Vụ doanh nghiệp 'tố' hải quan: Tổ chức đối thoại chỉ 1 đơn vị có mặt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 5/12, Cục Hải quan TPHCM đã tổ chức đối thoại với 4 doanh nghiệp (DN) vận chuyển hàng quá cảnh “tố” bị một số cán bộ hải quan gây khó dễ. Tuy nhiên, suốt buổi đối thoại chỉ có một DN tham gia.

Bốn công ty có đơn phản ánh tới các Bộ, ngành, cơ quan quản lý về việc bị Hải quan TPHCM gây khó dễ khi kiểm tra hàng hóa gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty CP Tân Cảng Cypress.

Đây là 4 DN chuyên vận tải hàng hóa container đường thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, từ các cảng khu vực TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi Phnom Penh và ngược lại.

Vụ doanh nghiệp 'tố' hải quan: Tổ chức đối thoại chỉ 1 đơn vị có mặt ảnh 1

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu vực 1 cho biết đã gửi văn bản đến 4 DN có khiếu nại về cán bộ của Chi cục để lắng nghe trực tiếp ý kiến của DN.

Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu cho rằng nhiều quy định gây khó khăn như: Quyết định kiểm tra xác suất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100%; yêu cầu khai báo chi tiết như hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Các giấy phép yêu cầu hàng quá cảnh, quá tải như giấy phép yêu cầu kiểm dịch thực vật đang gây mất thời gian, mất cơ hội và mất mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia, vùng lãnh thổ lân cận.

“Thời gian kiểm tra hàng từ 15-40 ngày, khâu kiểm tra hồ sơ của hải quan và DN vẫn chưa thống nhất, chưa có sự tương tác nhuần nhuyễn nên mất thời gian nhiều” - đại diện Công ty Tiếp vận Toàn Cầu nói.

Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực 1 - cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục đã làm thủ tục quá cảnh cho trên 38.500 tờ khai hải quan, với số lượng gần 82.500 container hàng hoá của hơn 40 doanh nghiệp làm thủ tục hàng quá cảnh.

Trung bình mỗi ngày Chi cục giải quyết thông quan hàng quá cảnh cho khoảng 250-300 container. Các thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Vụ doanh nghiệp 'tố' hải quan: Tổ chức đối thoại chỉ 1 đơn vị có mặt ảnh 2

Trong suốt buổi đối thoại chỉ có 1 DN tham gia

Trong năm 2022, Chi cục đã phát hiện 633 vụ vi phạm, trong đó có 3 vụ quá cảnh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, 6 vụ quá cảnh hàng hóa mà không có giấy phép. Riêng 4 DN có khiếu nại vừa qua có số lượng tờ khai là 3.605, số lượng container 30.824; số vụ vi phạm là 383/633 (chiếm tỷ lệ 60,5%).

Bốn DN vận chuyển hàng quá cảnh thường xuyên bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, xuất xứ, quá cảnh hàng hóa thuộc diện kiểm dịch mà không có giấy phép kiểm dịch. Tỷ lệ vi phạm trong năm 2022 của các DN trên là 283 vụ (chiếm tỷ lệ 49,22%).

Theo ông Long, việc dừng thông quan đối với các lô hàng quá cảnh để kiểm tra thực tế hàng hóa được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 căn cứ vào các nguồn thông tin, như: Chỉ thị từ Trực ban Tổng cục Hải quan; Cục Quản lý rủi ro - Tổng cục Hải quan; Chỉ thị từ Đội Kiểm soát hải quan; Phòng Quản lý rủi ro Cục Hải quan TPHCM; thông tin soi chiếu hàng hóa; thông tin, hồ sơ quản lý rủi ro đối với hàng hóa, DN trọng điểm.

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian qua, các DN trên thường xuyên vi phạm trong lĩnh vực hải quan khi làm thủ tục đối với hàng hóa quá cảnh tại Chi cục.

Vụ doanh nghiệp 'tố' hải quan: Tổ chức đối thoại chỉ 1 đơn vị có mặt ảnh 3

Thống kê của hải quan về lượng container hàng quá cảnh tại 4 DN

“Qua rà soát dữ liệu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trong năm 2021 và 2022, đơn vị chưa thực hiện dừng thông quan tờ khai nào có số lượng container vượt quá 30 container như nội dung phản ánh. Việc các container không thuộc diện kiểm tra thực tế không thể thông quan trước do thuộc cùng tờ khai có container bị kiểm tra. Hiện tại, chưa có quy định đối với việc thông quan từng phần trong cùng 1 tờ khai hải quan” - ông Long nói.

Trong buổi đối thoại, lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu vực 1 cho biết, sẽ rà soát và rút kinh nghiệm trong việc chuyển thông báo dừng thông quan, chấn chỉnh việc thực hiện của công chức trong việc kiểm tra hàng hóa, chuyển hồ sơ, hoàn tất hồ sơ vi phạm, đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa cho DN; trường hợp có nhu cầu thông quan hàng hóa đúng, DN thực hiện khai bổ sung số lượng và khai thêm tờ khai mới để thông quan.

Về kiến nghị của các DN, Chi cục ghi nhận và tiếp thu, đồng thời rà soát, chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện, đảm bảo thuận lợi cho DN cho hoạt động kinh doanh. DN có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ về các nội dung, vấn đề DN quan tâm. Trường hợp có vướng mắc, DN làm văn bản gửi Chi cục, Cục Hải quan TPHCM xem xét, hoặc tổ chức họp để bàn cách giải quyết. Trường hợp vướng mắc vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM - cho biết, qua ghi nhận lại quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, hiện nay hải quan đang thực hiện thủ tục điện tử. Tất cả đều chuyển về Tổng cục Hải quan.

“Chi cục Hải quan Khu vực 1 cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho DN; có thể tổ chức gặp gỡ DN hàng quý hoặc 6 tháng/lần để lắng nghe, hướng dẫn DN. DN vận chuyển hàng quá cảnh cũng nên nắm bắt thông tin, phối hợp cho tốt hơn nữa” - ông Nghiệp nói và cho biết thêm, trong đơn khiếu nại của DN có nêu tên một số công chức hải quan gây khó khăn. Cục Hải Quan TPHCM, Phòng thanh tra xác minh, báo cáo cho Tổng cục Hải quan và thông tin rộng rãi.

Theo ông Nghiệp, cần phải làm rõ nội dung, nếu thấy công chức không làm đúng hành vi, chuẩn mực thì phải kiểm điểm, xử lý.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.