Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng quá cảnh tuyến Việt Nam - Campuchia vừa phản ánh đến Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, các hiệp hội vận tải thủy nội địa…. về việc công chức hải quan thuộc Chi cục Hải quan khu vực 1 gây nhũng nhiễu, phiền hà khi thực hiện kiểm tra đối với các lô hàng quá cảnh.
Công ty TNHH MTV Vận tải biển Gemadept, Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn cầu, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress phản ánh, việc kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai đối với lô hàng quá cảnh thường bị công chức Chi cục Hải quan Khu vực 1 giữ lại toàn bộ các container trong cùng tờ khai đó. Điều này dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa (kiểm tra hàng hoá theo nội dung tờ khai) kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm tra.
Các doanh nghiệp phản ánh nhiều lô hàng quá cảnh từ Campuchia về bị kiểm tra kéo dài |
Đặc biệt, thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày, không đúng với quy định. Nhân viên hải quan khi kiểm tra thường xuyên yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container trong khi hàng hóa có thể nhìn thấy đồng nhất.
“Chi cục Hải quan Khu vực 1 cũng không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, dẫn tới thời gian hoàn thành thủ tục để thông quan kéo dài, phát sinh chi phí. Chưa kể, cán bộ chi cục này kiểm hóa nhiều lần khiến khách hàng và đối tác bất bình”, các doanh nghiệp cho hay.
Các doanh nghiệp cho rằng, Hải quan Khu vực 1 đang vi phạm Điều ước quốc tế, chưa phù hợp với các tiêu chuẩn vận tải quốc tế, hiệp định song phương…Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị không áp dụng khai báo chi tiết đối với hàng hóa quá cảnh, đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi phù hợp với các hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia.
Hải quan nói gì?
Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực 1 - cho biết, sở dĩ các lô hàng quá cảnh của doanh nghiệp trên bị kiểm tra là do những doanh nghiệp thuộc nhóm trọng điểm có hàng hóa rủi ro và vi phạm nhiều. Còn việc kéo dài thời gian kiểm tra, do các lô hàng liên quan đến một số mặt hàng cấm, có vấn đề nhưng doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ của cơ quan chức năng cấp phép dẫn tới kéo dài thời gian.
“Trong 2 năm vừa rồi, những doanh nghiệp này vi phạm rất nhiều, từ sai số lượng, sai trọng lượng, đến sai mặt hàng. Cục Hải quan TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Việc các doanh nghiệp đưa ra những thông tin trên nhằm tung hỏa mù, che đạy vi phạm của mình”, ông Long nói.
|
Hải quan TP HCM khẳng định, việc kiểm tra hàng quá cảnh do các doanh nghiệp có nhiều vi phạm, hàng hóa có vấn đề |
Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM - khẳng định, đối với hàng quá cảnh, hiện Cục không có chủ trương kiểm tra thực tế mà chỉ qua hình thức không xâm nhập (qua máy soi). Tuy nhiên, đối với những lô hàng có vấn đề, các đơn vị chức năng mới tiến hành kiểm tra.
Theo ông Thắng, hiện tình trạng buôn lậu cuối năm diễn ra phức tạp, đặc biệt, lượng hàng nhập lậu từ Campuchia. Thời gian qua, Hải quan TPHCM liên tục phát hiện nhiều lô hàng quá cảnh vi phạm.
“Việc lực lượng hải quan kiểm tra hàng quá cảnh chủ yếu là đang phối hợp với cơ quan công an để thực hiện chuyên án, ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu, tránh biến Việt Nam thành điểm trung chuyển những mặt hàng này. Do đó, thông tin doanh nghiệp phản ánh như vậy là không đúng”, ông Thắng nói.
Cục trưởng Cục hải quan TPHCM đặt câu hỏi: Nếu có việc kiểm tra 100% lô hàng quá cảnh và công chức hải quan gây khó dễ, tại sao cả chi cục Khu vực 1 và Cục Hải quan TP đều không nhận được phản ánh để làm rõ vụ việc mà các doanh nghiệp lại vượt cấp báo cáo lên trên?
“Đây là điều bất thường khi thời gian qua tỷ lệ vi phạm mà Cục Hải quan TPHCM phát hiện trên các lô hàng của nhóm doanh nghiệp này lên tới 56%. Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng đối thoại công khai với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng để làm rõ sự việc”, ông Thắng khẳng định.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, chiều 2/12, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Hải quan TPHCM báo cáo, làm rõ những phản ánh của doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận được công văn, phía Hải quan TPHCM thông báo sẽ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, báo chí vào sáng 5/12 để " ba mặt một lời".