Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Như Thanh, hiện nay toàn huyện có 50 đập tràn lớn, nhỏ. Các đập tràn này khi không có mưa lũ là đường giao thông chính, phục vụ đi lại của người dân, các phương tiện giao thông tại địa phương.
Khi mưa lũ, nước dâng cao, các đập tràn này là nơi thoát lũ nhanh. Lúc mực nước chảy qua đập tràn có độ cao từ hơn 50cm trở lên là rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Trong những năm qua, bằng nguồn vốn của nhân dân đóng góp và kinh phí từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, huyện Như Thanh đã đầu tư, xây dựng được 25 công trình đập tràn lớn nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, huyện còn 25 công trình đập tràn đắp bằng đất đá tạm thời, thường bị cuốn trôi sau các mùa mưa lũ, rất cần được đầu tư xây dựng kiên cố. Các đập tràn tại huyện Như Thanh chưa được xây dựng biển cảnh báo.
Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết: Tất cả các đập tràn, cầu tràn ở cơ sở đều được giao cho UBND xã quản lý. Qua vụ việc xảy ra vừa qua tại xã Mậu Lâm, làm ba người bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua đập tràn Cầu Hồ, UBND huyện đang nghiên cứu các hình thức phù hợp và sẽ xây dựng biển cảnh báo hợp lý tại hai đầu của đập tràn, để nhắc nhở người dân không được qua đập tràn lúc mưa lũ lớn.
Như Tiền Phong đã đưa tin, chiều 30/8, trong khi đi qua đập tràn Cầu Hồ ở xã Mậu Lâm, Trịnh Thị Huyền (21 tuổi, trú tại thôn Cầu Hồ, xã Mậu Lâm), Trương Thị Hoa, Trương Thị Kim Anh (đều 12 tuổi, dân tộc Mường, học sinh lớp 7, trú tại xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh) đã bị nước lũ cuốn trôi, tử vong.