Trong một nền giáo dục vẫn đang tồn tại không ít bất cập hiện nay, câu chuyện các bé đi học mầm non bị bạo hành không phải chưa từng xảy ra.
Thế nhưng, việc phụ huynh yêu cầu phải bồi thường 100 triệu đồng vì giáo viên gây ra vết bầm, vết xước trên cơ thể con mình, là sự kiện hy hữu xảy ra tại Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, huyện Bình Tân, TPHCM.
Mọi vướng mắc có thể hình dung như sau: Ông Đinh Đức Dũng phát hiện con mình đị học về có bị vết bầm và vết xước, nên trình bày nghi ngờ với nhà trường rằng cháu bị giáo viên đánh. Một tuần sau, nhà trường gửi bản tường trình của cô giáo thú nhận có hành vi phản giáo dục với đứa trẻ và chủ động xin nghỉ dạy.
Ông Đinh Đức Dũng yêu cầu bồi thường 900 ngàn đồng chi phí khám sức khỏe cho con mình, đồng thời yêu cầu phạt cô giáo 10 triệu đồng. Có lẽ hơi thụ động, nhà trường im lặng gần hai tháng sau mới đến gặp phụ huynh để xin lỗi và thương lượng khắc phục hậu quả. Hai bên không tìm được tiếng nói chung. Phòng Giáo dục Đào tạo quận Bình Tân đứng ra phân định trắng đen, thì ông Đinh Đức Dũng tăng mức bồi thường lên 100 triệu đồng.
Rõ ràng, cả phía nhà trường và phía phụ huynh đều không thể hiện đầy đủ thiện chí giải quyết hợp tình, hợp lý một mối quan hệ mâu thuẫn vốn rất thường gặp này. Những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non vốn rất hiếu động, nên áp lực đối với giáo viên rất lớn. Trong một vài trường hợp căng thẳng, giáo viên kém bản lĩnh sư phạm sẽ mất bình tĩnh và dẫn đến sử dụng bạo lực.
Ai cũng xót con, nhưng phần lớn phụ huynh chọn cách khiếu nại để nhà trường nhắc nhở giáo viên mà thôi. Bởi lẽ, những vết bầm và vết xước lưu lại chủ yếu do tác động vào phần mềm, nếu giáo viên tác động vào phần cứng như vùng đầu sẽ không để lại dấu tích nhưng mức độ nguy hiểm cao hơn.
Đành rằng, bây giờ trường mầm non nào cũng gắn camera theo dõi. Tuy nhiên, nếu giáo viên đã thiếu kiềm chế thì cũng thừa khôn ngoan để biết lớp học có bao nhiêu góc khuất không lọt vào ống kính máy quay. Cuộc giằng co quyết thắng thua giữa phụ huynh và giáo viên sẽ khiến đứa trẻ trở thành nạn nhân trực tiếp, nếu giáo viên không nghỉ dạy hoặc đứa trẻ không… chuyển trường!
Lương bổng của giáo viên mầm non hiện nay tương đối thấp. Nhà trường phạt tiền giáo viên đã khó, mà phụ huynh phạt tiền giáo viên càng khó hơn. Con số 100 triệu đồng mà ông Đinh Đức Dũng đưa ra với Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, hoàn toàn không dựa trên một cơ sở nào. Điều ấy cho thấy sự bực tức của phụ huynh khi gửi đứa con bé bỏng của mình vào một môi trường mà những người làm giáo dục không ý thức nâng niu “trẻ em như búp trên cành”.
Động thái phụ huynh phạt vạ giáo viên không đáng ủng hộ, nhưng lại là một ví dụ cảnh tỉnh hệ thống giáo dục mầm non nước ta cần phải được chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa. Bởi lẽ, nếu ai không đủ tình thương thì hãy chọn nghề khác, đừng ở trường mầm non gây tổn thương cho những thiên thần thơ ngây.