kiến của Washington trong vấn đề mua vũ khí Nga.
Ngọc Thoa
Theo Mk.ru