Ông Phát yêu cầu Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT) chủ trì kiểm tra toàn bộ các loại phí, lệ phí trong ngành, phát hiện các chồng chéo, bất hợp lý, đề xuất sửa đổi và báo cáo Bộ trưởng kết quả kiểm tra trước ngày 15/2. Ngoài ra, Vụ Tài chính phối hợp Cục Thú y và cơ quan liên quan của Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các thông tư liên quan quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y và phải hoàn thành dự thảo trước 30/1.
Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM về góp ý cho dự thảo Luật Thú y, Luật An toàn vệ sinh lao động, ông Nguyễn Văn Trực, Tổng giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn, phản ánh, hiện một con gà “cõng” tới 14 loại phí, lệ phí.
Theo ông Trực, hiện phí, lệ phí kiểm dịch với gia cầm còn khá nhiều, thậm chí trùng lặp, làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông của doanh nghiệp. Ông Trực đề nghị, với đơn vị sản xuất theo chuỗi khép kín (từ gà con nuôi thịt đến giết mổ, chế biến) chỉ nên tính phí kiểm dịch đầu vào (gà con) và đầu ra cuối cùng (chế biến), bỏ những khâu trung gian.
Thực tế, nhiều quy định trái khoáy trong kiểm dịch đã được người dân, doanh nghiệp phản ánh cách đây không lâu, như: Giấy phép kiểm dịch trứng có giá trị 1 ngày ở Lào Cai; quy định kiểm dịch mật ong, giống thủy sản theo kiểu “ngó qua một cái, cấp cái giấy và thu tiền”. Với hình thức kiểm dịch đó, một quả trứng tăng chi phí thêm 50 đồng.
Trước thông tin trên, ông Phát cho rằng, đó là “chuyện thật như đùa”, và “những quy định đó dù là chính thức, nhưng không đúng đắn nên dẹp bỏ”. Ông Phát cũng yêu cầu các “tư lệnh” ngành Thú y, Bảo vệ thực vật, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phải tham mưu cho Bộ để cắt bỏ những giấy phép bất hợp lý và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. “Tôi yêu cầu trong tháng này phải thay đổi, chấm dứt việc phi lý như vậy”, ông Phát nói.