Vụ án tại BV Bạch Mai: Bị cáo nộp tiền khắc phục cho hơn 550 bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bên cạnh bản án phạt tù được tuyên, HĐXX ghi nhận bị cáo Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) đã nộp tiền để bồi thường thiệt hại cho gần 550 người bệnh đã bị "móc túi" trước đó.

Sáng 24/1, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và nhóm đồng phạm liên quan đến việc ký kết hợp đồng liên doanh trái quy định, nâng khống giá robot phẫu thuật gây thiệt hại cho 637 bệnh nhân.

Khi tuyên án, HĐXX ghi nhận việc Công ty BMS đã tự nguyện tặng robot Rosa phẫu thuật cho Bệnh viện Bạch Mai sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, hơn 550 bệnh nhân đã được bị cáo Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty BMS) bồi thường trên 9 tỷ đồng. 49 bệnh nhân khác được phía bệnh viện khắc phục thiệt hại. Các trường hợp còn lại đang tiến hành bồi thường theo quy định.

Bản án sơ thẩm kết luận, năm 2012, Bệnh viện Bạch Mai triển khai đề án sử dụng các trang thiết bị y tế từ nguồn xã hội hóa. Tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn gặp ông Nguyễn Quốc Anh, đề nghị bán 2 robot Rosa và Mako, do BMS nhập khẩu, giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.

Ông Quốc Anh ban đầu từ chối mua nhưng sau đó tự ý chủ trì cuộc họp, thông qua đề án liên kết để ký hợp đồng lắp đặt, đưa robot Rosa vào sử dụng, gây thiệt hại cho bệnh nhân.

HĐXX sơ thẩm xác định, robot Rosa trị giá 7,4 tỷ đồng được Tuấn khống giá gấp 5, thành 39 tỷ đồng. Giải thích về việc tăng giá robot, Tuấn cho rằng dựa trên bảng giá của nhà sản xuất nước ngoài cung cấp, thêm chi phí đào tạo, cộng chi phí rủi ro. Từ đó hai bên thống nhất 39 tỷ đồng.

Cuối tháng 2/2017, ông Nguyễn Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa, mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot.

Hậu quả vụ án có 637 người bệnh tại Bạch Mai trả thêm hơn 10,5 tỷ tiền sử dụng robot Rosa. Đây được xác định là số tiền thiệt hại trong vụ án.

Vụ án tại BV Bạch Mai: Bị cáo nộp tiền khắc phục cho hơn 550 bệnh nhân ảnh 1

Bị cáo Phạm Đức Tuấn (bên phải), cùng nhóm đồng phạm trong vụ án.

Trước đó, quá trình xét hỏi, trong số 8 bị cáo chỉ duy nhất ông Nguyễn Quốc Anh phản bác cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong nội dung cáo trạng có nhiều ý buộc tội không được khách quan, điển hình như việc ông bị quy kết có “thông đồng với bị cáo Phạm Đức Tuấn để lắp đặt robot phẫu thuật”.

Bên cạnh việc phản bác cáo trạng, ông Quốc Anh cũng thừa nhận "có sai phạm" với vai trò là người lãnh đạo cao nhất của Bệnh viện đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc này.

Ông khẳng định, việc ký liên kết lắp đặt robot Rosa phẫu thuật với Công ty BMS đem lại lợi ích cho Bệnh viện Bạch Mai và cả người bệnh.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, ông Nguyễn Quốc Anh có nhiều sai phạm, quá nóng vội khi bàn bạc với Phạm Đức Tuấn, đi đến ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết, trái quy định. Còn bị cáo Phạm Đức Tuấn vì vụ lợi đã dùng nhiều thủ đoạn hợp thức hóa chứng thư, tăng giá robot và đưa vào lắp đặt phục vụ phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, quá trình xét hỏi công khai tại tòa, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh trên, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền bị phạt 3 năm 6 tháng tù. Hai cựu cán bộ bệnh viện Trịnh Thị Thuận và Lý Thị Ngọc Thủy lĩnh lần lượt 3 năm tù treo và 2 năm tù treo.

Bị cáo Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS) nhận mức án 3 năm tù treo; Ngô Thị Thu Huyền (cựu phó giám đốc công ty này) lĩnh 2 năm 6 tháng tù treo. Riêng hai bị cáo Phan Minh Dung (cựu Tổng giám đốc Công ty VFS) và Trần Lê Hoàng (nhân viên VFS) lần lượt lĩnh 20 tháng tù và 2 năm tù.

MỚI - NÓNG