'Đá tặc' phá nát ruộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
 Hiện trường vụ khai thác đá trái phép ở cánh đồng lúa làng Mơ Nú
Hiện trường vụ khai thác đá trái phép ở cánh đồng lúa làng Mơ Nú
TP - Sự việc diễn ra từ nhiều năm nay, với 3 cá nhân ngang nhiên khai thác đá trái phép tại đồng lúa làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku, Gia Lai.

Người ta sử dụng dàn máy múc (máy đào), xe ben, hoạt động tấp nập. Ban ngày cày xới tìm đá, ban đêm xe ben chở đá ra ngoài trong khoảng thời gian từ 19h đến 22h. Vị trí này chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 6km.

Trước mắt chúng tôi là cánh đồng lúa làng Mơ Nú bị cày xới khắp nơi, những ao nước sâu chừng 5m. “Đây là những điểm người ta đào bới từ trước Tết, ước tính hơn 2 ha với trữ lượng tầm 6 nghìn khối đá xay. Từ đồng lúa đi vào khoảng 2km, phía tay trái là bãi đá của bà L, ông T. Bãi của bà O phía tay phải”, một người dân tiết lộ. Mỗi m3 đá xay hiện có giá khoảng 220 nghìn đồng.

Ngay khi phóng viên báo Tiền Phong thông báo sự việc trên với Chủ tịch UBND thành phố Pleiku Nguyễn Hữu Quế, ông lập tức gọi Trưởng phòng TN&MT thành phố Pleiku Mai Văn Hoàn đến làm việc. Trong buổi làm việc đó, ông Hoàn xác nhận việc khai thác đá tại cánh đồng ruộng Mơ Nú là trái phép.

Cũng trong buổi làm việc, Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Quế chỉ đạo, các điểm tập kết chế biến cần kiểm tra giấy tờ sau đó sẽ thông tin lại cho báo Tiền Phong. Ông Quế cũng cho biết, ông thường xuyên nhận được tin báo từ người dân phản ánh tình trạng khai thác đá trái phép tại khu vực này; đồng thời chỉ đạo ông Hoàn cử cán bộ xuống kiểm tra, xử lý những xe cơ giới của tư nhân khai thác không đúng vị trí, xử phạt nghiêm, triệt để.

Có sự bao che?

Chiều 12/3, PV Tiền Phong đến tận mỏ đá khai thác trái phép, cách trụ sở UBND xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) khoảng 3km. Địa điểm này nằm trong rẫy cao su, đường đất bị cày xới bụi mù. Hiện trường có hàng trăm tảng đá khổng lồ chất đống, ước tính hàng nghìn m3.

Liên quan đến vụ việc này, UBND xã Ia Pnôn (ngày 25/1/2020) có 1 báo cáo lạ lùng với thông tin: Hiện trường trên chỉ có 100m3 đá bị khai thác trái phép.

Trao đổi về vụ việc, ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết, chưa nắm được thông tin khai thác đá trái phép tại xã Ia Pnôn. Từ thông tin Tiền Phong cung cấp, ông Phận nhận định UBND xã Ia Pnôn có dấu hiệu bao che, thống kê giảm khối lượng nhằm giảm nhẹ mức độ vụ việc. Cũng tại buổi làm việc, ông Phận cho biết, đã chỉ đạo công an, Phòng TN&MT huyện cùng những bên liên quan đến hiện trường thống kê, làm rõ.

Về việc xử lý vấn nạn khai thác đá bừa bãi, một lãnh đạo Sở TN&MT Gia Lai cho biết: “Để hạn chế nạn khai thác đá trái phép, UBND cấp huyện giám sát UBND cấp xã và yêu cầu tăng cường công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Trường hợp để xảy ra việc khai thác đá trái phép kéo dài, phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan. Quy định này đã có”.

Ngoài ra, vị này nhấn mạnh, những cơ sở chế biến đá cũng là một trong những nơi tiêu thụ đá trái phép. Hiện nay, UBND cấp huyện có quyền cấp phép cho hộ gia đình cá nhân chế biến đá, Sở TN&MT Gia Lai không quản lý việc này. Bởi vậy, theo vị này, cần quản lý chặt nguồn gốc nguyên liệu. “Mua đá không rõ nguồn gốc là vi phạm, cần xử lý cơ sở đó”, vị lãnh đạo Sở TN&MT Gia Lai nói.

 Tháng 3/2020, tại làng Ngai Ngó (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) tồn tại một điểm khai thác đá rầm rộ. Từ thông tin của báo chí, Phòng TN&MT huyện này đã đến kiểm tra, phát hiện ông P.H (huyện Ia Grai) đã khai thác đá trái phép trên diện tích hơn 1.000 m2. 
Một lãnh đạo Sở TN&MT Gia Lai cho biết, trong năm 2020, tỉnh Gia Lai xảy ra 88 vụ khai thác đá trái phép, xử phạt hành chính hơn 844 triệu đồng.

MỚI - NÓNG