Ông Ánh thông tin, ngay khi báo Tiền Phong đăng bài viết phản ánh tình trạng khai thác đá trái phép ở cánh đồng làng Mơ Nú với diện tích khoảng 2 ha bị cày xới, nhiều lãnh đạo TP. Pleiku đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý, không để tồn tại tình trạng lợi dụng “cải tạo” đồng ruộng rồi khai thác đá trái phép.
Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku khẳng định, không bao che cán bộ vi phạm. Theo đó, việc khai thác đá này tồn tại đã lâu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ và lãnh đạo xã Chư Á trong công tác quản lý. Ông Ánh khẳng định, sau khi có kết quả kiểm tra sẽ có hướng xử lý cán bộ liên quan.
Điểm khai thác đá trái phép chỉ cách trụ sở UBND xã Ia Pnôn khoảng 3km |
Về vụ khai thác đá trái phép cách trụ sở UBND xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ, Gia Lai) khoảng 3km, ông Trần Ngọc Phận - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, cho biết, qua kiểm tra ban đầu xác định, diện tích khu vực khai thác khoảng 2.400m2 thuộc gia đình ông Hồ Viết Thọ. Có 2 nghìn viên đá chẻ (khối lượng 9m3) tại hiện trường, đã được UBND huyện Đức Cơ cho là khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, đối với 300 cục đá bazan (khối lượng khoảng 100m3), UBND huyện Đức Cơ đang xác định hành vi có phải khai thác đá trái phép hay không. Ông Phận cũng khẳng định sẽ xử lý nghiêm đối với các cán bộ liên quan đến vụ việc.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Gia Lai, trong năm 2020, tỉnh Gia Lai đã xảy ra 88 vụ khai thác đá trái phép, những đối tượng vi phạm bị xử phạt hành chính hơn 844 triệu đồng.
“Để hạn chế nạn khai thác đá trái phép, UBND cấp huyện giám sát chặt đối với UBND cấp xã và yêu cầu tăng cường công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Trường hợp để xảy ra việc khai thác đá trái phép đá kéo dài, phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan”, một lãnh đạo Sở TN&MT Gia Lai nói.