Vụ Cục phó mất trộm: Các doanh nghiệp bị thanh tra gì?

TP - Danh sách 30 doanh nghiệp được kiểm tra lần này do Bộ Tài nguyên và Môi trường lập ra.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường vào kiểm tra vấn đề kiểm soát môi trường ở nhiều tỉnh thành, trong đó có tỉnh Long An theo định kỳ.

Thành phần đoàn kiểm tra có rất nhiều đơn vị gồm: Đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, Sở Công Thương và Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An.

Đại diện một doanh nghiệp xin giấu tên cho biết, đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường có gửi bảng danh sách các doanh nghiệp, thời gian và kèm theo phụ lục nội dung cần thanh tra trong lần này.

Theo đó, đối với các cơ sở, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp,…phải cung cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, giấy phép khai thác khoáng sản (nếu có). Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải khai báo loại hình sản xuất, số lượng nhân sự. Đặc biệt là quy trình công nghệ sản xuất phải được báo cáo tóm tắt cho đoàn thanh tra.

“Trong số các nội dung sơ lược về hoạt động của doanh nghiệp cần phải báo cáo, các doanh nghiệp phải liệt kê tình trạng các thiết bị sản xuất, hóa chất sử dụng gồm những loại nào, khối lượng bao nhiêu,…Rồi cả lượng nước sử dụng, nguồn cung cấp nước”, vị đại diện doanh nghiệp cho biết.

Sau khi thực hiện hết các quy trình trên, đoàn công tác yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thông tin về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, tất cả có 12 mục cần báo cáo cho đoàn thanh tra với nhiều nội dung phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường.

“Họ kiểm tra nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn,…với nhiều nội dung nhỏ kèm theo. Đoàn thanh tra còn yêu cầu lấy mẫu nước thải để phân tích”, một doanh nghiệp nói.

Ngoài những nội dung thanh tra trên, các doanh nghiệp còn phải chuẩn bị 13 danh mục hồ sơ, tài liệu để làm việc với đoàn thanh tra. Theo yêu cầu bắt buộc của đoàn thanh tra, thì các doanh nghiệp còn phải chuẩn bị lỗ khoan trên thân ống khói để lấy mẫu khí thải phân tích đánh giá, làm cơ sở xử lý nếu có sai phạm.

Theo nội dung thanh tra thì, hàng năm doanh nghiệp phải tự quan trắc khí thải và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, thanh tra nhằm xem xét và đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn Việt Nam về khí thải.

Đối với các cơ sở đặc thù không thể khoan được phải có thiết bị quan trắc liên tục, tự động khí thải hoặc các kỹ thuật quan trắc khí thải khác được cho phép.

Trao đổi với Tiền Phong, một thành viên ở Long An nằm trong Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Xuân Quang - Cục Phó cục kiểm soát môi trường, dẫn đầu cho biết, để biết được nguyên nhân sai phạm của doanh nghiệp phải chờ có kết quả kiểm tra các mẫu nước thải mà đoàn lấy xét nghiệm. Khi được hỏi trong số 7 doanh nghiệp mà đoàn đã kiểm tra, các đơn vị có “bồi dưỡng” cho các thành viên hay không, thành viên này cho rằng “đây là vấn đề nhạy cảm” và xin không thông tin.

MỚI - NÓNG