Vụ bắn hạ Su-24 Nga: NATO đối mặt khủng hoảng mới

ổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ankara sau khi bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga với cáo buộc xâm phạm không phận. Ảnh: THX/TTXVN.
ổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ankara sau khi bắn rơi một máy bay chiến đấu Su-24 của Nga với cáo buộc xâm phạm không phận. Ảnh: THX/TTXVN.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối mặt với nguy cơ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông sau khi các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên NATO - bắn hạ máy bay cường kích Su-24 Nga ngày 24/11.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đối mặt với nguy cơ bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông sau khi các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ - một nước thành viên NATO - bắn hạ một máy bay Nga ngày 24/11. Chiếc máy bay này bị các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc vi phạm không phận của nước này ở khu vực biên giới giáp với Syria.

Vụ việc này có thể khiến cho mối quan hệ giữa Nga và NATO càng thêm căng thẳng. Các quan chức Nga xác nhận máy bay chiến đấu Su-24 của Nga đã bị bắn hạ sáng 24/11, song nhấn mạnh rằng máy bay này không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết một trong ít nhất hai phi công đã thiệt mạng trong vụ việc này, và một lính thủy đánh bộ cũng thiệt mạng bởi hỏa lực của quân nổi dậy Syria trong lúc phía Nga tìm cách giải cứu các phi công bị bắn rơi.

Vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi thu hút sự chú ý trở lại đối với kịch bản mà Lầu Năm Góc và các đối tác lo sợ trong nhiều tháng qua, đó là: một cuộc xung đột sẽ nảy sinh từ các chiến dịch không kích chồng chéo lẫn nhau ở Syria. Hiện Nga đang tiến hành không kích để hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích chống lại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Nga nhiều lần vi phạm không phận của họ kể từ khi Moskva tiến hành không kích nhằm vào phe đối lập vũ trang phản đối ông Assad từ cuối tháng 9/2015. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng những lời lẽ rất nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và gọi vụ việc này là “cú đâm từ sau lưng”. Tại Washington, Tổng thống Obama đã kêu gọi xoa dịu căng thẳng, nhưng vẫn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận của họ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng máy bay Nga đã được cảnh báo nhiều lần trước khi bị bắn hạ bởi hai chiến đấu cơ F-16 ở khu vực biên giới phía Tây Syria trên vùng đồi núi cách không xa bờ biển Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi NATO tiến hành phiên họp khẩn để thảo luận vụ việc này nhưng không bàn về các điều khoản của liên minh, mà theo đó các nước thành viên khác sẽ tham gia bảo vệ chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước đồng minh NATO và các thông tin tình báo gần nơi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga đã xác nhận bản tường thuật mà Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, đồng thời bác bỏ lập luận của Nga rằng máy bay của họ đang bay qua vùng trời của Syria và không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ bắn hạ Su-24 Nga: NATO đối mặt khủng hoảng mới ảnh 1 Sau khi bị bắn hạ, chiến đấu cơ của Nga đã rơi xuống một vùng núi thuộc tỉnh Latakia, Syria.
Tại thành phố Sochi (Nga), ông Putin nói rằng máy bay Nga “không đe dọa chủ quyền lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ” và rằng máy bay đó đang “theo đuổi chiến dịch” chống lại IS ở khu vực đồi núi phía Bắc thành phố cảng Latakia của Syria. Sau cuộc hội đàm với Nhà vua Abdullah II của Jordan, một nước trong liên minh do Mỹ dẫn đầu, ông Putin phát biểu với các phóng viên rằng: “Vụ việc bi kịch hôm nay (24/11) sẽ có tác động nghiêm trọng đối với quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”. Một số nhà lập pháp Nga đã kêu gọi hành động trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ, với việc sơ tán các du khách Nga khỏi các khu du lịch nổi tiếng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy bỏ chuyến công du đã lên kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay Su-24 là một trong số hàng chục máy bay cánh cố định hoạt động ở Syria, một phần trong chiến dịch không kích kéo dài 2 tháng qua của Nga. Trong khi đó, đầu tháng 11/2015, Mỹ đã điều động thêm các máy bay chiến đấu tới căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để giúp nước này bảo vệ không phận của họ.  Bất đồng giữa Ankara và Moskva cũng tăng lên sau khi các cuộc không kích của Nga được cho là đã nhằm vào các ngôi làng ở Syria có đông người Thổ (Turkmen)- dân tộc thiểu số có mối liên hệ về văn hóa với Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 10/2015, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay không người lái gần biên giới với Syria được cho là của Nga sản xuất (theo lời các chuyên gia phân tích quân sự). Các quan chức ở Moskva phủ nhận mối liên hệ với máy bay bị bắn hạ này và đã điều động một phái đoàn tới Thổ Nhĩ Kỳ để xoa dịu quan ngại. Nga cũng đã gửi lời xin lỗi chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 10/2015, khi một máy bay Nga vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ phải đột ngột cất cánh để ngăn chặn máy bay này. Phía Nga đã gọi sai lầm đó là “lỗi điều hướng”. Nga đã tiến hành hơn 4.000 cuộc không kích kể từ khi bắt đầu can thiệp vào Syria, sử dụng các máy bay hiện đại mới và các máy bay được cải tiến từ thời Xô Viết. Nga có ít nhất 32 máy bay cánh cố định và 16 trực thăng ở căn cứ không quân Hmeimim gần Latakia - thành trì của ông Assad trên biển Địa Trung Hải, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 30 dặm (48 km).
Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG