Vớt nhiều thi thể hành khách chuyến bay QZ8501 của AirAsia

 Thân nhân hành khách trên chuyến bay QZ8501 ngất khi nghe tin tìm thấy mảnh vỡ máy bay. Ảnh: Xinhua
Thân nhân hành khách trên chuyến bay QZ8501 ngất khi nghe tin tìm thấy mảnh vỡ máy bay. Ảnh: Xinhua
TP - Tính đến tối qua, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn vớt được 3 thi thể và một số đồ từ khu vực máy bay Airbus số hiệu QZ8501 của AirAsia rơi ở vùng biển Indonesia, tại độ sâu khoảng 20-25m. Không có dấu hiệu cho thấy còn người sống sót.

Trong cuộc họp báo tối 30/12 ở thành phố Surabaya, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia, ông Bambang Sulistyo thông báo, mới vớt được 3 thi thể (2 nam, 1 nữ), chứ không phải 40 như thông tin ban đầu. 

Trước đó, Hải quân Indonesia thông báo tìm thấy 40 thi thể và đặt trên chiếc tàu chiến tên Bung Tomo. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cũng vớt được một số đồ vật từ máy bay QZ8501, trong đó có các bình dưỡng khí, một máng trượt thoát hiểm của máy bay và một vali màu xanh da trời.

Ông Sulistyo nói rằng, Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia hy vọng tìm thấy thân máy bay gặp nạn ngay trong tối 30/12. Tại buổi họp báo, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo, tất cả tàu thủy, máy bay sẵn có sẽ được huy động để trục vớt thi thể hành khách và thành viên phi hành đoàn càng nhanh càng tốt. 

Ông cũng bày tỏ cảm ơn các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cũng như những nước đã giúp đỡ Indonesia tìm kiếm máy bay QZ8501. Tuy nhiên, tại nơi máy bay rơi có nhiều sương mù, sóng biển cao 2-3m, nên chiến dịch tìm kiếm thi thể hành khách, thành viên phi hành đoàn, mảnh vỡ, đặc biệt là thân của máy bay QZ8501 đã phải tạm ngừng vì thời tiết xấu và sóng to. 

“Công tác này sẽ được nối lại ngay lập tức, ngay cả khi đêm tối, miễn là điều kiện thời tiết tốt lên”, ông Sulistyo nói. Ba tàu thủy tại khu vực máy bay gặp nạn đã được lệnh khoanh vùng mảnh vỡ rơi và tính trước khả năng các thi thể nạn nhân nổi lên mặt biển. 

“Vấn đề chúng tôi đang phải đối mặt là sóng cao tới 2-3m ở khu vực tìm kiếm và thời tiết không thuận lợi. Nếu sóng thấp hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc nhờ ánh đèn từ ba con tàu”, ông nói. Ít nhất 14 thợ lặn đã được yêu cầu tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Những tàu thủy khác, gồm 3 tàu chiến của hải quân Indonesia, 2 tàu khảo sát, có thể phát hiện vật thể trong lòng biển. Trong khi đó, 3 tàu Singapore đang trên đường tới khu vực máy bay rơi, dự kiến đến nơi vào nửa đêm 30/12 hoặc rạng sáng 31/12, ông Sulistyo cho biết. 

Tàu đổ bộ RSS Persistence của Hải quân Singapore vừa tới khu vực tìm kiếm QZ8501 cùng với 2 chiếc trực thăng Super Puma, CNA đưa tin. Các chuyên gia của Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Singapore cùng trang thiết bị liên quan sẽ đến khu vực tìm kiếm vào ngày 31/12.

Vớt nhiều thi thể hành khách chuyến bay QZ8501 của AirAsia ảnh 1

Máng trượt và bình dưỡng khí được vớt lên từ khu vực máy bay rơi. Ảnh: Xinhua

Theo Jakarta Post, chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn có sự tham gia của ít nhất 30 tàu và 15 máy bay đến từ 9 nước. Sau khi chiếc máy bay QZ8501 biến mất hôm Chủ nhật, Singapore, Malaysia, Indonesia, Úc, Mỹ đã đưa tàu và máy bay cùng thiết bị sang Indonesia. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand cũng đề nghị giúp đỡ.

Thân nhân phẫn nộ

Xác chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy, nhưng không quan chức nào nêu ra khả năng có người còn sống sót. Chờ đợi suốt mấy ngày ở Surabaya, nơi chiếc máy bay xấu số cất cánh, người thân của 162 hành khách, thành viên tổ lái đã ôm lấy nhau, khóc ngất khi nghe thông báo tìm thấy một số mảnh vỡ máy bay. Ít nhất 2 thân nhân đã được chuyển bằng cáng ra khỏi phòng chờ ở Surabaya - thành phố lớn thứ hai của Indonesia. 

Nhiều người trách móc đài truyền hình Indonesia chiếu đoạn phim có cảnh một thi thể nổi trên mặt biển nhìn từ máy bay tìm kiếm trên cao. Một nữ quản lý của AirAsia hét vào màn hình TV khi chiếu cảnh thi thể nổi trên mặt nước, trong khi khoảng 200 nhà báo bị ngăn vào căn phòng nơi người thân hành khách đang tập trung, AP đưa tin. 

Ông Munif, 50 tuổi, người có em trai tên là Siti Rahmah đi chuyến bay xấu số, nói: “Không khí trở nên khác hẳn sau khi truyền hình chiếu đoạn phim ghi cảnh thi thể nổi. Các gia đình bắt đầu bị kích động”, ông Munif kể.

Trong khi đó, Tổng giám đốc điều hành, người sáng lập AirAsia (trụ sở ở Malaysia), tỷ phú Tony Fernandes, nói rằng, vụ tai nạn của QZ8501 là vết sẹo sẽ theo suốt quãng đời còn lại của ông.

Kế hoạch bay nguy hiểm

Trên mạng internet, nhiều phi công tập trung bàn về dữ liệu radar thứ cấp không được xác nhận từ Malaysia cho thấy máy bay đang bay lên ở tốc độ 353 knot (hơn 180m/s). Tốc độ này bị coi là chậm, và có thể đã dẫn đến tình trạng chết máy. 

Động cơ của chiếc máy bay gặp nạn, được sản xuất bởi hãng CFM International, đồng sở hữu bởi hãng General Electric và Safran của Pháp, không có hệ thống chẩn đoán hay giám sát động cơ theo thời gian thực, phát ngôn viên của GE cho biết. 

Những hệ thống như vậy chủ yếu được sử dụng cho các chuyến bay đường dài, có thể cung cấp dữ liệu cho hãng hàng không và các nhà điều tra khi có vấn đề xảy ra. 

Ngày 30/12, một chuyên gia hàng không Úc nói rằng, lỗi con người đã dẫn tới sự biến mất của chuyến bay QZ8501, sau khi phi công bay thẳng vào khu vực nguy hiểm khét tiếng phía trên biển Java, Xinhua đưa tin. Chuyên gia Neil Hansford cho rằng, cơ trưởng người Indonesia hoặc cơ phó người Pháp đã đưa ra một kế hoạch bay nguy hiểm. 

Ông Hansford nói rằng, các phi công dày dạn kinh nghiệm luôn tránh khu vực nguy hiểm, họ không bay qua đó vì máy bay có thể rơi. “Họ gọi khu vực đó là nhà máy sản xuất bão kèm sấm sét và mưa to”, ông nói. Theo vị chuyên gia Úc, nguyên nhân máy bay mất tích không thể là lỗi kỹ thuật.

Ông Hansford cũng nêu nghi vấn về vấn đề tổ lái chuyến bay QZ8501 có nghiên cứu kỹ thông tin thời tiết ở thành phố Surabaya hay không và cách thức họ liên lạc. “Ngôn ngữ chính của cơ trưởng là Bahasa, của cơ phó là tiếng Pháp. Tiếng Anh của hai người tốt đến mức nào?”, chuyên gia Úc đặt câu hỏi.

Các quan chức an ninh và thực thi pháp luật Mỹ nói rằng, danh sách hành khách và thành viên phi hành đoàn đang được kiểm tra, nhưng không có điều gì đáng chú ý, và đây vẫn được coi là tai nạn chưa được giải thích.

Câu chuyện về một tiếp viên

Ngày 30/12, Merdeka, nhật báo Indonesia, dẫn lời người thân anh Wismoyo Aris Prambudi (thường gọi là Yoyok), 1 trong 4 tiếp viên hàng không người Indonesia trên chuyến bay QZ8501, nói rằng, lẽ ra Yoyok không phải lên máy bay làm nhiệm vụ vì hôm đó không phải ngày làm việc của anh. Hôm đó, anh đi làm thay một đồng nghiệp. Bà Sri Sumingsri, mẹ anh Yoyok, vẫn đang ngóng chờ tin về con trai. 

Anh Yoyok liên lạc lần cuối với gia đình vào ngày 27/12 và thay đổi avatar trên tài khoản BlackBerry Messenger trước khi lên chuyến bay. “Lần cuối cùng Yoyok liên lạc với chúng tôi là vào chiều thứ 7. Cậu ấy dùng BlackBerry Messenger và thay ảnh đại diện sau khi ăn tại nhà hàng. Lẽ ra, hôm đó, cậu ấy không phải bay tới Singapore”, ông Agus Riyanta, người nhà của anh Yoyok, nói.

Ông Riyanta nói rằng, anh Yoyok không thông báo cho mẹ mình về chuyến bay QZ8501 vì hôm đó là ngày nghỉ của Yoyok. “Có lẽ nó đi làm thay cho ai đó. Bình thường nó bay đi Malaysia hoặc Thái Lan, không phải tới Singapore”, ông Riyanta nói.

Hai chuyến bay AirAsia gặp trục trặc

Ngày 30/12, Cục Hàng không Dân dụng Philippines xác nhận một chuyến bay của AirAsia bay từ thủ đô Manila đến thành phố Kalibo đã vượt quá đường băng khi hạ cánh cùng ngày. Trước đó, nữ nhà báo Indonesia Jet Damazo-Santos vừa đăng thông tin và hình ảnh trên trang mạng xã hội Twitter của cô. 

Theo đó, hôm nay cô đi trên chuyến bay của AirAsia tới thành phố Kalibo trên đảo Panay của Philippines. Khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, máy bay đã chạy quá đường băng. Hành khách phải xuống máy bay bằng máng trượt khẩn cấp, nhưng không ai bị thương. Các nhân viên y tế đã kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp của những hành khách cao tuổi. Philippines đang chống chọi một cơn bão nhiệt đới đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 29 người.

Một chuyến bay khác của AirAsia trên đường bay đến vùng đông bắc Thái Lan hôm qua phải quay lại thủ đô Bangkok không lâu sau khi cất cánh, vì phi công phát hiện “bất thường trong khoang lưu trữ”, một quan chức hãng hàng không cho biết. Chuyến bay mang số hiệu FD3254 được phép cất cánh lại sau khi các kỹ sư xác định không có trục trặc kỹ thuật nào, BBC đưa tin.

MỚI - NÓNG