Văn bản nêu rõ, việc hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng đối với 214 lao động làm nhiệm vụ giảng dạy, phục vụ tại các trường học (Tiểu học, THCS và mầm non) thuộc huyện Kỳ Anh (cũ) trong những năm gần đây đã để lại dư luận xấu, nhân dân mất niềm tin vào chính quyền, thực hiện hợp đồng sai quy trình, không đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động. Tại một số bộ môn, số lao động hợp đồng nhiều hơn biên chế được giao, gây lãng phí ngân sách nhà nước, lãng phí lao động…
Sở Nội vụ cũng chỉ ra rằng trách nhiệm thuộc về UBND huyện Kỳ Anh (cũ), phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT, các phòng chuyên môn liên quan và các trường có sử dụng người lao động.
Cụ thể, yêu cầu lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo và các phòng chuyên môn, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường và những người có liên quan phải viết bản tự kiểm điểm nghiêm túc, kiểm điểm vai trò, trách nhiệm cá nhân trong lĩnh vực được giao, được phân công.
Đối với các tập thể, Sở cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể UBND huyện Kỳ Anh (cũ), Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT và các phòng liên quan, các trường học. Theo đó, Sở đề nghị cấp ủy đảng cùng các tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với những tập thể, đảng viên vi phạm trong việc thực hiện 214 hợp đồng lao động tại các trường.
Và đặc biệt, liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến vụ việc này được tự nhận hình thức kỷ luật!.
Cũng liên quan đến việc giải quyết, xử lý xung quanh 214 giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang giao cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh sớm tổ chức tuyển dụng.
Đối với những lao động trong quá trình tham gia công tác mà không được tham gia bảo hiểm xã hội thì yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh phải hỗ trợ một năm bằng nửa tháng lương cơ bản/người.
Không tuyển bằng trung cấp
Tuy nhiên, mới đây Tiền Phong lại lần nữa nhận được phản ánh từ 214 giáo viên bị cắt hợp đồng cho rằng, với quy định tuyển dụng lại 214 giáo viên có bằng cấp từ Cao đẳng chính quy trở lên lại một lần nữa khiến cho hàng chục giáo viên trong số 214 giáo viên thất nghiệp này thêm lần ngậm ngùi khi chỉ có bằng tốt nghiệp trung cấp và các loại đại học từ xa, tại chức.
Tại văn bản số 3717/UBND-NC của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đồng ý chủ trương xét tuyển giáo viên gửi UBND huyện Kỳ Anh, Sở nội vụ, Sở GD&ĐT, có nêu rõ: Đồng ý UBND huyện Kỳ Anh tuyển dụng 99 giáo viên theo hình thức xét tuyển với cơ cấu như sau:
Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiểu học trở lên (73 người); tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiếng anh trở lên (11 người); tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm âm nhạc trở lên (10 người); tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tin học trở lên (2 người); tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm thể dục thể thao hoặc sư phạm giáo dục thể chất trở lên (3 người).
Đồng thời, trong văn bản cũng nói rõ: Ưu tiên sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên; ưu tiên bố trí con liệt sỹ, con thương binh, con bệnh binh nặng đã tốt nghiệp ngành sư phạm. Nếu còn chỉ tiêu thì tổ chức tuyển dụng viên chức theo quy định. Như vậy, văn bản cho biết không tuyển dụng giáo viên có bằng trung cấp.
Đến nay, trong số 214 người bị chấm dứt hợp đồng, huyện Kỳ Anh đã nộp 36 hồ sơ, 9 người không đủ điều kiện nộp vì bằng trung cấp. Thị xã Kỳ Anh có 21 người đã nộp hồ sơ, 5 người không đủ điều kiện nộp do bằng trung cấp.