Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) – Trưởng đoàn công tác cho biết, đoàn sẽ nắm bắt, thu mẫu phân tích dọc ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Theo bà Dung, trước đó, chỉ có hiện tượng cá nuôi lồng chết ở khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh). “Tuy nhiên, đến nay hiện tượng cá chết còn lan sang các loài cá tự nhiên, nên chúng tôi gần như nắm bắt từ đầu, xem xét lại các yếu tố môi trường, dịch bệnh, sàng lọc và sẽ có báo cáo lãnh đạo Tổng cục trong tuần tới”- bà Dung nói.
Bà Dung cũng cho biết, đoàn sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn, có thể lấy mẫu sâu hơn kiểm tra độc tố, kiểm tra, đánh lại chất lượng môi trường ra sao. “Chúng tôi cũng có tham mưu, có công văn đề nghị phía Bộ TN&MT cung cấp thêm số liệu quan trắc, xem thời gian qua, đặc biệt là một tháng gần đây, môi trường có vấn đề gì trầm trọng không” - bà Dung nói.
Đoàn đang đặt giả thiết, có hiện tượng cá chết di chuyển theo dòng nước từ Hà Tĩnh trở vào, nên đoàn sẽ đi “đón đầu”, vào Thừa Thiên - Huế kiểm tra, lấy mẫu, rồi vòng trở ra Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh, xem nồng độ ở đâu cao nhất.
Trong khi đó, theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), khi xuất hiện thông tin cá nuôi lồng chết Vũng Áng, Vụ đã phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, lập đoàn công tác vào thu mẫu, phân tích sơ bộ.
“Kết quả bước đầu không xác định được các dấu hiệu bệnh thông thường, môi trường cũng không có gì bất thường. Tuy nhiên, thấy kết quả đó chưa ổn, nên chúng tôi tiếp tục cử tiếp đoàn công tác nữa vào kiểm tra, làm việc với địa phương, xem xét có vấn đề ô nhiễm, hay nguyên nhân khác không”- ông Cẩn nói.
Theo ông Cẩn, hiện tượng cá chết đang lan ra phạm vi rộng, có cả cá to. Tuy nhiên, ở biển rộng có rất nhiều yếu tố, đòi hỏi phải có các đánh giá tổng hợp, dựa trên cơ sở khoa học mới kết luận được nguyên nhân.